Vỡ mộng

25/03/2016 07:41
Ngọc Việt
(GDVN) - Xây dựng quan hệ với đối tác nước ngoài, nếu không tỉnh táo thì sẽ đến lúc không những “mất cả chì lẫn chài” mà còn phải “thân bại danh liệt”.

BBC ngày 4/3/2016 đưa tin, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã cáo buộc các công ty khai thác mỏ nước ngoài ăn cắp của cải của đất nước mình. Ông cho rằng Zimbabwe đã gần như không nhận được gì cả từ việc khai thác kim cương, Mugabe cáo buộc các đối tác nước ngoài là những kẻ buôn lậu và lừa đảo.

Robert Mugabe nói điều này tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 92 của mình được tổ chức ở Masvingo, Zimbabwe, ngày 27/2/2016. Ông cho biết, chính phủ Zimbabwe sẽ kiểm soát việc khai thác ở tất cả các mỏ kim cương. Các đối tác khai thác mỏ nước ngoài chỉ có thể hoạt động ở Zimbabwe khi phải là một phần trong liên doanh với các đối tác của nước sở tại.

"Chúng tôi đã không nhận được gì nhiều từ ngành công nghiệp khai thác kim cương", Mugabe nói. Ông phàn nàn rằng Zimbabwe chỉ nhận được khoảng 2 tỷ USD từ việc khai thác kim cương, trong khi doanh thu từ lĩnh vực này lên đến 15 tỷ USD. Zimbabwe là nước xuất khẩu kim cương lớn thứ tám trên thế giới trong năm 2014.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: Reuters.

Mặc dù nhà lãnh đạo đã 92 tuổi phủ nhận động thái này là nhằm đến các doanh nghiệp của Trung Quốc, nhưng ai cũng hiểu rằng sự thất vọng của ông Robert Mugabe như là một thông điệp gủi tới giới lãnh đạo Trung Quốc - nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này tại Zimbabwe.

Bởi lẽ, đích thân ông đã từng than phiền với Chủ tịch Tập Cận Bình về những gì đã nhận được từ liên doanh với các công ty khai thác mỏ Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, Châu Phi mà cụ thể là Zimbabwe, nước đang đóng vai trò là Chủ tịch Liên minh Châu Phi đã cảm nhận được những gì trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc không như người ta mong chờ. Sự cay đắng ấy có thể khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc với lục địa đen có nguy cơ bị rạn nứt.

Bịt mắt và bịt tai đối tác

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã thốt lên: “Đôi mắt và đôi tai của chúng tôi không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy những gì đang diễn ra”.

Điều đó cho thấy họ đã bị tung hỏa mù, khiến cho họ gục ngã mà không thể hiểu được những gì đang diễn ra trên đất nước mình, chỉ biết rằng nhà nước và nhân dân bị thiệt hại nặng nề trong quan hệ làm ăn với đối tác nước ngoài.

The New York Times ngày 15/5/2012 mô tả những người buôn bán kim cương muốn vào khu vực mỏ khai thác kim cương thì phải “ép sát người xuống mặt đất, bò qua những tảng đá gồ ghề để vào khu vực mỏ khai thác kim cương ở Marange, nhưng vẫn bị những người lính canh gác phát hiện. Người lính tay lăm lăm súng đe dọa bắn những người buôn lậu kim cương…”.

Vỡ mộng ảnh 2

Lựa chọn ngôn ngữ - tầm nhìn vượt thời đại của Lý Quang Diệu

(GDVN) - Bản thân ông Lý Quang Diệu là người gốc Hoa nhưng quyết định lựa chọn tiếng Anh để đảm bảo tính độc lập cho thể chế chính trị mà ông xây dựng.

Điều đó cho thấy chính phủ Zimbabwe đã kiểm soát rất chặt chẽ việc khai thác kim cương, vậy thì làm sao đối tác “đánh cằp” được kim cương của đất nước này?

