Big C - Metro và những kệ hàng Thái Lan - Trung Quốc

30/04/2016 14:53
Ngọc Việt
(GDVN) - Trung Quốc – Thái Lan kết hợp với nhau là có thể chiều theo được mọi sở thích của người tiêu dùng Việt Nam mà không cần tới một nhà cung cấp thứ ba nào khác.

Bloomberg ngày 29/4 đưa tin, Tập đoàn bán lẻ của Pháp Casino Group đã quyết định bán Big C Việt Nam cho Central Group của Thái Lan với giá chốt hạ 40 tỷ bath, tương đương gần 1 tỷ euro. Như vậy, sau nhiều tháng thương lượng thì Big C Việt Nam đã có chủ mới với chiến thắng cuối cùng của Central Group Thái Lan trước Saigon Co.Op của Việt Nam.

Theo một tuyên bố của Casino Group, thỏa thuận này sẽ giúp họ thu được 920 triệu euro. Casino Group cho biết qua việc chuyển đổi sở hữu chủ của Big C Việt Nam giúp cho Casino có được tổng cộng 4,2 tỷ euro, trong một chương trình thoái vốn của họ tại châu Á, nhằm giảm bớt gánh nặng công nợ của mình.

Như vậy là, sau METRO Cash & Carry Việt Nam, nay đến một trong những đơn vị kinh doanh bán lẻ hàng đầu tiếp theo tại Việt Nam lại thuộc về tay những tỷ phú người Thái.

Tuy nhiên, nếu như trong thương vụ mua lại METRO Cash & Carry Việt Nam thì người Thái gần như đơn thương độc mã, thì trong thương vụ sở hữu Big C Việt Nam lại là một chiến thắng ngoạn mục của người Thái trong cuộc đua tranh với những thực thể kinh tế Việt Nam.

Hình minh họa: tuoitrenews.vn.
Hình minh họa: tuoitrenews.vn.

Thương vụ Big C Việt Nam là thể hiện rõ rệt nhất việc doanh nghiệp Việt Nam đã “thua ngay trên sân nhà” và thua rất nặng.

Bởi lẽ, chỉ vài tiếng trước khi thông tin Big C Việt Nam thuộc về người Thái được rò rỉ thì chính đại diện Saigon Co.Op đã nêu lên những khó khăn cho thương vụ và được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ cho thương vụ này của Saigon Co.Op.

“Trả lời ý kiến DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định bán lẻ là khâu cuối cùng mang hàng hóa đến người dân nên cần phải coi trọng, dù DN trong nước và nước ngoài là bình đẳng. Ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã giao Bộ KH-ĐT nhanh chóng xử lý kiến nghị của Saigon Coop để tạo điều kiện thuận lợi cho DN này tham gia thương vụ mua lại Big C”, theo nội dung cuộc gặp giữa Thủ tướng chính phủ và hệ thống doanh nghiệp ngày 29/4.

Điều này cũng thể hiện doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm và quyết tâm có được Big C Việt Nam. Vì vậy, khi Central Group được Casino Group chọn mặt gửi trao Big C Việt Nam thì chứng tỏ, kinh tết Việt Nam chứ không chỉ Saigon Co.Op đã thua trog một sân chơi mà Việt Nam đang quyết tâm tham gia – kinh tế toàn cầu.

Chiến thắng trong thương vụ Big C Việt Nam kết hợp với thành công trong thương vụ METRO Cash & Carry Việt Nam trước đó, người Thái không chỉ cho thấy thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất hứa hẹn, mà còn gửi đến chính phủ và hệ thống doanh nghiệp Việt Nam nhiều lời cảnh báo.

Qua đó Việt Nam phải thực hiện nhiều chính sách, nhiều bước đi để giúp doanh nghiệp Việt Nam không thua trên sân nhà và có thể chiến thắng trên sân khách. 

Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện chính sách “ngoại giao kinh tế”

Có lẽ dư luận không quên rằng, gần đây các doanh nghiệp Trung Quốc liên tục chiến thắng trong các thương vụ hợp tác làm ăn tại nước ngoài – từ thắng thầu đến sở hữu tài sản. Họ có thể vượt qua bất cứ đối thủ sừng sỏ nào, dù có thể họ thua kém đối thủ về nhiếu mặt và không phải quá trội bật để đối tác lựa chọn. Vậy nhưng cuối cùng họ vẫn chiến thắng.

