Qua thanh tra, kiểm tra 7 tháng đầu năm, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các dự án giao thông được xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Cụ thể, sau khi kiểm toán công trình BOT Cổ Chiên - Trà Vinh, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai sót và đã giảm tới 5,5 năm thời gian thu phí của dự án này. Có nghĩa, thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14,5 năm.
Tương tự một dự án trên quốc lộ 19 được kiến nghị giảm 7 năm 7 tháng và một dự án BOT ở khu vực Tây Nguyên được kiến nghị giảm thời gian thu phí đến 10 năm. Thậm chí, có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, thu phí 13 năm.
Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 6 một trong rất nhiều dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT - ảnh: H.Lực |
Ủng hộ sự vào cuộc mạnh mẽ của Kiểm toán nhà nước, thay mặt Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vừa có văn bản nêu lên những bất cập trong phương thức đầu tư BOT giao thông gửi đến Kiểm toán nhà nước.
Quá nhiều bất cập
Trong văn bản ông Bùi Danh Liên nêu rõ: Thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhưng thời gian qua. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho phép đầu tư ồ ạt, làm với bất cứ giá nào, làm theo nhiệm kỳ với căn bệnh phong trào, không quan tâm đến giá thành đầu tư nên suất đầu tư quá cao.
Nêu ví dụ, ông Liên cho biết: 1 Km đường cao tốc 4 làn được tại 25 bang ở Mỹ chỉ có giá 7 triệu USD, tại Ả Rập Thống Nhất cao tốc 12 làn xe không hạn chế tốc độ chi phí xây dựng chỉ 4 triệu USD/Km. Còn tại Việt Nam chi phí trung bình lên đến 20 triệu USD/Km. Tính chi phí sửa chữa, nâng cấp mở rộng đường cũ từ Cần Thơ đi Phụng Hiệp lên đến 5 triệu USD/Km.
Tháng 10/2015, thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư sau khi vào cuộc kiểm tra đã chỉ ra chi phí dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa chỉ hơn 1.400 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư dự án lên đến 2.700 tỷ đồng, chênh lệch lên đến 1.200 tỷ đồng.
Tương tự dự án Quốc lộ 1 Phan Thiết - Đồng Nai hoàn thành chỉ hết 1.600 tỷ đồng chứ không phải 2.000 tỷ đồng như dự toán.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - Ảnh: H.Lực. |
Bên cạnh thiếu kiểm soát suất đầu tư, ông Bùi Danh Liên đánh giá: Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trong nhiệm kỳ vừa qua quyết liệt thực hiện chủ trương đầu tư BOT giao thông.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ mới chỉ là người “đốc công” giỏi nhưng quản lý còn kém, thiếu tư duy khoa học, thiếu nhạy cảm tiếp nhận phản hồi của dư luận không kịp thời xử lý vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện đầu tư BOT giao thông.
Cụ thể, dự án giao thông đầu tư BOT có hiện tượng phí chồng phí, thu phí khống. Chẳng hạn cả 2 giai đoạn dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 đầu tư 2.000 tỷ đồng. “Không hiểu lý do gì mà Bộ Giao thông vận tải chưa hoàn chỉnh việc quyết toán giai đoạn 1, nhà đầu tư đã được thu phí ngay trên tổng mức đầu tư của cả 2 giai đoạn”, ông Liên đặt câu hỏi.
Tương tự là sai quy chuẩn đường cao tốc như tại dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, dù được thiết kế là đường cao tốc tốc độ cho phép đi 100km nhưng lại thiếu đường gom. Dù vậy Bộ Giao thông vận tải vẫn cho nhà đầu tư thu phí trên toàn tuyến.
Ông Liên cũng cho biết, có dự án BOT giao thông làm trái quy định của Nghị định 1078/2009/NĐ-CP trong khi xây dựng hợp đồng BOT như hợp đồng số 43/HĐ-BGTVT giữa Bộ Giao thông vận tải và Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Công ty CP Xây dựng GT1, Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lại có quy định về bảo mật.