"Giá trị của các viên kim cương có thể khác nhau, phụ thuộc vào kỹ thuật cắt kim cương. Ví dụ, nếu bạn cắt một viên kim cương 5 cara có chất lượng tuyệt vời, thì nó sẽ có trị giá hàng chục ngàn đô la. Nhưng bạn cũng có thể  không tìm được một chút gì ngay cả cắt một gói kim cương thô nếu không có kỹ thuật cắt", China Daily ngày 20/3/2015 dẫn lời ông Wang Jiam - một chuyên gia kỹ thuật và kinh doanh kim cương cho biết. 

Và vấn đề nằm ở chỗ này bởi trong liên doanh thì người Trung Quốc phụ trách việc cắt kim cương vì họ cho rằng: “Kỹ thuật tốt có thể cắt kim cương chất với lượng cao và sản xuất ra rất nhiều giá trị gia tăng. Ngược lại, nếu kỹ thuật không tốt thì giá trị của một viên kim cương có thể bị hủy hoại". Và đó là nguyên nhân khiến cho chính phủ Zimbabwe bị “bịt mắt bịt tai”.

“Các nhà phê bình cho rằng phát biểu của Tổng thống Robert Mugabe chỉ là cái cớ che đậy thâm hụt tài chính của chính phủ Zimbabwe để giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia, ví dụ như trả lương công chức” BBC tường thuật.

Còn với cá nhân Tổng thống Robert Mugabe, việc ông cho rằng mất nguồn lợi từ khai thác kim cương sẽ khiến cho ông không thể ngăn cản nỗ lực của phe đối lập yêu cầu chính phủ cho kiểm toán chính thức nguồn tài chính thu được hoạt động thu kim cương, điều mà trước đây ông Mugabe thường làm cho phe đối lập thất vọng.

Phải thấy rằng, đây là một trong những thủ đoạn rất thâm sâu của đối tác nước ngoài bằng cách gây nhiễu từ nội bộ với việc đấu đá giữa các phe phái vốn mâu thuẫn về lợi ích chính trị, nay có thêm chứng cứ về những ngờ vực kinh tế sẽ khiến cho mức độ xung đột càng gay gắt hơn. Và đây là lúc đối tác có thể tranh thủ tốt nhất ảnh hưởng của mình.

Khai thác ở khu mỏ Marange, Zimbabwe. Ảnh: The New York Times.
Khai thác ở khu mỏ Marange, Zimbabwe. Ảnh: The New York Times.

Từ xung đột nội bộ trong chính quyền Zimbabwe, đối tác có thể thoải mái dùng thủ đoạn để làm lợi cho mình. Bởi lẽ khi chính phủ bị tung hỏa mù khiến “không nghe, không thấy” được gì thì riêng việc xác minh, chứng minh số liệu cũng không phải đơn giản chút nào và càng khó khăn trong việc làm minh bạch số liệu thì khiến cho nội bộ chính quyền Zimbabwe càng rối.

Qua đó, đối tác đã xoay ngược mũi tên đang chĩa vào mình, hướng nó vào tâm của vòng xoáy xung đột quyền lực vốn từ lâu đã rất quyết liệt giữa Tổng thống Robert Mugabe và phe đối lập. Chỉ cần một hành động tung hỏa mù mà đối tác nước ngoài đã khiến cho người dân, đất nước Zimbabwe phải chịu thiệt đơn thiệt kép.

Có thể thấy rằng, người cay đắng và đau đớn nhất trong vụ việc này là Tổng thống Mugabe bởi lẽ vai trò của ông vốn bị thách thức bởi khó khăn của nền kinh tế nước này, vì cuộc sống khốn khó của người dân đất nước này. Và ông hy vọng sẽ có được nguồn tài chính khi liên doanh khai thác kim cương với đối tác nước ngoài để có thể đảm bảo cán cân quyền lực.