Forbes Asia đã từng nhận định rằng, giúp sức cho các doanh nghiệp Trung Quốc chiến thắng đối thủ, hạ gục đối tác là chính sách “ngoại giao kinh tế” của chính phủ Trung Quốc:

“Dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia thuộc về Trung Quốc không chỉ là một thành công từ góc độ thương mại thông thường, mà về mặt ngoại giao kinh tế, đó là một bước tiến có ý nghĩa sâu sắc đối với Trung Quốc”.

Và không chỉ ở nước ngoài, mà ngay cả trên thị trường nội địa, chính phủ Trung Quốc cũng đang ầm thầm giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc.

“Những công ty lớn của Trung Quốc vẫn đang mua lại những tài sản công nghiệp và thương mại khắp thế giới. Thay vì phải lo về việc đầu tư ra ngoài Trung Quốc, gần 70% những công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã “phải” xem hành động này của chính phủ nước sở tại như là việc tạo ra cho họ một cơ hội để mở rộng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Trung Quốc”, theo VOA ngày 16/4. 

Kinh tế Việt Nam chưa có vị thế và vai trò như kinh tế Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam chưa có được sức mạnh như doanh nghiệp Trung Quốc. Vì vậy, chính sách “ngoại giao kinh tế” là một trong những công cụ khả thi giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có được những chiến thắng cần thiết và quan trọng khi tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.

Chính sách ngoại giao kinh tế có thể được xem là những con tàu phá băng giúp doanh nghiệp vươn ra biển lớn.

“Ngoại giao kinh tế” được xem là bảo bối giúp cho doanh nghiệp trong những trường hợp đặc biệt. Ảnh. V.V.T / Tuổi trẻ.
“Ngoại giao kinh tế” được xem là bảo bối giúp cho doanh nghiệp trong những trường hợp đặc biệt. Ảnh. V.V.T / Tuổi trẻ.

Người viết cho rằng, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết hỗ trợ Saigon Co.Op cũng là một trong những biểu hiện của chính sách ngoại giao kinh tế, chứ không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế mà thôi.

Tuy nhiên, để chính sách ngoại giao kinh tế phát huy hiệu quả thì phải xuất phát từ hai phía doanh nghiệp và chính phủ.

Song qua vụ việc Big C Việt Nam thì cho thấy rằng hình như doanh nghiệp chưa cần tới công cụ này của chính phủ. Bởi lẽ, Saigon Co.Op đã biết được vào chung kết trong thương vụ này từ khá lâu và qua đó cũng nhận diện những khó khăn có thế khiến mình thua đối thủ. Nhưng phải đợi đến khi chính phủ mới kiện toàn và đích thân Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp thì mới nếu lên.

Người viết cho rằng, không chỉ Saigon Co.Op choáng váng, chính phủ sững sờ mà hầu hết người Việt Nam đều cảm thấy “sốc” khi nghe thông tin Big C Việt Nam đã có chủ mới, ngay sau khi Thủ tướng chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong thương vụ đình đám này.

Nay thì thương vụ đã kết thúc và với chiến thắng của mình, người Thái đã nhắc nhở doanh nghiệp Việt Nam, nếu có bảo bối thì hãy dùng vào những lúc mà tự mình không thế chiến thắng – đó là chính sách ngoại giao kinh tế đầy công lực và hiệu nghiệm.

Việt Nam là chủ thể của TPP nhưng chưa chuẩn bị kỹ việc tham gia TPP bằng “người ngoài”

Người viết đã từng phân tích trong bài "Vui mừng và cay đắng" xung quanh việc Trung Quốc "chuẩn bị giúp" Việt Nam hành trang tham gia TPP để hưởng lợi thế của Việt Nam khi định chế này vận hành.

Big C - Metro và những kệ hàng Thái Lan - Trung Quốc ảnh 3

Nguyên tắc "tăm xỉa răng"

(GDVN) - Sắp tới có thể người Trung Quốc sẽ “lo” cho người Việt Nam từ miếng ăn đến giấc ngủ. Ăn không sợ thực phẩm có độc tố, ngủ trên nệm không sợ có chất nguy hại.

Trung Quốc bị gạt ra ngoài TPP nhưng họ đã chuẩn bị rất kỹ những điều kiện để hưởng lợi từ TPP và họ sử dụng Việt Nam làm bàn đạp để thực hiện điều ấy.

Và Thái Lan cũng không phải là nước tham gia TPP, cho dù không phải bị gạt ra như Trung Quốc cũng như không phải Thái Lan không đáp ứng được yêu cầu của TPP.

Doanh nghiệp Thái Lan, chính phủ Thái Lan không phải không nhìn thấy lợi ích khi tham gia TPP. Vậy nhưng họ lại không chủ động tham gia định chế thương mại lớn nhất thế giới này với hơn 40% hoạt động thương mại thế giới diễn ra tại đấy.