Mới kiểm toán 4 trạm BOT đã rút ngắn được 5-11 năm thu phíTổng Cục đường bộ kiến nghị thanh tra toàn diện thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ |
“Không thể giải thích động cơ bảo mật là gì vì đây là hợp đồng kinh tế giữa cơ quan đại diện Nhà nước và nhà đầu tư tại sao lại phải bảo mật. Đáng nhẽ nó phải được công khai để mọi người tổ chức giám sát? Đến khi dự án hoàn thành đặt vấn đề người dân giám sát thu phí Bộ Giao thông vận tải lại nêu quan điểm: Người dân thì không thể vào kiểm tra hoạt động BOT. Rõ ràng Bộ Giao thông vận tải đang đứng về phía nhà đầu tư”, ông Liên nhận định.
Theo ông Liên, đường BOT sau thời gian thu phí hoàn vốn sẽ bàn giao cho Nhà nước quản lý và trở thành tài sản của nhân dân. Cái mất trong đầu tư BOT giao thông không phải chỉ là con số bao nhiêu tỷ đồng mà là lòng tin của nhân dân.
Kỳ vọng sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước
Sau thời gian ngắn thanh, kiểm tra... Kiểm toán nhà nước đã phát hiện xử lý hàng loạt bất cập, sai phạm của nhà đầu tư BOT giao thông. Đồng thời giúp rút ngắn thời gian thu phí của nhiều dự án.
Kết quả kiểm tra của Kiểm toán nhà nước một lần nữa cho thấy dự án đầu tư BOT giao thông đang thực sự có vấn đề và khẳng định những phân tích của báo chí và chuyên gia đưa ra hoàn toàn có cơ sở.
Đồng thời kết quả kiểm tra trên cũng khuyến cáo cho các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ xem xét cẩn trọng sự tăng trưởng GDP để điều chỉnh lộ trình tăng phí, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước vấn đề tại sao Kiểm toán nhà nước đến bây giờ mới vào cuộc? Ông Bùi Danh Liên cho rằng: Chúng tôi đặt câu hỏi này với Kiểm toán nhà nước và được cơ quan này lý giải: Khi đưa ra đề nghị thanh tra, kiểm tra dự án đầu tư BOT giao thông ngay lập tức từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư lên tiếng cho rằng, dự án đầu tư BOT không thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, vì thế Kiểm toán nhà nước không có trách nhiệm giám sát.
Chính vì vậy theo ông Liên phải đến đầu năm 2016, Kiểm toán nhà nước mới vào cuộc thanh tra kiểm tra.
“Trước thông tin này chúng tôi nghĩ rằng vốn đầu tư dự án BOT giao thông đúng là không dùng tiền ngân sách nhưng bản chất tài sản được hình thành từ sự chi trả của người dân. Do đó Kiểm toán nhà nước phải vào cuộc mạnh làm rõ mức thu phí, thời gian thu phí có minh bạch hay không. Để làm được điều này phải làm rõ suất đầu tư”, ông Liên nêu quan điểm.
Bên cạnh Kiểm toán nhà nước, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại các văn bản quy phạm, sửa đồi cho phù hợp Luật đầu tư.
Trước mắt điều chỉnh lại cự ly các trạm thu phí, kiên quyết dừng các dự án BOT chưa cấp bách. Phải thực hiện hoàn chỉnh tất cả hạng mục dự án, thực hiện quyết toán xong mới được thu phí.
Mặt khác theo ông Liên, cần nêu cao vai trò phản biện, giám sát của đại biểu Quốc hội, trong thời gian qua vấn đề bất cập trongđầu tư BOT giao thông được nhắc đến nhiều nhưng thực sự yếu tố giám sát của Hội đồng nhân dân, Quốc hội những người đại diện cho nguyện vọng của nhân dân chưa được như mong đợi của người dân.