Các "tuyệt chiêu" giành thắng lợi của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài

28/03/2016 07:33
Ngọc Việt
(GDVN) - Có tâm lý tẩy chay Trung Quốc ở nhiều quốc gia, khu vực, vậy mà sao các doanh nghiệp nước này vẫn luôn được đối tác lựa chọn hợp tác đầu tư, chiến thắng...

The Straits Times ngày 22/3 đưa tin, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC), một trong những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu quốc gia này sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào phát triển một trung tâm thương mại tại Bandar Malaysia thành một trung tâm cung cấp dịch vụ cho các công ty đa quốc gia.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak hưng phấn khi nói về dự án: "Điều này cho thấy các công ty toàn cầu vẫn tin vào cơ hội của họ tại Malaysia, tin vào tiềm lực của nền kinh tế Malaysia.

Bandar Malaysia sẽ như là cửa ngõ của Malaysia mở ra với thế giới thông qua đường sắt cao tốc (HSR) đến Singapore, liên kết trực tiếp giữa Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur với Sân bay Changi và dịch vụ đường sắt trung chuyển đến Bangkok và xa hơn nữa”.

Giám đốc điều hành CREC Cai Zemin cho hay, Bandar Malaysia được xây dựng trên khu vực của sân bay quân sự cũ Sungei Besi, cách khu Tam Giác Vàng của thủ đô Kuala Lumpur 3 km về phía Tây Nam. Ông Cai cũng cho biết, CREC đang chuẩn bị đấu thầu đường sắt cao tốc kết nối Malaysia - Singapore khi hai chính phù mời thầu.

Chính sách “ngoại giao kinh tế đường sắt” của chính phủ Trung Quốc đang giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc giành được nhiều dự án hợp tác đầu tư ở nước ngoài, nhất là khu vực Đông Nam Á. Ảnh: summercampchina.co.
Chính sách “ngoại giao kinh tế đường sắt” của chính phủ Trung Quốc đang giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc giành được nhiều dự án hợp tác đầu tư ở nước ngoài, nhất là khu vực Đông Nam Á. Ảnh: summercampchina.co.

Rất nhiều người đặt câu hỏi là tại sao quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á đang có nhiều căng thẳng, uy tín của các đơn vị kinh tế Trung Quốc đang bị giảm sút ở nhiều nơi, chất lượng sản phẩm dịch vụ của Trung Quốc đang bị người tiêu dùng lên tiếng, thậm chí có tâm lý tẩy chay Trung Quốc ở nhiều quốc gia, khu vực, vậy mà sao các doanh nghiệp nước này vẫn luôn được đối tác lựa chọn hợp tác đầu tư, chiến thắng nhiều đối thủ sừng sỏ và uy tín? 

Trung Quốc lấy thời gian làm lợi thế tuyệt đối trước đối thủ

Theo The Straits Times, trong buổi ra mắt giới thiệu dự án Bandar Malaysia tại thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Najib Razak hoan nghênh việc Trung Quốc xúc tiến một cách nhanh chóng.

Chỉ ba tháng sau khi ký thỏa thuận là Trung Quốc cho biết kế hoạch dự tính xây dựng Bandar Malaysia trở thành một trung tâm kinh tế của ASEAN, tập trung các ty đa quốc gia từ khắp nơi trên thế giới.

Như vậy, nhanh chóng xúc tiến công việc là một trong những lợi thế khiến cho doanh nghiệp Trung Quôc được đối tác lựa chọn. Việc rút ngắn thời gian trong triển khai dự án giúp cho chính quyền, có thể vượt qua sự “bất tín nhiệm” của người dân.

Bởi lẽ, lợi ích của dự án khiến người dân cảm nhận được sự thiết thực trong hành động của chính quyền. Thời gian chờ đợi có thể là bất lợi của chính quyền bởi nhiều khi nhiệm kỳ kết thúc mà dự án vẫn chưa được xúc tiến.

Rõ ràng đây là hạn chế của các đối thủ, vậy tại sao họ không thay đổi, không khắc phục để làm tăng cơ hội chiến thắng trước đối thủ là doanh nghiệp Trung Quốc? Điều này là không dễ dàng với đối tác từ các quốc gia khác.

