The Guardian ngày 11/7 đưa tin, cuộc bầu cử chọn ra 1/2 thành viên mới cho Thượng viện Nhật Bản diễn ra ngày 10/7 vừa qua đã mang lại chiến thắng vang dội cho liên minh cầm quyền giữa đảng Công minh mới (Komeito) và đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe.
Liên minh này đã có thêm 71 ghế, giúp họ đã có thể chiếm hơn 2/3 trong số 242 ghế tại Thượng viện Nhật Bản. [1]
Chiến thắng vang dội của liên minh cầm quyền giúp cho Thủ tướng Abe có thêm điều kiện để thực hiện những chính sách mà ông đang theo đuổi. Trong đó quan trọng nhất là chương trình cải cách và chấn hưng kinh tế mang tên Abenomics.
Abenomics được kỳ vọng sẽ đưa kinh tế Nhật Bản ra khỏi suy thoái kéo dài hàng chục năm qua, song nó đang bị phe đối lập chỉ trích và ngăn cản. Vì vậy chiến thắng hôm 10/7 rất có ý nghĩa với Thủ tướng Abe.
Tuy nhiên, chiến thắng của liên minh cầm quyền tại Nhật Bản lại được xem là một mối lo với những đối thủ của Tokyo, đặc biệt là Trung Quốc.
Quan hệ Tập Cận Bình – Shinzo Abe luôn khó dung hoà. Ảnh: Getty Images. |
Bắc Kinh vốn luôn xoáy vào những vết thương chiến tranh trong lịch sử của quan hệ Trung – Nhật. Tất cả những biểu hiện, hành động của Tokyo có liên hệ đến chính sách an ninh đều bị Bắc Kinh chỉ trích và xem đó là nguy cơ với hoà bình của Trung Quốc.
Vì vậy, khi Abe chiến thắng, Trung Nam Hải lên tiếng ngay.
Tân Hoa Xã ngày 11/7 đã có bài bình luận về chiến thắng của Thủ tướng Abe với những lời lẽ hết sức hằn học:
“Chiến thắng này không có gì bất ngờ với dư luận, song nó có thể gây nguy hiểm cho Nhật Bản và ổn định trong khu vực…
Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản bị đe dọa nghiêm trọng bởi quyền lực Abe được gia tăng, điều đó là đáng báo động cho cả các nước láng giềng châu Á của Nhật Bản, cũng như cho chính Nhật Bản.”
Đối với Nhật Bản thì bất kỳ bước đi sai lệch nào với con đường hòa bình đều gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Nó cũng khiến cho nước Nhật kém an toàn và người Nhật có nguy cơ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.
Đối với các nước láng giềng châu Á của Nhật Bản, khi quân đội Nhật Bản được tái lập cộng thêm việc Abe gia tăng quyền lực, điều đó sẽ trở thành những nguy cơ tiềm ẩn, đáng báo động cho họ.[3]
Như vậy là Trung Nam Hải tỏ ra rất quan ngại về việc sửa đổi Hiên pháp của Nhật Bản và nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, song với cá nhân người viết thì tất cả những chỉ trích hay cảnh báo được phát đi từ Bắc Kinh đều chỉ là động tác giả mà thôi.
Mục đích của Bắc Kinh không phải là nội dung những chỉ trích hay cảnh báo ấy mà là những điều khác có hệ luỵ với Trung Nam Hải từ hiệu ứng bởi chiến thắng của Abe.
Trung Nam Hải hướng dư luận vào việc Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp khiến Shinzo Abe đối mặt nguy cơ “thù trong giặc ngoài”
Trước sức ép ngày càng lớn từ sự đe doạ của quốc gia láng giềng khổng lồ Trung Quốc, sự thách thức của cường quốc tự phong Triều Tiên và từ hệ luỵ của sự bảo bọc bởi người bạn lớn Hoa Kỳ, sửa đổi Hiến pháp hoà bình của Nhật Bản đã trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Nó là một trong những ưu tiên trong chương trình hành động của Shinzo Abe ngay khi ông trở lại nắm quyền lực lần thứ hai. Tokyo cũng đã có những động thái thăm dò dư luận trong nước về vấn đề này.
Công chúng Nhật Bản còn chia rẽ về sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản ra đời sau khi chế độ quân phiệt Nhật thất bại trong Đệ nhị Thế Chiến.
Thủ tướng Abe cho biết, kết quả cuối cùng sẽ do người dân Nhật Bản quyết định qua một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người dân Nhật Bản còn nhiều do dự về một vai trò lớn hơn cho quân đội. [7]
Trong khi đó, theo Giáo sư Gerry Curtis, giáo sư danh dự tại Đại học Columbia ở New York:
"Đây là lần đầu tiên liên minh cầm quyền chiếm 2/3 trong cả hai viện của Quốc hội, nhưng không thể tìm thấy bất kỳ vấn đề nào mà 2/3 có thể đồng thuận." [5]
Thủ tướng Nhật quyết liệt theo đuổi Abenomics và cơ hội cho Việt Nam |
Như vậy, việc sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản không phải dễ dàng và có thể nhanh chóng diễn ra. Thế thì tại sao Bắc Kinh cứ “giẫy lên như đỉa phải vôi”, làm như sự việc này đã gần trở thành hiện thực như vậy?
