Bắt bà Park Geun-hye và bài toán kiểm soát quyền lực

31/03/2017 15:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Đây chỉ là giọt nước tràn ly, ung nhọt tới ngày phải vỡ trong câu chuyện kiểm soát quyền lực.

Sáng sớm hôm nay 31/3, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bị bắt sau khi Tòa án Quận trung tâm Seoul phê chuẩn lệnh bắt theo yêu cầu của các Công tố viên, với cáo buộc hàng loạt tội danh: đòi hối lộ, lạm dụng quyền lực, lộ bí mật quốc gia...

Bước ngoặt mới đối mặt với vòng lao lý ập đến chỉ 3 tuần sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất chức vụ Tổng thống bằng phán quyết luận tội lịch sử của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc, và cũng chỉ vỏn vẹn 10 ngày sau khi bị thẩm vấn.

Korea Times ngày 31/3 cho biết, với quyết định bị bắt sáng nay, bà Park Geun-hye đã trở thành cựu Tổng thống Hàn Quốc thứ 3 bị bắt, sau cựu Tổng thống Roh Tae-woo và Chun Doo-hwan những năm 1990.

Các Công tố viên cáo buộc bà Park Geun-hye thông đồng với bạn thân Choi Soon-sil để buộc hàng chục tập đoàn kinh tế phải "tặng" tổng cộng 70 triệu USD cho 2 cơ sở đáng ngờ, Mir và K-Sports đều được điều khiển bởi Choi Soon-sil.

Bà Park Geun-hye bị bắt và áp giải đến trại giam sáng sớm hôm nay 31/3, ảnh: Korea Times.
Bà Park Geun-hye bị bắt và áp giải đến trại giam sáng sớm hôm nay 31/3, ảnh: Korea Times.

Bà Park Geun-hye bị buộc tội có dính lứu đến một "danh sách đen" hơn 9000 nghệ sĩ, nhà văn, nhà làm phim và các ngôi sao trong làng giải trí Hàn Quốc chỉ trích chính phủ của bà, cấm các cơ quan chính phủ hỗ trợ tài chính cho các đối tượng trong "danh sách đen".

Các Công tố viên cáo buộc cựu Tổng thống đã lạm dụng quyền lực, gây sức ép cho các phụ tá phải sa thải các quan chức Bộ Văn hóa nào phản đối các biện pháp phân biệt đối xử với những người trong "danh sách đen".

Park Geun-hye cũng bị cáo buộc can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động quản lý doanh nghiệp của các tập đoàn như Hyundai  Motor, POSCO và KT bằng cách gây sức ép họ phải ký hợp đồng với các công ty của Choi Soon-sil. [1]

Bình luận đáng chú ý từ Thời báo Hoàn Cầu

Thời báo Hoàn Cầu ngày 31/3 có bài xã luận bình luận về sự kiện bà Park Geun-hye bị bắt. Một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc này bình luận:

"Park Geun-hye chỉ trong chớp mắt từ Tổng thống Hàn Quốc biến thành nghi phạm, là minh chứng nữa cho lời nguyền 'kết cục khó có hậu' của lãnh đạo quốc gia này.

Từ năm 1948 đến trước khi bà Park Geun-hye lên nắm quyền, Hàn Quốc đã trải qua 10 đời Tổng thống.

Trong số đó 3 người bị lật đổ, 1 người bị ám sát, 1 người tự tử vì bị điều tra, 2 người bị phạt tù sau được ân xá, 3 người còn lại uy tín cũng thấp vì cáo buộc để gia đình, quyến thuộc nhận hối lộ.

Đời Tổng thống nào gần như cũng xảy chuyện, vài vị Tổng thống những năm gần đây đại đa số đều không chống lại được sự thẩm tra nghiêm minh của pháp luật, điều này đã dẫn đến hai phán doán khác nhau về giá trị quan:

Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, đến Tổng thống còn bị pháp luật truy tố khi phạm tội, đó là thắng lợi của dân chủ. Đó là minh chứng cho thấy ý chí dân chủ của Hàn Quốc rất lớn mạnh.

Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, dân chủ ở Hàn Quốc đã vận hành không tốt, hàng loạt vấn đề xã hội lớn như giới tài phiệt thao túng kinh tế - chính trị, đã không giải quyết được.

Chính vì vậy Tổng thống mới trở thành "dê tế thần", tạo nên vòng xoáy không lối thoát.

2 cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo và Chun Doo-hwan phải hầu tòa trong phiên tòa ngày 26/8/1996, ảnh: Korea Times.
2 cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo và Chun Doo-hwan phải hầu tòa trong phiên tòa ngày 26/8/1996, ảnh: Korea Times.

Hàn Quốc là xã hội mà của cải tập trung cao độ vào một nhóm người. Đại bộ phận GDP của quốc gia này đến từ 10 doanh nghiệp hàng đầu, gọi là các chaebol.

Hoạt động phân phối lợi ích thương mại bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cấu kết giữa thương gia và chính quyền. 

Trong bối cảnh chưa có những cải cách triệt để tầm quốc gia, xử phạt Tổng thống trở thành một biện pháp đề "xì" áp lực dư luận xã hội.

Các quan chức cấp cao Hàn Quốc rất ít bị giám sát bởi các cơ chế mang tính thể chế, điều này mới khiến cho Choi Soon-sil can thiệp chính sự, lũng đoạn suốt một thời gian dài mà không có sự can thiệp nào mang tính thể chế.

Xã hội Hàn Quốc không chỉ cần một phán quyết với bà Park Geun-hye, mà cần cái lớn hơn là kiểm soát quyền lực, cải cách sâu sắc mối quan hệ giữa quan chức với thương gia". [2]

Cái kết tất yếu của việc buông lỏng kiểm soát quyền lực

Góc nhìn và ẩn ý của Thời báo Hoàn Cầu khi bàn về thể chế chính trị Hàn Quốc xin được gác lại một bên, qua một vài nhận xét trích dẫn phía trên, người viết nhận thấy:

Những nhận định của tờ báo này về việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt là quan hệ đan xen phức tạp giữa chính khách với doanh nhân là một bài toán, một chủ đề nóng của không chỉ xứ sở kim chi, mà còn đặt ra với không ít quốc gia, dân tộc khác.

Bắt bà Park Geun-hye và bài toán kiểm soát quyền lực ảnh 3

Trung Quốc đang trên đường thống trị công nghệ toàn cầu và bài học cho Việt Nam

Cá nhân người viết cho rằng, đây là những thách thức mang tính sống còn không chỉ với số phận chính trị của một chính khách, mà còn với tương lai của cả một quốc gia.

Theo dòng sự kiện được Korea Times thống kê lại các sự kiện dẫn đến việc bà Park Geun-hye bị bắt giữ, thì khởi đầu của bi kịch là vụ đài truyền hình JTBC ngày 24/10/2016 công bố một máy tính bảng của Choi Soon-sil.

Máy tính bảng này cho thấy bà Choi Soon-sil đã chỉnh sửa các bài phát biểu của Tổng thống Park Geun-hye [3], mọi việc bắt đầu vỡ lở và ngày càng tồi tệ từ đây. 

Tuy nhiên, người viết đồng tình với Thời báo Hoàn Cầu ở nhận định, đây chỉ là giọt nước tràn ly, ung nhọt tới ngày phải vỡ trong câu chuyện kiểm soát quyền lực.

Kết cục bà Park Geun-hye phải đối mặt hôm nay, có nguồn gốc từ quyết định của cha mình từ mấy chục năm trước. Theo Wikipedia:

"Sau cuộc binh biến năm 1961, Tổng thống Park Chung Hee quyết định cải tạo tình trạng nghèo nàn của đất nước bằng một công cuộc công nghiệp hóa thần tốc thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sẵn – các chaebol. 

Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển công nghiệp, chaebol thực hiện các kế hoạch này. Để các chaebol yên tâm thực thi nhiệm vụ, chính phủ chủ động cho các chaebol vay với lãi suất rất thấp thông qua các ngân hàng nhà nước.

Các ngân hàng quốc doanh còn được lệnh phải bảo lãnh nợ nước ngoài cho các chaebol, để họ có thể vừa thoải mái tiếp cận nguồn tín dụng trong nước, vừa "vô tư" đi vay nợ nước ngoài. 