Thứ nhất là chính sách “ngoại giao kinh tế” của Bắc kinh đã giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế rất lớn. Thứ hai, quan trọng hơn đó là doanh nghiệp Trung Quốc có cơ chế hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài của chính phủ Trung Quốc mà các nước có hệ thống pháp luật đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững không có được.

Dự án đường sắt cao tốc Bandung – Jakarta tại Indonesia là một ví dụ. Nhật Bản mất 7 năm nghiên cứu mới đưa ra thiết kế ban đầu cho dự án với việc cân bằng giữa khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại và khả năng đáp ứng nhu cầu trong tương lai, nhất là tốc độ và sự tiện ích.

Nghĩa là người Nhật muốn đảm bảo dự án không bị lạc hậu với sự thay đổi nhu cầu do xã hội  phát triển. Và điều đó khiến cho việc người dân được cung cấp sản phẩm, được hưởng dịch vụ của Nhật Bản với thời gian chậm hơn, mà sự chờ đợi của người dân là bất lợi cho chính phủ nước sở tại.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ cần chưa tới 1/3 thời gian của Nhật Bản là có thể có dự án khả thi để đối tác lựa chọn và thời gian thi công dự án cũng sẽ ngắn hơn của Nhật Bản rất nhiều.

Có thể còn nhiều hạn chế so với Nhật Bản về công năng của sản phẩm, hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhưng rõ ràng việc đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của người dân là một trong những lợi thế của doanh nghiệp Trung Quốc. Và chính phủ Nhật Bản phải thừa nhận họ phải thay đổi để theo kịp Trung Quốc về mặt này.   

Trung Quốc gieo hy vọng mang lại lợi ích kép cho đối tác

“Trung Quốc là một nước có những hỗ trợ quan trọng thúc đẩy phát triển cho các thành viên mới của ASEAN. Trung Quốc đã trở thành nguồn cung rất lớn khách du lịch đến các nước ASEAN”, ông Tommy Koh, một quan chức Bộ Ngoại giao Singapore, đồng Chủ tịch của Diễn đàn Singapore - Trung Quốc cho biết, theo The Straits Times ngày 15/3. 

Các "tuyệt chiêu" giành thắng lợi của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài ảnh 2

Thế giới khó cưỡng lại túi tiền Trung Quốc

(GDVN) - Dù biết tham gia AIIB là phụ thuộc vào quỹ đạo của Bắc Kinh nhưng hầu hết các quốc gia đều không thể bỏ qua lợi ích rất lớn mà nó mang lại.

Hiện tại, việc du lịch đến các nước trong khu vực Đông Nam Á bằng đường biển là khó khăn vì xung đột quân sự do tranh chấp trên Biển Đông. Nếu đi du lịch bằng đường bộ cũng khó khăn không kém, còn nếu bằng đường hàng không thì quá đắt đỏ và hạn chế về số lượng.

Do đó, để đảm bảo rẻ nhất, dễ dàng lôi kéo khách du lịch Trung Quốc thì du lịch đường sắt là khả thi nhất.

Đây là một hướng phát triển kinh tế phù hợp với việc tái cơ cấu nền kinh tế của Bắc Kinh. Chính sách kích cầu nội địa là một trong những chính sách trọng tâm và du lịch cũng là một dạng kích cầu quan trọng của Trung Quốc. Khi kinh tế co lại vì tái cơ cấu, thu nhập xã hội của Trung Quốc giàm, do đó du lịch giá rẻ là một trong những hướng du lịch khả quan nhất.

Như vậy, việc Trung Quốc tập trung mạnh vào các dự án đường sắt cao tốc tại khu vực Đông Nam Á vừa là một trong những hoạt động kinh tế nhằm hiện thực hoá chính sách tái cơ cấu của họ, vừa giúp cho các nước trong khu vực phát triển mạnh ngành “công nghiệp không khói”, tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Như thế là những dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc được lựa chọn không chỉ giúp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dân nước sở tại, người dân các nước trong cộng đồng ASEAN, mà còn mở ra cơ hội giúp nâng cao mức sống người dân các nước và thúc đầy kinh tế các quốc gia trong khu vực phát triển trong tương lai. Đây là lợi thế tuyệt đối của doanh nghiệp Trung Quốc so với các đối thủ, mà điều đó do lợi thế của địa chính trị mang lại cho họ.

