KTX chỗ ở khan hiếm, SV chật vật thuê nhà trọ giá cao 'ngốn' 2-3 triệu/tháng

11/11/2024 06:40
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giá nhà trọ cao không đi kèm với chất lượng, ký túc xá khang trang nhưng không đáp ứng đủ số lượng khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở.

Năm học 2024-2025, cả nước có 2.068.522 sinh viên (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến ngày 4/9/2024). Trong đó, sinh viên tập trung đông nhất ở hai khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. [1]

Số sinh viên cao đi kèm với đó là nhu cầu về chỗ ở. Tuy nhiên, những năm gần đây giá phòng trọ ngày càng tăng nhưng điều kiện sinh hoạt vẫn không đảm bảo. Trước thực trạng giá nhà thuê ngày càng đắt đỏ, ký túc xá là lựa chọn rất nhiều sinh viên hướng đến. Nhưng hiện tại, ký túc xá của nhiều cơ sở giáo dục không đủ đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Trong khi đó, có trường muốn nâng cấp hoặc xây mới ký túc xá gặp rất nhiều khó khăn.

Ký túc xá tiện lợi, tiết kiệm chi phí nhưng số lượng chỗ ở có hạn

Cao Thị Thúy Hằng, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, bản thân không thuộc diện ưu tiên ở ký túc xá. Chính vì thế, 2 năm đầu, nữ sinh phải thuê trọ bên ngoài. Thời gian thuê nhà trọ bên ngoài, Hằng thường xuyên phải chuyển phòng vì điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Đến năm thứ 3, sau thời gian chật vật tìm kiếm phòng trọ, nữ sinh quyết định viết đơn xin vào ở ký túc xá. Sau khi trình bày hoàn cảnh khó khăn và nguyện vọng của bản thân, ban quản lý ký túc xá đã tạo điều kiện cho Hằng vào ở.

“Ở Hà Nội, nếu thuê trọ bên ngoài em phải chi trả khoảng 2.000.000 - 2.500.000 đồng/1 tháng cho một phòng trọ bình dân và phải ở ghép với nhiều người. Ở ký túc xá mỗi tháng em chỉ phải trả 500.000 đồng.

Dù ở 5-6 người/1 phòng nhưng em vẫn cảm thấy riêng tư hơn thuê trọ bên ngoài vì ở đây mỗi người đều có giường, bàn học, tủ quần áo riêng. Điều kiện ký túc xá hiện tại của em rất tốt, đầy đủ tiện nghi như: điều hòa, nóng lạnh, quạt trần, nước sạch, thang máy. Hơn nữa, thầy cô quản sinh rất sát sao với đời sống sinh viên.

Ngoài ra, ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền có khuôn viên rất lớn để đi dạo, tập thể thao, đây là điều em rất khó tìm thấy nếu thuê những căn phòng trọ giá rẻ bên ngoài”, Hằng nói.

GDVN_KTX (1).jpg
Góc học tập của Hằng tại Ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Ngọc Mai)

Cũng sinh sống trong ký túc xá của trường, Nguyễn Như Quỳnh, sinh viên năm 2, Trường Đại học Điện lực cho biết: “Ký túc xá ở trong khuôn viên trường nên sinh viên đi học rất tiện, không lo tắc đường. Ngoài ra, ký túc xá trường em có bảo vệ, an ninh tốt, trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy nên em rất yên tâm sinh hoạt và học tập.

Sống trong ký túc xá còn tạo cơ hội giúp em làm quen, gắn kết với nhiều bạn mới, cùng hỗ trợ nhau trong học tập và cuộc sống. Đó chắc chắn là những kỷ niệm đáng nhớ trong thời sinh viên của em”.

Tuy nhiên, những khu ký túc xá khang trang, hiện đại như vậy số lượng có hạn. Không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn vào ký túc xá để tiết kiệm chi phí cũng không còn chỗ.

Đáng chú ý, nhiều sinh viên còn ví việc đăng ký vào ở ký túc xá như một "cuộc chiến" vì phải cạnh tranh khá gay gắt. Lê Thị Nhung, sinh viên năm 4 của một trường đại học tại Hà Nội nhớ lại thời gian đăng ký vào ở ký túc xá của trường: “Mỗi đợt đăng ký ở ký túc xá như một 'cuộc chiến' thực sự. Không chỉ các sinh viên mới mà ngay cả những bạn đã ở ký túc xá trước đó cũng phải đăng ký lại từ đầu để giữ chỗ. Nếu không đăng ký kịp thì sinh viên lại phải bước vào “cuộc chiến” tìm nhà trọ.

Ngay khi cổng đăng ký ký túc xá được mở trên website, sinh viên có nhu cầu cần lập tức truy cập để đăng ký. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên đông đảo trong khi chỗ ở lại có hạn, chỉ sau khoảng 1-2 phút, toàn bộ chỗ ở đã được đăng ký hết. Sau đó, ban quản lý ký túc xá sẽ xét lần lượt từ các đối tượng được ưu tiên rồi đến những sinh viên nhanh tay đăng ký trước.

