Nhấn mạnh tình hình sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu tháng 4 có nhiều chuyển biến tốt, Thủ tướng đồng thời chỉ rõ, tổng hợp cả 4 tháng thì còn thấp, nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề.
Do đó, yêu cầu đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp.
“Từng bộ, từng địa phương cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch chứ không phải bình thường.
Đặc biệt có đối sách, giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân mọi nguồn vốn, lo tìm thị trường, kể cả nội địa và xuất khẩu, chú trọng thị trường mới”, Thủ tướng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, trong đó có một số vấn đề cần lưu ý:
Với ngành công thương, phải rà soát lại 31 mặt hàng, trong đó lưu ý các mặt hàng lớn như dầu khí, than… để tăng được sản lượng khai thác.
Công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng ít nhất 13%. Phấn đấu tăng trưởng ngành sản xuất, phân phối điện cả năm đạt 11,5%. Xuất khẩu phải đạt và vượt kế hoạch.
Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%.
Thủ tướng cũng lưu ý việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, với tinh thần phải xong trong năm 2017-2018.
Ngoài 12 dự án này, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp nhà nước để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Các dự án thua lỗ xử lý theo kinh tế thị trường, Chính phủ không cấp thêm vốn cho những dự án này. ảnh: Báo Đấu thầu. |
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra bởi thực hiện được các mục tiêu này mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân.
Về nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm tăng trưởng trên 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm nay cần đạt ít nhất là 33 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh việc đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi. Nông nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà băng).
Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ lớn |
Về giá cả, thị trường nông sản, cần tập trung rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, quản lý vật tư nông nghiệp, chất lượng hàng hóa, phát triển thị trường bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và hệ thống thông tin giá cả, thị trường.
Không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay.
Các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ.
Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc tạm nhập tái xuất.
Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị.
Từng bước thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Thủ tướng chỉ đạo hai vấn đề: “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nên bàn trực tiếp vấn đề hỗ trợ vốn cho nông nghiệp”; “Phải tổng kết, nhân rộng các mô hình thí điểm tích tụ tập trung ruộng đất ở Thái Bình, Hà Nam, An Giang, Đồng Tháp, làm sao bảo đảm đúng pháp luật, quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp và người nông dân, tránh tranh chấp, bất ổn”.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần có giải pháp cụ thể về từng ngành hàng, sản phẩm chủ lực, từng thị trường, từng đối tác; rà soát, kiểm soát được việc nhập khẩu các hàng hóa trong nước sản xuất được.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Chỉ đạo thương vụ, cơ quan đại diện ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đặc biệt chú trọng phát triển và quản lý tốt thị trường trong nước, nhất là hệ thống siêu thị.
Giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu khẩn trương rà soát danh mục để hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Đổi mới quản trị, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ tài chính và hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát lại tình hình thu hút, thực hiện các dự án FDI, có biện pháp nâng cao chất lượng thu hút FDI.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ cần theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Có các giải pháp, chính sách phù hợp để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng; tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.
Quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Chính phủ yêu cầu bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%. ảnh minh họa: Tiền Phong. |
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm: “Để đạt được tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% trong khi tăng trưởng quý I chúng ta chỉ đạt 5,1% thì chúng ta phải có một kịch bản tăng trưởng.
Đó là quý II phải phấn đấu tăng trưởng GDP từ 6,26% và quý III là 7,29% và quý IV là 7,49% để cho 3 quý còn lại phải đạt được tăng trưởng bình quân là 7,1%.
Giải pháp trọng tâm có một số việc như thế này: Quý I, sản lượng khai thác dầu thô giảm 4%. Đây là lĩnh vực rất quan trọng, bảo đảm cho tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế của cả nước.
Vì thế, Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, ngay cả vấn đề khai thác dầu thô, vấn đề xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, vấn đề các công trình trọng điểm thuộc quản lý của Bộ Công Thương phải đẩy nhanh tiến độ để đi vào hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng”.
Đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Quan điểm của Chính phủ là xử lý là theo kinh tế thị trường”.