Và không chỉ kinh tế dịch vụ được khai thác, hoạt động thương mại giữa các nước trong khu vực cũng sẽ phát triển mạnh mẽ với vận tải đường sắt cao tốc.

Thứ nhất, thời gian giao nhận và phân phối hàng hoá được giảm xuống tối thiểu, khiến cho người tiêu dùng gần như có thể được đáp ứng ngay tức khắc sau khi biết về sản phẩm hàng hoá mà họ ưa thích. Điều này hiện nay ngoài đường hàng không với chi phí đắt đỏ ra thì đường bộ và đường thuỷ không đáp ứng được.

Thừ hai, chi phí vận tải đường sắt rẻ hơn so với đường bộ và đường thuỷ khiến cho chi phí giao nhận sẽ giảm nhiều trong cơ cấu giá thành của sản phẩm, từ đó giá bán sẽ không còn là rào cản cho người tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế khó khăn này.

Bởi vậy, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các quốc gia ASEAN sẽ có động lực phát triển từ “thương mại đường sắt” mà Trung Quốc tạo ra. Một lợi ích kép mà đối tác hy vọng sẽ có được nếu lựa chọn doanh nghiệp Trung Quốc “chọn mặt gửi vàng”.

Trung Quốc đảo ngược quy trình kinh tế với giá rẻ và ưu đãi cho đối tác

Trung Quốc đã đảo ngược quy trình giữa yếu tố kinh tế kỹ thuật và yếu tố kinh tế tài chính, thậm chí bỏ quên yếu tố kinh tế xã hội, trong quan hệ hợp tác và hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ quả của nó là đưa ra giá sản phẩm dịch vụ thấp dưới mức giá thành tối thiểu, qua đó chiến thắng đối thủ, hạ gục đối tác và kết quả là họ được đối tác lựa chọn hợp tác.

Có thể thấy, trong bất cứ trường hợp nào thì giá cả vẫn luôn là yếu tố có ảnh hưởng mang tính quyết định cho việc lựa chọn đối tác trong hợp tác đầu tư. Cái lợi thế so sánh này dã được Trung Quốc biến thành lợi thế tuyệt đối của họ qua vận dụng quy trình ngược tinh vi của họ.

Thực tế cho thấy, luật đấu thầu của tất cả các quốc gia đều không thể gạt bỏ được nhà thầu Trung Quốc thông qua yếu tố này.

Mặt khác, vốn đối ứng cũng đang là một trong những vấn đề mà đối tác gặp khó khăn khi triển khai dự án. Tuy nhiên, điếu ấy đã được chính phủ Trung Quốc đứng phía sau doanh nghiệp Trung Quốc giúp khắc phục.

Thông qua việc bao trọn gói theo kiểu BOT hoặc thông qua chế độ tín dụng cho vay “ưu đãi” với cơ chế hết sức dễ dàng và nhanh gọn, chính phủ Trung Quốc đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho doanh nghiệp của họ thắng thầu ở nước ngoài.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên thăm một chuyến tàu cao tốc khi ghé thăm Bắc Kinh, ảnh: The Jakarta Post.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên thăm một chuyến tàu cao tốc khi ghé thăm Bắc Kinh, ảnh: The Jakarta Post.

Đặc biệt, khi đối tác còn lưỡng lự về “bẫy” lãi suất mà Bắc Kinh giăng ra thì dối tác có thể chọn vốn đối ứng hay “tài sản thế chấp” thay bảo lãnh của chính phủ bằng đất hoặc những công trình trên đất đang dở dang vì đói vốn.

Nghĩa là đối tác có thể lựa chọn bất kỳ loại vốn đối ứng nào trong việc quyết định lựa chọn hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, doanh nghiệp Trung Quốc đã sử dụng mọi loại ưu đãi “bao vây” đối tác khiến cho họ cảm nhận rằng cho đối tác Trung Quốc là lựa chọn "sáng suốt" của họ và sự lựa chọn này gần như mang tính tất yếu.

Bởi lẽ, khi đối tác có niềm tin thì Trung Quốc có công cụ để khẳng định niềm tin, khi đối tác còn nghi ngờ thì Trung Quốc có công cụ cho đối tác kiểm chứng để có niềm tin.

Vì vậy việc Malaysia, Indonesia, Thái Lan…cho nhà thầu Trung Quốc trong việc triển khai những dự án quan trọng của mình là vì họ được Trung Quốc cho thấy, việc lựa chọn này mang lại cho họ “lợi đơn lãi kép” mà không có bất cứ đối tác nào có thể giúp họ có được điều ấy. 