Người viết cho rằng, người Thái đã tính toán, cân bằng giữa được và mất khi tham gia TPP ngay từ đầu. Việc họ chưa tham gia TPP chứng tỏ cái mất của họ nhiều hơn cái họ được từ TPP.

Tuy nhiên cũng như Trung Quốc, Thái Lan nhận thấy vẫn có thể khai thác những lợi ích to lớn từ TPP với tư cách “người ngoài”. Nghĩa là họ không phải đánh đổi lợi ích để lấy lợi ích từ đối tác qua việc tham gia TPP với tư cách thực thể của định chế này như Việt Nam.

Bloomberg đã bình luận: “Tăng doanh số bán lẻ và bùng nổ đầu tư nước ngoài đang giúp nền kinh tế Việt ngày càng lớn mạnh. Chính phủ dự báo tăng trưởng của của nền kinh tế có thể đạt khoảng 6,7% trong năm nay. Điều đó khiến cho quốc gia Đông Nam Á này là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới”.

Và Thái Lan đã nhanh chóng chiếm lĩnh yếu tố thứ nhất giúp Việt Nam lớn mạnh, qua việc sở hữu hai trong số những đơn vị bán lẻ và bán sỉ - bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Như người viết đã từng nhiều lần phân tích, khi tham gia TPP thì phải có hàng và có tiền mới có thể hưởng lợi từ định chế này. Việt Nam có lợi thế là thực thể của TPP, nhưng khả năng đáp ứng yêu cầu để khai thác lợi thế phục vụ cho lợi ích của mình thì còn thiếu và yếu.

Với đà này thì rất có thể ngay khi TPP vận hành thì chỉ có người tiêu dùng Việt Nam là có lợi, chứ doanh nghiệp Việt Nam chưa thể khai thác ngay lợi thế từ sân chơi này.

Big C - Metro và những kệ hàng Thái Lan - Trung Quốc ảnh 4

Việt Nam có thể học được gì từ chính sách nông nghiệp của Thái Lan?

(GDVN) - Khi tư tưởng không thông suốt thì sẽ không tự giác hành động và hành động sẽ mang tính nửa vời, vừa không mang lại kết quả tốt, vừa gây lãng phí rất lớn.

Nghĩa là thị trường Việt Nam sẽ sôi động và việc phân phối hàng hoá cho thị trường Việt Nam là nguồn lợi đầu tiên nhất khi TPP vận hành. Hàng loạt những nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian qua cũng thể hiện rõ xu thế ấy. 

Vậy nhưng, cái lợi ích trước mắt và ban đầu ấy, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đã không giữ được để khai thác, mà lại “nhường cho người ngoài”. Qua vụ việc Big C Việt Nam cho thấy Việt Nam tham gia TPP nhưng chưa chuẩn bị kỹ tinh thần và lực lượng.

Việt Nam chủ yếu hướng tới việc khai thác lợi thế nhưng chưa dễ mang lại lợi ích, mà quên đi những lợi ích không cần lợi thế của mình. 

“Thượng Đế Việt Nam” và những kệ hàng Thái Lan – Trung Quốc

Dư luận ngạc nhiên khi trong số những đối thủ tham gia thương vụ METRO Cash & Carry Việt Nam trước đây và thương vụ Big C Việt Nam vừa rồi, không có thực thể kinh tế nào của Trung Quốc tham gia.

Phải chăng doanh nghiệp Trung Quốc không đủ lực? Lợi ích từ thị trường bán lẻ Việt Nam không tương xứng với hệ thống doanh nghiệp Trung Quốc? Hay doanh nghiệp Trung Quốc không ham bán lẻ?

Tất cả các lý do có thể nêu ra để lý giải việc doanh nghiệp Trung Quốc không có mặt trong các thương vụ đình đám liên quan đến chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong thời gian qua tại Việt Nam, đều không có sức thuyết phục.

Bởi lẽ, Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường hàng giá rẻ thế giới và kênh bán lẻ là một trong những kênh tiêu thụ làm nên chiến thắng vang dội mang thương hiệu China.

Vậy sao lại có hiện tượng bất thường như vậy?  Phải thấy rằng, nếu doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các thương vụ đó thì người Thái không dễ dàng chiến thắng hay thành công.

Vậy là người Trung Quốc “nhường” người Thái Lan trong những thương vụ “hàng bán lẻ” tại Việt Nam? Người viết cho rằng đó là lý do chính khiến cho người Thái “một mình một ngựa” trong các thương vụ đó.

