Ngày 25/3 Reuters đưa tin, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) ông Kim Lập Quần cho biết có hơn 30 quốc gia đang chờ đợi để tham gia AIIB, ngoài 57 thành viên sáng lập. Điều này chứng tỏ sự hấp dẫn của định chế tài chính khổng lồ này đối với các nhà đầu tư và các thực thể kinh tế toàn cầu.
AIIB được thành lập theo sang kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi Trung Quốc bị gạt khỏi TPP. Và hiện nó được xem là một trong những thành công nhất trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. “Bất chấp sự phản đối của Washington, nhiều đồng minh lớn của Hoa Kỳ - Australia, Anh, Đức, Ý, Philippines và Hàn Quốc - đã tham gia AIIB” theo Reuters.
Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) ông Kim Lập Quần. Ảnh: Michael Wuertenberg / World Economic Forum / CC BY-NC-SA. |
Trong khi kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn do tái cơ cấu, còn AIIB dự kiến tháng 6/2016 mới cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng, vậy mà nó lại có sức hút mạnh như vậy thì chứng tỏ niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào sự khả quan của kinh tế Trung Quốc, vào chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ Trung Quốc là rất lớn.
Tái cơ cấu kinh tế tạo ra thị trường ổn định cho dịch vụ của AIIB
Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định AIIB là một định chế tài chính quốc tế và không được Bắc Kinh sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của mình, nhưng rõ ràng với sự chi phối của mình qua phần vốn góp chiếm 29%, AIIB là một công cụ tài chính giúp Chính phủ Trung Quốc sử dụng cho việc hiện thực hoá chính sách tái cơ cấu của mình.
Cho dù giới đầu tư quốc tế tỏ ra lo ngại khi kinh tế Trung Quốc liên tục sụt giảm trên tất cả các chi tiêu, nhưng không ai cho rằng Bắc Kinh sai lầm khi đưa ra việc tái cơ cấu lại nền kinh tế. Có thể nhìn nhận rằng việc tái cơ cấu nền kinh tế là quyết dịnh sáng suốt của Chính phủ Trung Quốc, cho dù điều ấy là tất yếu.
Việc tái cơ cấu gây ra nhiều hiệu ứng, nhiều hệ quả không tốt cho kinh tế Trung Quốc. Song việc lựa chọn thời điểm thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế là rất chính xác, giảm tối đa hậu quả cho thể xảy ra đối với kinh tế nước này và cả nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc thành lập AIIB là tối quan trọng cho tái cơ cấu của Trung Quốc.
Vỡ mộng |
Theo cá nhân người viết thì tái cơ cấu và AIIB có tác động qua lại trong quá trình vận hành của nó. Khi Trung Quốc hướng chuyển công nghiệp nặng ra khỏi biên giới thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, họ gặp phải rào cản là khả năng tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc của các thực thể kinh tế – nhất là các quốc gia nghèo, kém phát triển - là yếu vì khó khăn về vốn.
Trong khi đây cũng là những đối tượng gặp nhiều rào cản của các định chế tài chính lớn như WB, ADB vì vấn đề chính trị không ổn định, vấn đề môi trường, đầu tư không hiệu quả và tham nhũng.
Do vậy, những thực thể kinh tế này gặp nhiều bất lợi hoặc phụ thuộc quá nhiều vào vốn FDI, ODA trong khi cơ sở hạng tầng phải xem là vốn đối ứng của thực thể kinh tế nước sở tại.
Trong cơn khát vốn, AIIB sẽ là nguồn vốn tốt nhất mà các thực thể kinh tế yếu kém có thể tiếp cận được do cơ chế thoáng và vì “lợi đôi đường” của Bắc Kinh.
Vì vậy chắc chắn Bắc Kinh sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm dịch vụ của định chế tài chính khổng lồ này đến được với nơi cần đến. Phải thấy rằng Tập Cận Bình đã tìm ra công cụ tốt nhất cho tái cơ cấu có thể thành công và tái cơ cấu lại là cơ sở đảm bảo cho AIIB hoạt động hiệu quả.
Kinh nghiệm đối phó khủng hoảng tài chính của Trung Quốc giúp đảm bảo AIIB hoạt động hiệu quả
The New York Times ngày 4/12/2015 nhận định: “Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính sách kinh tế của Trung Quốc đối phó rất tốt, giữ ổn định cho kinh tế thế giới, trong khi kinh tế của nước Mỹ lại trên bờ vực của sự sụp đổ.
Việc chính quyền Obama ủng hộ cải cách IMF đã bị Quốc hội Mỹ ngăn chặn. điều đó giúp cho Trung Quốc nhanh chóng trở thành nước thứ ba có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại các định chế tài chính thế giới, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản”.
Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB)- định chế tài chính khổng lồ, được xem là “siêu ngân hàng thế giới” của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trước đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh quốc, ông George Osborne trong một bài phát biểu tại Đại học Bắc Kinh vào năm 2013 cho biết: "Có một số người phương Tây đang nhìn Trung Quốc ngày càng tăng sự lo ngại. Tôi hoàn toàn và hoàn toàn phản đối quan điểm bi quan ấy", theo The New York Times.
