Đề án đặc khu kinh tế
Sau Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T của ông chủ CLB bóng đá Hà Nội T&T Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) xin mua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, mới đây Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin nhượng quyền khai thác sân bay này cho thấy sự quan tâm lớn của doanh nghiệp với đầu tư hàng không.
Vậy đâu là sức hút của sân bay Phú Quốc? Nếu chỉ đơn thuần sân bay Phú Quốc đạt chuẩn 4E, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747… liệu có hấp dẫn của nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ngoài ngành như T&T?
Phân tích yếu tố này, PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng điểm hút của sân bay Phú Quốc với nhà đầu tư chính từ đề án xây dựng huyện đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, tiến lên thành phố du lịch theo chủ trương của Chính phủ.
Cơn sốt xin nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc |
Cụ thể, tại buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang ngày 18/3/2015 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hối thúc Kiên Giang sớm hoàn thành Đề án xây dựng Đặc khu hành chính và kinh tế Phú Quốc để trình Bộ chính trị xem xét trong năm 2015.
“Đề án phát triển Phú Quốc trở thành thành phố du lịch, trong đó có cả điểm vui chơi casino thu hút khách du lịch nhu cầu đi lại bằng phương tiện hàng không gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư xin nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, đề án xây dựng Đặc khu hành chính và kinh tế Phú Quốc được đưa ra từ năm 2013, theo chiến lược này Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp, trung tâm tài chính của khu vực và là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chuyên ngành.
Trong đó, lĩnh vực Du lịch – thương mại chiếm tỷ trọng hơn 70% GDP của Phú Quốc. Đây chính là điểm tựa để doanh nghiệp muốn đầu tư mạnh vào Phú Quốc đặc biệt lĩnh vực giao thông. Phú Quốc là huyện đảo nên hai phương tiện đi lại là đường thủy và đường hàng không, trong đó hàng không chiếm ưu thế lớn. Năm 2014, cảng hàng không Phú Quốc đạt sản lượng gần 800.000 hành khách, tăng khoảng 100.000 khách so với năm 2013, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 30%.
Trong khi đó theo báo cáo từ Tổng Công ty hàng không Việt Nam (ACV), từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng Hành khách quốc tế Phú Quốc tiếp tục phát triển mạnh.
Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, phát triển thế mạnh du lịch |
Trong quý I/2015, sản lượng hành khách thông qua Cảng Hành khách quốc tế Phú Quốc đạt 295.720 lượt hành khách, tăng 44,61% so với vùng kỳ năm 2014. Phục vụ cất hạ cánh đạt 2.548 lần/chuyến, tăng 45,43% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa bưu kiện đạt 230 tấn, tăng 2,59%.
PGS.TS Bình chỉ rõ, những con số trên đã lý giải vì sao nhà đầu tư lớn như Tập đoàn IPP và Tập đoàn T&T muốn được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc. Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, bản thân Phú Quốc đang thu hút sự đầu tư lớn các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Đến nay Phú Quốc đã thu hút hơn hai 200 dự án đầu tư với tổng diện tích 8.768 ha.
Trong đó, 112 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 4.850 ha với tổng vốn đầu tư hơn 135.000 tỷ đồng; có 18 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 6.849 tỷ đồng; 16 dự án đang triển khai xây dựng, các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Tham vọng của nhà đầu tư
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M), tức là chủ sở hữu nhà nước sẽ nhượng lại quyền khai thác, vận hành sân bay cho nhà đầu tư thông qua quá trình đấu thầu, quyền sở hữu sân bay vẫn thuộc nhà nước.
Nhà đầu tư phải thanh toán cho chủ sở hữu nhà nước một khoản tiền trả trước vào đầu thời gian nhượng quyền và có thể phải trả thêm một khoản phí nhượng quyền nhất định hàng năm. Các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, phát triển sân bay sẽ do nhà đầu tư đảm nhận trong suốt quá trình nhượng quyền. Khi kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư sẽ chuyển giao lại toàn bộ hoạt động khai thác, vận hành cho nhà nước.
Nhìn vào cách thực hiện việc nhượng quyền, tưởng chừng nhà đầu tư sẽ chịu thiệt nhiều. Tuy nhiên hai nhà đầu tư cùng xin nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc đã cho thấy những tham vọng riêng của họ.
Với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, việc ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc được xem là không bất ngờ khi bản thân vị doanh nhân này từng sang Mỹ học đại học ngành hàng không. Thêm vào đó vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đang là thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco).
Một điều ít ai biết khác là ngoài Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, trước đó IPP cũng đã nộp đơn đề nghị Bộ GTVT nhượng quyền khai thác nhà ga T1 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trở thành nhà đầu tư thứ 3 muốn “mua” nhà ga hành khách này sau Vietnam Airlines và Vietjet.
Trong khi đó việc nắm giữ một lượng cổ phần lớn ở Sasco được xem là bước đệm để Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… đưa hàng hiệu ra sân bay.
Sẽ không ngạc nhiên nếu sau khi được chấp nhận là nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn xây dựng những cửa hàng bách hóa hàng hiệu lớn tại sân bay Phú Quốc.
Với doanh nghiệp nổi tiếng với ngành bất động sản, tài chính ngân hàng như T&T, việc cùng lúc đề xuất mua cảng biển Quảng Ninh và sân bay Phú Quốc cho thấy tham vọng của tập đoàn này trong lĩnh vực vận tải. Đây được xem là hướng phát triển mới của T&T khi tập đoàn này nhận "trái đắng" ở bất động sản và tài chính. Khi dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân, huyện Tĩnh Gia trị giá 51 triệu USD của T&T bị UBND tỉnh Thanh Hóa gửi công văn đốc thúc đẩy nhanh tiến độ.
Nếu T&T không có khả năng thực hiện được các yêu cầu, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét quyết định chấm dứt dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Cũng trong thời gian đó, dự án Hỗn hợp dịch vụ, thương mại và căn hộ T&T Vĩnh Hưng của tập đoàn T&T bị đình chỉ thi công do không có giấy phép xây dựng. Trước đó, người dân tố việc thi công dự án khiến nhà các hộ dân xung quanh bị lún, nứt.
Ở mảng tài chính, sau khi sáp nhập Habubank, SHB thường xuyên lọt vào danh sách các ngân hàng có nợ xấu cao và lợi nhuận không ổn định. Tuy nhiên, gần đây, SHB đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu, hoạt động có nhiều tiến triển tốt hơn. Vì thế, đầu tư sang giao thông được kỳ vọng mở ra hướng phát triển mới cho tập đoàn T&T.