Tổng thống Park cũng giảm thuế đánh vào các chaebol, đặc biệt là các công ty xây dựng, khi chính phủ bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và cầu ở Hàn Quốc". [4]

Vai trò trụ cột của các chaebol trong việc biến nền kinh tế Hàn Quốc từ nghèo nàn lạc hậu thành con rồng châu Á là không thể phủ nhận, thậm chí nó trở thành đặc trưng của kinh tế - chính trị Hàn Quốc đương đại.

Nhưng mặt trái của việc tập trung nguồn lực quốc gia vào một số tập đoàn mà không có cơ chế giám sát, quản lý quyền lực hiệu quả đã đến lúc phải trả giá.

Nếu so sánh về xuất phát điểm nền kinh tế cũng như những bối cảnh địa chính trị phức tạp, thì có lẽ Hàn Quốc và Đài Loan không khác nhau là bao. Ngày nay, cả hai đều trở thành "con rồng châu Á" về kinh tế.

Tuy nhiên Đài Loan không dựa trên các trùm tài phiệt hay còn gọi là các chaebol như Hàn Quốc, sự tăng trưởng của nền kinh tế Đài Loan [5] bền vững và ổn định hơn Hàn Quốc.

Bắt bà Park Geun-hye là sự kết thúc khủng hoảng hay mới chỉ khởi đầu?

Đoạn kết bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu đặt ra thật đáng suy ngẫm:

"Bất luận bà Park Geun-hye có bị phạt tù hay không, hoặc sẽ phải ngồi tù bao nhiêu năm, rất có khả năng sự kiện bà bị phế truất và truy tố sẽ được người ta nhớ kỹ như dấu mốc của một thời đại đặc thù ở Đông Bắc Á.

Bắt bà Park Geun-hye và bài toán kiểm soát quyền lực ảnh 4

Thế nào là “lỗi điều hành”?

Hiện tại câu hỏi đặt ra là, liệu sự kiện bà Park Geun-hye có phải dấu chấm hết cho những biến động trên bán đảo Triều Tiên, hay đây mới chỉ là sự bắt đầu của một thời kỳ bất ổn mới?" [2]

Cá nhân người viết cho rằng, tác động của sự kiện cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất và truy tố có lẽ chủ yếu giới hạn trong phạm vi chính trường Hàn Quốc.

Còn bán đảo Triều Tiên là bàn cờ chính trị của các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ so găng, mà Hàn Quốc hay Triều Tiên chưa chắc đã có thể nắm quyền chủ động.

Tuy nhiên, bất cứ chính khách nào kế tục bà Park Geun-hye trở thành Tổng thống chính thức thứ 12 của Hàn Quốc cũng cần phải giải quyết điểm yếu mấu chốt mang tính thể chế, đó là kiểm soát quyền lực, nếu không muốn bi kịch tái diễn.

Tất nhiên đây là công việc rất khó khăn và phức tạp, 2 đời Tổng thống Hàn Quốc cũng đã từng nỗ lực nhưng chưa thành công là ông Kim Dae-jung và người kế nhiệm Roh Moo-hyun. [4]

Nhưng nếu không thay đổi, sự tồn vong của một trong những "con rồng châu Á" sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức sống còn khi nội bộ bất ổn kết hợp với những biến động khó lường từ bàn cờ địa chính trị Triều Tiên.

Quyền lực một khi không được giám sát bởi cơ chế hiến định, bằng hệ thống pháp luật minh bạch và hiệu quả với sự tham gia sâu rộng của các tầng lớp xã hội, thì nó không chỉ dẫn đến sự tha hóa.

Quyền lực không kiểm soát hay mất kiểm soát có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả một thể chế, thậm chí là sự xóa sổ một quốc gia trong một số tình huống nhất định, khi quốc gia ấy nằm trong bàn cờ địa chiến lược của các siêu cường.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2017/03/251_226702.html

[2]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-03/10350955.html

[3]http://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2017/03/251_226405.html

[4]https://vi.wikipedia.org/wiki/Chaebol

[5]https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0i_Loan#Kinh_t.E1.BA.BF

Hồng Thủy