Việc thúc đẩy dạy và học tiếng Hán gặp khó khăn ngay tại Trung Quốc, quê hương của nó. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 23/9 đưa tin, có đến 30% trong tổng số 1,3 tỉ dân Trung Quốc không có khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông, tức tiếng Hán. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết trong một sự kiện thường niên để thúc đẩy việc dạy ngôn ngữ chính thức này.
Không chỉ có vậy, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết trong số 70% còn lại giao tiếp được bằng tiếng Hán thì chỉ có 10% trong số này là nói được tiếng Hán một cách rành mạch và trôi chảy. Cuộc điều tra mới này cho thấy ít nhất 400 triệu người Trung Quốc vẫn không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ được xem là chính thức từ năm 1955.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đánh giá, điều này cho thấy nhiệm vụ phổ cập tiếng Hán vẫn phải đối mặt với khó khăn rất lớn. Tiêu chuẩn của tiếng phổ thông Trung Quốc là tiếng Bắc Kinh được sử dụng bởi dân tộc Hán. Ngoài ra còn các thứ tiếng phổ biến khác như tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến và tiếng Ngô.
Ngoài ra các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc cũng có tiếng nói, ngôn ngữ riêng của họ và khác tiếng Hán ở mức độ khác nhau. Nhằm nỗ lực phổ biến ngôn ngữ hính thức, những đoạn quảng cáo, khẩu hiệu kêu gọi người dân Trung Quốc nói tiếng Hán đã xuất hiện trên đài phát thanh, truyền hình, xe bus và các địa điểm công cộng gần đây.
Tuy nhiên chiến dịch này cũng bị xem là gây tranh cãi và kích động sự bất mãn trong xã hội khi có những quan điểm nghi ngờ Bắc Kinh "đồng hóa" các dân tộc, vùng miền khác hay loại bỏ văn hóa của họ.
Mùa hè năm 2010 hàng ngàn người dân Quảng Đông đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch phát sóng nội dung truyền hình địa phương từ tiếng Quảng Đông sang tiếng phổ thông, tức tiếng Hán Bắc Kinh.
Tại Hồng Kông, người dân lo ngại về việc chính quyền ngày càng nhấn mạnh tăng cường giáo dục tiếng phổ thông trong các trường học, ảnh hưởng đến tiếng Quảng Đông và các ngôn ngữ địa phương khác được sử dụng áp đảo bởi cộng đồng dân cư ở đó. Những người này lo ngại văn hóa và bản sắc của họ có thể bị suy yếu dần theo thời gian.