Có thể thấy rằng, khi Bắc Kinh phản ứng dữ dội về việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản thì sẽ khiến cho mâu thuẫn giữa lực lượng ủng hộ và lực lượng phản đối vấn đề này sẽ sâu sắc hơn, tạo ra sự chia rẽ lớn hơn trong xã hội Nhật Bản.
Điều đó khiến cho sức mạnh quốc gia của Nhật Bản giảm sút, vấn đề bất ổn về chế độ chính trị, chủ quyền quốc gia sẽ khiến cho người dân đất nước mặt trời mọc bất an.
Đây là cơ hội cho các đối thủ của Thủ tướng Abe khai thác triệt để nhằm làm giảm hiệu ứng tích cực từ chiến thắng của liên minh cầm quyền.
Đảng Dân chủ đối lập cùng với Đảng Cộng sản Nhật Bản với nội dung cương lĩnh tranh cử là bảo vệ hiến pháp hòa bình đã thất bại vì điều đó được xem là vấn đề không thực tế với Nhật Bản lúc này. [7]
Song khi Bắc Kinh đưa vấn đề này như gần với hiện thực thì những người ủng hộ Abe sẽ cảm thấy như bị đánh lừa.
Cùng với đó, khi Bắc Kinh cảnh báo về việc Tokyo sửa đổi Hiến pháp thì cũng là lời cảnh báo cho Washington về nguy cơ đến từ đồng minh chiến lược.
Có thể Bắc Kinh và Washington có nhiều đối trọng, khác biệt, nhưng việc ngăn không cho quân đội Nhật nổi lên như một sự thách thức thì cả hai đều chung chí hướng.
Sức mạnh quân sự của Nhật mạnh lên không phải là điều tốt cho Washington, dù xem xét dưới bất cứ góc độ nào.
Washington có thể chia sẻ với Tokyo nhiều trách nhiệm, nhưng về quân sự thì Washington không mong đợi sự chia sẻ của Tokyo.
Lịch sử đã cho Washington bài học không thể nào quên về sự nguy hại khi Nhật Bản là một siêu cường quân sự.
Obama coi như không còn ảnh hưởng gì tới quan hệ Nhật – Mỹ được nữa, nhưng rõ ràng những lời cảnh báo của Bắc Kinh sẽ khiến cho Donald Trump hoặc Hillary Clinton sẽ phải dè chừng về sự trỗi dậy của Tokyo.
Bên cạnh đó, Putin muốn kết thân với Abe để qua đó nhờ Tokyo giúp khôi phục lại vị thế của Nga và tái lập G-8, giúp cho kinh tế Nga nhanh chóng thoát thế bị bao vây, cô lập.
Tuy nhiên, Moscow không hề mong muốn Tokyo trở thành siêu cường quân sự, mà với thực lực của Nhật Bản thì điều đó không quá khó, vì đó cũng là một sự đe dọa với miền đông của nước Nga, có thể đưa nước Nga đối mặt với tam giác nguy hại: NATO – Trung Quốc – Nhật Bản.
Do vậy, khi Bắc Kinh cảnh báo sự trỗi dậy của Tokyo thì cũng đồng thời làm giảm sự thân thiện giữa Moscow và Tokyo vừa mới được hâm nóng, mà thay vào đó là mối quan hệ sẽ xây dựng trên nền tảng “chân thành thì ít mà hoài nghi thì nhiều”.
Như thế là mong muốn của Abe hướng về nước Nga để tránh sự đe doạ ngày càng lớn từ Trung Hoa đại lục đối với Nhật Bản đã có một rào cản không dễ vượt qua.
Không những thế, Hàn Quốc và các quốc gia Châu Á khác cũng sẽ xem lời cảnh báo của Bắc Kinh như sự báo động về “nguy cơ Nhật Bản”, vì sự kinh hoàng mà quân phiệt Nhật gây ra cho các quốc gia bị chiếm đóng trong quá khứ vẫn chưa thể nhạt nhoà.
Thế là hơn 70 năm xây dựng hình ảnh nước Nhật thân thiện có thể bị xem như sự nuôi dưỡng một âm mưu lâu dài cho khát vọng Đại Đông Á năm xưa.
Bắc Kinh chỉ trích việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản nhằm hạn chế công hiệu của Abenomics, cứu nguy cho Tái cơ cấu tại Trung Hoa đại lục
Theo VOA, chính việc tập trung vào chương trình Abenomics với mục đích là thúc đẩy tăng trưởng bằng chính sách kích thích tiêu dùng và giảm giá trị của đồng yên (JPY) để tăng xuất khẩu đã mang lại chiến thắng cho liên minh cầm quyền và Thủ tướng Abe.