Em đăng ký ở ký túc xá 3 lần: năm nhất, năm 2 và năm 4 đại học nhưng năm nào cũng đăng ký trượt và phải tìm thuê trọ bên ngoài rất vất vả”.

Thầy Lê Khánh Lộc - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng quản trị quản lý ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Tại trường, ký túc xá được xếp theo thứ tự ưu tiên bao gồm: con thương binh liệt sĩ, các bạn vùng sâu vùng xa sau đó đến các sinh viên khác có nguyện vọng. Năm nay, Học viện Báo chí Tuyên truyền có thêm hai tòa nhà mới xây dựng là E5 và E3. 2 tòa này đã đủ điều kiện xếp được khoảng 1500 sinh viên. Nhờ đó mà số sinh viên được ở ký túc xá tăng lên.

Tòa nhà E5 ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Ngọc Mai)

Tòa nhà E5 ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Ngọc Mai)

Tuy nhiên, thầy Lộc cho biết bên cạnh các tòa mới xây thì tòa ký túc xá E2 của trường đã hoạt động 30 năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Học viện đang làm đề án cải tạo, nâng cấp để đảm bảo sinh viên có môi trường sống ổn định và tiện nghi cho quá trình học tập.

"Mặc dù khu E2 không có trang thiết bị hiện đại như những tòa nhà khác nhưng vẫn thu hút nhiều sinh viên bởi chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình các em. Trước đây, ký túc xá còn nhiều phòng trống, nhưng hiện nay nhu cầu tăng mạnh do lo ngại về an ninh và phòng cháy chữa cháy tại các khu trọ bên ngoài. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra từng phòng và thực hiện các điều chỉnh, đảm bảo không gian sinh hoạt phù hợp cho sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, ký túc xá luôn ưu tiên đáp ứng cho sinh viên vùng sâu, vùng xa và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, trong xu thế phát triển chung của cả nước và khu vực nội đô Hà Nội, việc cải tạo các ký túc xá có dấu hiệu xuống cấp là cần thiết để đảm bảo an toàn cho sinh viên. Trong 5 tòa ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tòa E2 hiện là tòa cần sửa chữa và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu về điều kiện sinh hoạt và học tập của sinh viên. Tòa E2 đã xây dựng khá lâu, các thiết bị cũng chỉ ở mức tối thiểu. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xin ý kiến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để triển khai việc cải tạo, nâng cấp, đảm bảo sinh viên có môi trường sống ổn định và tiện nghi cho quá trình học tập.

Tòa E2 là tòa đầu tiên được xây dựng tại khu ký túc xá của trường, đã hoạt động gần 30 năm và đã trải qua nhiều lần cải tạo nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, các lần cải tạo này chưa thể đảm bảo tính đồng bộ và đáp ứng được nhu cầu hiện tại của sinh viên. Đến năm 2024, chúng tôi đã xin ý kiến để tiến hành cải tạo toàn diện tòa E2, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn mới.

Kế hoạch cải tạo tòa E2 trong tương lai hiện đang được nhà trường xin chủ trương từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về thiết kế phù hợp để đảm bảo tiện ích cho sinh viên. Hiện tại, một số khu vệ sinh chưa phù hợp vì nhiều sinh viên phải chia sẻ chung một nhà vệ sinh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ giảm số lượng sinh viên sử dụng chung khu vệ sinh, tạo không gian thoáng đãng và riêng biệt cho giặt giũ, sinh hoạt. Chúng tôi đang xây dựng đề án để trình các cơ quan chức năng thẩm định và sau đó sẽ mời các nhà thầu góp ý kiến trước khi triển khai", thầy Lộc thông tin.

Hoạt động thể thao mỗi buổi chiều tại sân ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Ngọc Mai)

Hoạt động thể thao mỗi buổi chiều tại sân ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Ngọc Mai)

Sinh viên không còn suất vào ký túc xá phải thuê trọ giá cao, điều kiện không đảm bảo

Hoàng Thị Minh Thương, tân sinh viên một trường đại học ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, sau khi sinh viên thuộc diện ưu tiên (con thương binh, liệt sĩ, sinh viên vùng sâu vùng xa) đăng ký xong, sinh viên còn lại mới được đăng ký. Khi đó, chỗ ở còn trống rất ít nên Thương không đăng ký kịp. Dù rất muốn ở ký túc xá nhưng chỗ ở có hạn nên nữ sinh bắt buộc phải thuê trọ bên ngoài.

“Em mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội còn nhiều bỡ ngỡ đã phải tự mình tìm nhà trọ nên gặp rất nhiều khó khăn. Những khu nhà trọ gần trường, có một số vật dụng cơ bản thì giá lại quá cao. Những chỗ giá cả vừa túi tiền hơn thì lại quá tồi tàn, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản mà lại cách xa trường”.

Thương quyết định chọn một “hộp ngủ” (sleepbox) trên địa bàn phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Đây là hình thức phòng trọ rất phổ biến trong những năm gần đây.