Như thế là ý tưởng của Bắc Kinh xây dựng 2 tuyến đường sắt cao tốc, một nhánh từ Trung Quốc qua Lào đến Thái Lan, một nhánh từ Indonesia qua Malaysia, Singapore đến Thái Lan, hai nhánh kết nối với nhau ở Bang Kok, đã ngày càng trở thành hiện thực.

Trước đó Chính phủ Indonesia đã quyết định tiếp tục cho nhà thầu Trung Quốc triển khai dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung, tiếp đó Chính phủ Thái Lan cũng quyết định tiếp tục dự án đường sắt cao tốc Thái – Trung, theo The Straits Times.

Trung Quốc khai thác lợi ích cục bộ từ lợi ích toàn cục 

Trong dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Singapore – Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã cho biết: “Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tin rằng, một Trung Quốc mạnh mẽ mà đã tích cực tham gia với các nước Đông Nam Á thì sẽ làm cho khu vực mạnh mẽ… Khi Trung Quốc phát triển, vai trò của nó trong khu vực và toàn cầu cũng phát triển”, theo China Daily ngày 29/2.

Các "tuyệt chiêu" giành thắng lợi của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài ảnh 4

Vỡ mộng

Quan hệ với đối tác nước ngoài, nếu không tỉnh táo thì sẽ đến lúc không những “mất cả chì lẫn chài” mà còn phải “thân bại danh liệt”.

Dựa vào vị thế kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới, dựa vào vai trò của kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tạo ra một sức hút đối với các thực thể kinh tế trên thế giới, từ đó tạo ra lợi thế cho mình trong quan hệ hợp tác đầu tư.

Đây là lợi thế mà nhiều đối thủ của Trung Quốc không có được và lợi thế này có ảnh hưởng rất lớn đối với quyết định lựa chọn của đối tác. Đặc biệt, với việc tái cơ cấu lại nền kinh tế khiến cho thị trường Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn với hàng hoá của các nước khi tiêu dùng nội địa trở thành một trong những vất đề trọng tâm chứ không chỉ là kích cầu nhằm kích thích phát triển kinh tế.

Vì vậy, việc đối tác lựa chọn doanh nghiệp Trung Quốc trong hợp tác đầu tư cũng là hướng tới ghi điểm ưu tiên trong quan hệ hai chiều với Trung Quốc. Nghĩa là đối tác tạo điều kiện cho Trung Quốc khai thác lợi ích cục bộ để qua đó hướng tới lợi ích toàn cục.

Trên thực tế có thể thấy rằng, doanh nghiệp Trung Quốc quá đã thành công trong việc “gặt hiện tại, gieo tương lai” , còn đối tác phải hy vọng trong việc “gieo hiện tại chờ gặt ở tương lai”.

Tuy nhiên, dù tái cơ cấu làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc nhưng chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới này vẫn cao hơn rất nhiều chỉ số tăng trưởng bình quân của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc chỉ không còn phát triển “cực nóng” thôi, chứ không phải suy thoái, vì vậy đối tác không thể không bị ảnh hưởng bởi sự kỳ vọng rất lớn vào quan hệ hợp tác với Bắc Kinh.

Như người viết đã phân tích, sức hút từ AIIB cũng là sức hút từ kinh tế Trung Quốc đã khiến cho nhiều thực thể kinh tế trên thế giới dù có bất đồng, thậm chí nghi ngại khi bắt tay với Trung Quốc nhưng vẫn không thể cưỡng lại được lợi ích được kỳ vọng sẽ có được từ thực thể kinh tế này.

Như vậy, việc doanh nghiệp Trung Quốc chiến thắng đối thủ trong quan hệ hợp tác đầu tư ở nước ngoài – nhất là việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu những dự án, những công trình ở hàng loạt những quốc gia khu vực Đông Nam Á trong thời gian gần đây – cho thấy sức mạnh của kinh tế Trung Quốc đã tạo nên sức hút đối với các thực thể kinh tế khác.

Người viết cho rằng, chắc chắn Bắc Kinh sẽ khai thác tối đa những lợi thế từ lực hút ấy phục vụ cho những toan tính của riêng mình.

Ngọc Việt