Mặc dù cho đến nay kết quả của Abenomics chưa khả quan, nhưng phe đối lập không lại không thể đưa ra giải pháp nào khả thi thay thế cho chương trình kinh tế này. [7]
Cũng nên nhắc lại rằng, ngay trước cuộc bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Abe đã tìm ra chìa khoá đảm bảo sức sống cho Abenomics, đó là đột phá khẩu vào công bằng thu nhập lao động xã hội.
Từ đó xác lập được chu trình kích thích tăng trưởng kinh tế hiệu quả: Doanh nghiệp tăng chi phí →lao động xã hội tăng thu nhập → xã hội tăng nhu cầu tiêu dùng → doanh nghiệp tăng công suất →doanh nghiệp tăng nhu cầu vốn đầu tư → chính phủ ưu đãi doanh nghiệp.
Abenomics – chương trình kinh tế chiến lược của Shinzo Abe luôn khiến cho Tập Cận Bình ngán ngại. Ảnh: Bloomberg. |
Điều đặc biệt là mũi nhọn chiến lược số một của Tái cơ cấu của Tập Cận Bình cũng là kích cầu nội địa và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù, kích cầu của Abenomics là nhằm kích thích tăng trưởng còn kích cầu của Tái cơ cấu là nhằm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế, song cả hai đều cần phải hướng tới tăng thu nhập cho lao động xã hội.
Và đây chính là sự khác biệt mà Tập Cận Bình có thể thất bại, thậm chí trả giá đắt nếu Abenomics thành công.
Có thể thấy rằng, Abe đột phá khẩu vào công bằng thu nhập lao động là chủ động từng bước tăng thu nhập cho lao động xã hội thì việc tăng thu nhập cho lao động tại Trung Quốc là sự bắt buộc với Bắc Kinh.
Điều đó đang gặp nhiều khó khăn vì nguồn lực doanh nghiệp và nhà nước đều không đủ mạnh. Song quan trọng hơn là nó sẽ khiến cho Trung Quốc dần mất đi lợi thế hàng giá rẻ vốn đang làm mưa làm gió trên thị trường hàng tiêu dùng thế giới.
Không xem quảng cáo… đừng đọc báo |
Trong khi hàng chất lượng cao Trung Quốc chưa thể cạnh tranh mà hàng giá rẻ không còn nữa thì rõ ràng kinh tế Trung Quốc sẽ đi dần tới cửa tử.
Bởi vậy, trước khi tìm ra lối thoát cho kích cầu nội địa mà không làm mất đi lợi thế của hàng giá rẻ, thì Bắc Kinh cần phải hạn chế sự thành công của Abenomics.
Bởi lẽ, khi Abenomics khởi sắc với kích cầu thì hiệu ứng thành công của nó sẽ khiến cho mũi nhọn chiến lược này của Tái cơ cấu phải trả giá đắt.
Japantoday.com cho biết, ngay sau chiến thắng, ngày 11/7 Thủ tướng Abe đã khẳng định Tokyo tiếp tục theo đuổi chương trình kích thích tăng trưởng nền kinh tế: "Tôi sẽ bàn bạc với Bộ trưởng kinh tế Ishihara để chuẩn bị một gói kích thích kinh tế."
Thị trường chứng khoán Tokyo dường như có phản ứng tốt với chiến thắng của Chính phủ Shinzo Abe và liên minh cầm quyền tại Nhật Bản. [5]
Như vậy là Shinzo Abe đã thách đấu với Tập Cận Bình và đương nhiên Bắc Kinh sẽ tìm cách khiến cho Abenomics không thể triển khai có hiệu quả.
Những công cụ tài chính – thương mại của Bắc Kinh xem ra không thể có hiệu lực với Tokyo khi kinh tế Nhật Bản đã thích ứng với đà giảm tăng trường của kinh tế Trung Quốc. Có lẽ tác động vào sự nguy hiểm mơ hồ là cách tốt nhất mà Bắc Kinh có thể làm và có hiệu quả.
Bởi lẽ, sửa đổi Hiến pháp có trong chương trình hành động của Chính phủ Abe và trong điều kiện chính trị hiện nay thì Thủ tướng Nhật có thể làm điều ấy.
Thế là Trung Nam Hải cứ nghiêm trọng hoá vấn đề này nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây bất lợi cho Thủ tướng Abe ở cả trong và ngoài nước, khiến cho Tokyo phải đối mặt với hậu quả “thêm thù bớt bạn” mà không dễ tìm ra cách hoá giải.
Có thể thấy rằng, sự thâm hiểm của Bắc Kinh qua việc khuếch đại việc sửa đổi Hiến pháp hoà bình của Nhật Bản chẳng khác gì “gắp lửa bỏ tay người” làm cho cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc đều gánh hệ luỵ và điều đó khiến cho quan hệ Shinzo Abe – Tập Cận Bình không thể dung hoà.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://www.nytimes.com/2016/07/12/world/asia/japan-election-shinzo-abe.html?_r=0
[3]http://news.xinhuanet.com/english/2016-07/11/c_135502643.htm
[4]http://news.xinhuanet.com/english/2016-07/09/c_135500727.htm