Người tiêu dùng Việt Nam có thể là những “Thượng Đế” được sự phục vụ của hầu hết hàng hoá, dịch vụ của Thái Lan – Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: Reuters
Người tiêu dùng Việt Nam có thể là những “Thượng Đế” được sự phục vụ của hầu hết hàng hoá, dịch vụ của Thái Lan – Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, bản chất vấn đề nằm ở đâu khi đối thủ nhường đối thủ? Theo cá nhân người viết thì phía sau những thương vụ METRO cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam là tác động bởi cộng lực của chính sách ngoại giao kinh tế giữa Bắc Kinh và Bangkok.

Điều này không khó nhận diện khi Thái Lan tỏ ra thất vọng với người bạn cũ Hoa Kỳ và ngày cảng dần ngả về phía ngưới bạn mới Trung Hoa.

“Thái Lan và Trung Quốc đã đa dạng hóa lĩnh vực thương mại song phương. Hai bên thảo luận thực hiện một dự án đường sắt cao tốc tham vọng nối biên giới Lào với vịnh Thái Lan trị giá 11,8 tỷ USD. Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ mua hai triệu tấn gạo và 200.000 tấn cao su của Thái Lan trong năm 2016”, theo Le Monde ngày 1/3.

Dù không hoàn toàn hài lòng về những hợp tác đầu tư gần đây với Trung Quốc, nhưng rõ ràng kinh tế của Thái Lan đang ngày càng đan xen với kinh tế Trung Quốc và mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Thái Lan.

Có thể không phải là mơ mộng khi cho rằng trong những thương vụ METRO Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam, có sự thoả thuận giữa Trung Quốc và Thái Lan trong việc phân chia lợi ích mang tên Việt Nam.

Cả Thái Lan và Trung Quốc đều có quá nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người Việt Nam. Và cũng không quá khi nói rằng Trung Quốc – Thái Lan kết hợp với nhau là có thể chiều theo được mọi sở thích của người tiêu dùng Việt Nam mà không cần tới một nhà cung cấp thứ ba nào khác.

Bài toán kinh tế còn lại chỉ là cách thức đáp ứng nhu cầu mà thôi và những thương vụ METRO Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam là một trong những lời giải chính xác nhất cho bài toán đó. 

Big C - Metro và những kệ hàng Thái Lan - Trung Quốc ảnh 6

Ngoại giao kinh tế khoai lang

(GDVN) - Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách “ngoại giao kinh tế khoai lang” để giúp cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam không thua trên sân nhà và chiến thắng...

Người viết cho rằng, có thể việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của “liên minh Trung – Thái” không chỉ dừng lại ở việc sở hữu METRO Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam, mà trong thời gian tới sẽ có thể có nhiều “Big C” bị thôn tính hay chuyển đổi sở hữu chủ. 

Kèm theo đó là những gian hàng, kệ hàng Thái Lan – Trung Quốc phục vụ “Thượng Đế Việt Nam”.

Thậm chí, khi TPP vận hành, các đối tác của Việt Nam trong TPP muốn vào Việt Nam có thể phải “thương thào” với những đối thủ của Việt Nam, trong đó có “liên minh Trung  - Thái”.

Chính phủ Việt Nam đã phải rất nỗ lực trong hành trình TPP để hy vọng giúp doanh nghiệp và người sản xuất Việt Nam “đổi đời” nhờ TPP, song có lẽ điều ấy không dễ dàng có được.

Có thể Việt Nam phải bắt đầu một quá trình nữa – quá trình thương lượng về lợi thế và phân chia về lợi ích với những đối thủ ngay trên sân nhà mình.

Tóm lại, qua những thương vụ METRO Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam cho thấy, việc xem quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam là quan hệ đối tác như doanh nghiệp và chính phủ Singapore, là rất cần thiết và quan trọng.

Điều đó giúp cho người Việt Nam có thể chuyển lợi thế thành lợi ích của mình khi tham gia vào sân chơi kinh tế thế giới.

Riêng với thương vụ Big C Việt Nam - mà chiến thắng thuộc về người Thái - như một lời cảnh báo với doanh nghiệp Việt Nam là phải hiểu đối tác và đánh giá đúng đối thủ thì mới hy vọng chiến thắng.

Không thể để tái diễn tình trạng đối thủ và đối tác đã bắt tay mà mình còn mơ hồ trong việc nhận diện khó khăn và xin trợ giúp, bởi lẽ thương trường là chiến trường, thậm chí còn khắc nghiệt hơn rất nhiều, dù không vang tiếng súng.

Ngọc Việt