“Khi đến nhận phòng em rất sốc vì nhìn quá khác so với ảnh người cho thuê đăng lên. Em phải trả số tiền 2.000.000 đồng/1 tháng cho một hộp ngủ chưa đến 5m2. Số tiền đó chưa bao gồm tiền điện, nước và các dịch vụ khác. Hợp đồng cam kết phòng có trần cao 1m70, đảm bảo phòng cháy chữa cháy đầy đủ, nhưng thực tế em cao 1m60 cũng không thể đứng thẳng người khi ở trong phòng.

Hộp ngủ ẩm thấp, không có cửa sổ hay lỗ thông gió, cũng không có ban công hay thang thoát hiểm nào. Em cũng thử tìm kiếm bình chữa cháy vài lần nhưng không thấy đâu. Khi các sinh viên ở trọ thắc mắc về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy chỉ nhận được câu trả lời thiếu trách nhiệm từ chủ trọ 'thích thì ở không thích thì chuyển đi chỗ khác' khiến em cảm thấy rất bức xúc”.

Bên cạnh đó, nữ sinh cho biết thêm, vấn đề vệ sinh chung cũng là một thử thách lớn. “Ở đây đông người nhưng khu vệ sinh chung không ai để ý, dọn dẹp mặc dù hàng tháng người thuê vẫn phải đóng một khoản tiền vệ sinh. Ngoài ra, em cũng phải để ý tới đồ đạc cá nhân bởi rất dễ lẫn lộn, dễ thất lạc”, Thương kể.

unnamed (25).jpg
Bên ngoài căn hộp ngủ mà Hoàng Thị Minh Thương thuê. (Ảnh: NVCC)
unnamed (26).jpg
Không gian chật chội trong hộp ngủ mà Hoàng Thị Minh Thương thuê với giá 2.000.000/1 tháng. (Ảnh: NVCC)

Thương cho biết trải nghiệm sống trong hộp ngủ không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà nữ sinh luôn có một nỗi lo thường trực về an toàn, vệ sinh và quyền lợi hợp pháp của người thuê trọ.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Hoài Linh, tân sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội vì nhà trường không có ký túc xá nên nữ sinh đành thuê một phòng trọ nhỏ gần trường để tiện đi lại. Tuy nhiên, điều kiện phòng ở khiến Linh không khỏi thất vọng.

“Điều kiện gia đình em không dư giả nên em tìm thuê phòng trọ giá cả vừa phải. Để tiện cho việc đi học em đã thuê một phòng trọ ở khu vực phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm và ở 2 người. Phòng trọ có giá 2.500.000 đồng/1 tháng, rộng chưa tới 15m2. Ngoài ra, còn có các khoản dịch vụ khác như tiền điện, nước, mạng internet, vệ sinh chung, gửi xe. Em và bạn cùng phòng phải tự sắm sửa nhiều đồ dùng khác.

Phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, không có cửa sổ. Bên cạnh đó, dù đã nộp 100.000 đồng/1 tháng tiền gửi xe nhưng chỗ để xe quá chật, xe xếp kín chắn hết lối lên cầu thang. Thậm chí, nếu về muộn em còn không có chỗ gửi xe và phải để ngoài đường. Điều này gây khó khăn khi di chuyển và cảm giác bất an khi có sự cố khẩn cấp”, Linh chia sẻ.

ad-4nxfgf6uxhnmifdq-h-yaqpatl4-ehy9o59gwj-5fifimte5xum6n-fgz0higxnfohuwtkn3nmtqdfmat78xko04uok-j7vtwz-wq-6rqjuk9-hg1snwct9gyjk2wdczo3pq2szfeqsb0gifujcntrccezew1-1927.jpg
Nhà trọ Nguyễn Thị Hoài Linh thuê với giá 2.500.000 đồng/ 1 tháng. (Ảnh: NVCC)

Dù biết giá nhà trọ tăng cao, chất lượng không đảm bảo nhưng nhiều sinh viên vẫn chấp nhận sống trong điều kiện thiếu thốn vì không có sự lựa chọn khác.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc mở rộng ký túc xá, thầy Lê Khánh Lộc nhận định: Nhìn chung, ký túc xá của các trường đại học ở Hà Nội đang gặp phải hạn chế về quỹ đất. Quỹ đất vốn có do lịch sử để lại khiến cho việc mở rộng không gian khó khăn, và không trường nào có thể tự do phát triển không gian theo ý muốn. Chỉ một số trường mới xây dựng có quỹ đất rộng hơn, trong khi các trường có lịch sử lâu đời thường không có khả năng mở rộng.

Hiện tại của ký túc xá tại nhiều trường đại học, bao gồm cả các khu giảng đường, cho thấy rõ sự hạn chế về không gian. Tại Hà Nội, quỹ đất ngày càng chật hẹp, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng những khu ký túc xá rộng rãi phục vụ nhu cầu nội trú cho sinh viên.

Giải pháp đang được Đảng và Nhà nước tập trung phát triển là di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, mở rộng ký túc xá ra khu vực ngoại thành, chẳng hạn như Hòa Lạc cũng là một giải pháp bền vững đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho sinh viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/toan-canh-giao-duc-viet-nam-nam-hoc-2024-2025-2024090510153954.htm

Hồng Mai