Song qua sự việc “đánh cắp kim cương” của đối tác, khiến cho ngày ông Mugabe phải rời bỏ quyền lực có thể sẽ sớm hơn và có thể không yên ả, thậm chí ê chề. Nếu ông không chứng minh được sự minh bạch của mình trong việc “đánh cắp kim cương” của đối tác nước ngoài thì ông có thể bị cáo buộc là đồng phạm và vòng lao lý sẽ có thể không buông tha ông.

Tổng thống Robert Mugabe đã từng mặc cả với phe đối lập về việc từ bỏ quyền lực của mình theo những cách thức mà ông mong muốn và cả những quyền lợi mà ông phải được nhận. Nhưng nay qua việc ông bị đối tác nước ngoài “bịt tai bịt mắt” khiến cho tài sản quốc gia bị đánh cắp một cách trắng trợn nhưng lại “hợp pháp” khiến ông Mugabe mất đi cái thế của mình.

Còn với phe đối lập, họ cũng không phải là người “được cả” qua vụ việc này. Bởi lẽ cho dù ông Mugabe bị mất thế nhưng để đánh gục ông thì cần phải có chứng cứ xác thực. Và cái chứng cứ ấy không thể xác thực hơn nếu nó được cung cấp bởi đối tác. Thế là dù ông Mugabe có nắm quyền hay không thì đối tác vẫn là người được hưởng lợi.

Với tình hình chính trị tại Zimbabwe thì ai cũng hiểu Robert Mugabe không thể nắm quyền lâu được nữa, nhưng để việc ông ra đi theo cách thức có lợi nhất cho đối tác thì mới là điều quan trọng. Ông Tập Cận Bình cùng giới lãnh đạo tại Bắc Kinh đã nhìn thấy điều ấy và họ đã trở thành đối tác nước ngoài "tin cậy" của chính quyền Robert Mugabe.

Quan hệ đối tác không bình đẳng

Theo BBC, từ cơ chế liên doanh 50/50 giữa các công ty nước ngoài đang hoạt động khai thác kim cương tại Marange – khu vực có mỏ kim cương lớn nhất tại Zimbabwe, với chính phủ nước sở tại thì tỷ lệ chia lợi nhuận cũng là 50% cho mỗi bên từ số tiền thu được nhờ việc khai thác thứ khoáng sản đặc biệt quý giá này.

Vỡ mộng ảnh 4

Vì đâu nên nỗi?

(GDVN) - Trong các hình thức cướp quyền thì gian lận trong bầu cử là hình thức cướp quyền gây nguy hại nhất cho chế độ chính trị.

Như vậy là ngang bằng về quyền lợi, vậy nhưng Tổng thống Robert Mugabe lại phải than phiền với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự thiệt thòi của Zimbabwe trong liên doanh với các doanh nghiệp chuyên khai thác mỏ kim của Trung Quốc.

Điều đó được ông Mugabe trực tiếp đề cập với Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến thăm của ông đến Châu Phi hồi nửa cuối năm 2015.

Theo China Daily: “ Chính phủ Zimbabwe kêu gọi các công ty nước ngoài trau dồi kỹ năng cho người bản địa, do đó họ có những hạn chế rất nghiêm ngặt về việc đưa kỹ thuật viên nước ngoài vào làm việc tại Zimbabwe. Và để làm được điều ấy thì công ty nước ngoài phải chứng minh được công việc đòi hỏi kỹ thuật cao là công việc mà người dân bản địa không thể thực hiện”.

Điều đó vô hình chung mở lối cho đối tác nước ngoài thực hiện ý đó của họ.

Bởi lẽ họ cho rằng: "Mặc dù chính quyền địa phương muốn trau dồi kỹ năng cho lao động địa phương, nhưng đối với họ thì cắt kim cương đòi hỏi cả công nghệ cao và kinh nghiệm. Do vậy, dù có kỹ thuật viên bản địa có thể cắt được kim nhưng cần phải có kỹ thuật viên nước ngoài có kinh nghiệm làm việc ấy, bởi vì nó có ảnh hưởng lớn đến giá trị của các sản phẩm kim cương ".