Điều đó cho thấy Trung Quốc đã có kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng tài chính, vì vậy những khó khăn hiện tại của thị trường tài chính Trung Quốc không khiến giới đầu tư quá lo ngại về khả năng lèo lái của Bắc Kinh thông qua những công cụ tài chính của mình.
Cùng với đó là tái cơ cấu nền kinh tế cũng khiến cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc dần ổn định, thị trường vốn sẽ dần bớt chao đảo.
Phát biểu bên lề của Diễn đàn Bác Ngao trên đảo Hải Nam, cực Nam Trung Quốc, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần cho biết: "Trong hai năm qua, chúng tôi đã đạt được mục đích là thuyết phục tất cả các thành viên - bây giờ chúng tôi có 57 thành viên và với danh sách hơn 30 quốc gia háo hức chờ đợi tham gia vào AIIB", theo Reuters.
Có thể thấy rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tính toán rất kỹ cho việc thành lập AIIB trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Trung Quốc khó khăn và bây giờ cho thấy quyết định ấy là hợp thời và chính xác. AIIB chưa cung cấp sản phẩm dịch vụ nhưng có lẽ giới đầu tư quốc tế đã nhận thấy khả năng hoạt động của nó sẽ mang lại hiệu quả.
Dù có thể bất đồng với Bắc Kinh về những chính sách, những công cụ có thể gây hại cho thị trường tài chính toàn cầu, nhưng rõ ràng kinh nghiệm của chính phủ Trung Quốc trong giải quyết khủng hoảng tài chính đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào khả năng quản trị và điều hành AIIB đáp ứng được mục đích và tôn chỉ của nó, đảm bảo an toàn và khả năng sinh lời của đồng vốn.
Ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc điều tiết giá dâu thô thế giới đảm bảo hoạt động AIIB mang lại tỷ suất lợi nhuận kép
Như người viết đã phân tích, nước hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu thô giảm hiện nay là Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ và Bắc Kinh cũng là người điều tiết giá dầu chứ không phải là giới tài phiệt Hoa Kỳ như những lần khủng hoảng giá dầu trước đây. Và Trung Quốc hưởng lợi trên nhiều mặt từ sử dụng trực tiếp dầu gá rẻ đến điều tiết giá dầu để tạo ảnh hưởng, gây lệ thuộc.
Nhờ dầu giá rẻ, Trung Quốc tạo nên lợi nhuận kép cho đồng vốn của AIIB. Ảnh: VOV. |
Tuy nhiên, Trung Quốc hưởng lợi nhất là qua cơ chế kép, đó là Trung Quốc vừa tạo ra thị trường sử dụng dầu giá rẻ, vừa điều tiết giá dầu rẻ cho thị trường thông qua việc cho các “đại gia dầu mỏ” vay tiền và đầu tư cho những nước nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng – phù hợp với những ngành công nghiệp mà Bắc Kinh muốn chuyển ra bên ngoài.
Từ những “đại công xưởng” mà Trung Quốc tạo ra ở những quốc gia kém phát triển, hình thành nên những cỗ máy tiều thụ dầu thô như những cái thùng không đáy.
Còn trong tình cảnh tất cả các bể chứa dầu trên thế giới gần như đã đầy ắp nên việc các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ phải bán hàng theo chỉ định của Bắc kinh để lấy có được hai nguồn vốn là tiền bán dầu và tiền vay, là không thể cưỡng lãi được.
Đoán trước xu thế không thể đảo ngược như vậy nên Tập Cận Bình đã xúc tiến việc thành lập định chế tài chính khổng lồ AIIB với quy mô vốn lên đến 1.000 tỷ USD.
Khi cả thế giới lao vào "cứu" kinh tế Trung Quốc, Việt Nam nên tương kế tựu kế |
Vừa đầu tư hưởng lợi nhuận, vừa cho vay lấy lãi suất, lại vừa mua bán dầu thô hưởng chênh lệch giá khiến cho đồng vốn của AIIB sẽ có tỷ suất sinh lời cao hơn tất cả các định chế tài chính hiện tại.
Vì vậy, dù biết tham gia AIIB là phụ thuộc vào quỹ đạo của Bắc Kinh nhưng hầu hết các quốc gia đều không thể bỏ qua lợi ích rất lớn mà nó mang lại, nhất là trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay.
Với lãi suất tiền gửi âm như Nhật Bản đang áp dụng – nghĩa là gửi tiền tiết kiệm phải đóng phí – thì cho thấy việc tham gia AIIB mang lại nguồn lợi lớn như thế nào.
Tóm lại, cho dù tình hình kinh tế Trung Quốc đang có những khó khăn, nhưng điều ấy có thể không ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế nước này.
Đặc biệt, việc tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc có thể đã được giới đấu tư nhìn nhận là sự đúng đắn trong điều hành kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh, vì vậy họ tin là kinh tế Trung Quốc sẽ khởi sắc.
Việc nhiều quốc gia, nhiều thực thể kinh tế tham gia và muốn tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) – định chế tài chính quan trọng nhất của Trung Quốc – cho thấy Bắc Kinh đã có những thành công bước đầu trong việc hiện thực hoá ý đồ thống trị của họ.