Thế là họ cứ thoải mái “bịt tại bịt mắt” chính phủ Zimbabwe và tạo nên sự không bình đẳng về quyền lợi giữa hai bên trong liên doanh. 

Ông Mugabe trong cơn cao hứng và trong nỗ lực kết nối chặt chẽ mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đã từng đề nghị dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm đồng tiền của quốc gia này. Và qua đó sẽ hình thành nên “khu vực nhân dân tệ - yuanzone” tại Châu Phi trong tương lai.

Doanh nhân Trung Quốc có mặt ngày nhiều ở Châu Phi. Ảnh: Internet.
Doanh nhân Trung Quốc có mặt ngày nhiều ở Châu Phi. Ảnh: Internet.

Điều đó chứng tỏ Tổng thống Robert Mugabe rất kỳ vọng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Châu Phi với Trung Quốc, đặc biệt là mối quan hệ thân thiết giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạo ra những lợi ích tốt nhất cho người dân và đất nước Zimbabwe vốn nghèo khó và bất ổn, ảnh hưởng đến quyền lực của ông Mugabe.

Tuy nhiên, khi ông Mugabe cho rằng bị thiệt thòi trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Zimbabwe và đối tác Trung Quốc thì thấy mối quan hệ này không bình đẳng về quyền lợi mà chỉ ngang bằng về vị thế mà thôi. Và qua đó cho thấy sự thiếu thực chất trong quan hệ hợp tác, mà chủ yếu là đối tác tạo ra một hình thức hợp pháp trong việc khai thác tối đa những gì có được từ Zimbabwe.

Theo BBC, một phần của tình trạng đó có nguyên nhân bởi sự thiếu kiến thức của các doanh nghiệp và chính phủ Zimbabwe  trong lĩnh vực khai khoáng đặc biệt này. Nhưng một phần quan trọng là do Zimbabwe đã lựa chọn không đúng đối tác trong việc khai thác tài nguyên đất nước để mang lại lợi ích cho quốc gia, giúp nâng cao mức sống cho người dân Zimbabwe vốn quá nghèo khó và thiếu thốn.

Việc bị mất tài nguyên đất nước vào tay đối tác nước ngoài đã khiến cho chính phủ có những hành động mạnh mẽ do sức ép bởi khó khăn của nền kinh tế, khi “năm 2008, quân đội đã bị buộc tội thảm sát thợ mỏ artisinal tại Marange và hậu quả dẫn đến một lệnh cấm quốc tế về xuất khẩu kim cương khai thác tại Marange vào giữa năm 2009 và năm 2011”, theo BBC ngày 4/3.

Như thế là từ niềm tin chiến lược, chính phủ Zimbabwe xây dựng quan hệ chiến lược với đối tác nước ngoài mà quên mất rằng mình đã dâng nguồn tài nguyên quý giá của đất nước cho người khác. Họ bị đối tác “bịt mắt bịt tai” trong một mối quan hệ hợp tác không bình đẳng, đến khi chịu không được thì uất ức nên có hành động bạo lực và phải đối mặt với sự trừng phạt của luật pháp quốc tế.

Không chỉ Tổng thống Robert Mugabe và chính phủ Zimbabwe mới vỡ mộng về mối quan hệ thân thiết Trung Quốc – Châu Phi, mà nhiều quốc gia của lục địa đen cũng có thể cảm nhận được nỗi niềm cay đắng khi quyền lợi bị mất dần trong một xu thế không dễ đảo ngược bởi “há miệng mắc quai”.

Bài học mang tên Zimbabwe như một lời cảnh tỉnh trong việc đặt niềm tin và xây dựng quan hệ với đối tác nước ngoài, nếu không tỉnh táo thì sẽ đến lúc không những “mất cả chì lẫn chài” mà còn phải “thân bại danh liệt”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và lợi ích của đất nước không chỉ trong hiện tại mà trong cả tương lai.

Ngọc Việt