Đóng góp của Pháp cho biên giới đất liền hòa bình, hữu nghị Việt - Trung

05/09/2016 10:03
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Thành quả mà chính quyền Pháp và nhà Thanh đã để lại là hết hết sức có ý nghĩa, rất có giá trị về mặt pháp lý để hai nước Việt Nam, Trung Quốc thống nhất...

LTS: Nhân dịp Tổng thống Pháp François Hollande thăm chính thức cấp nhà nước đến Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam loạt bài phân tích của ông về vai trò của Pháp, đóng góp và ý nghĩa các công trình phân giới cắm mốc giữa Việt Nam với các nước láng giềng do Pháp để lại. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc dài hơn 1.400 km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. 

Biên giới này được hoạch định và phân giới cắm mốc lần đầu tiên trong lịch sử bằng Công ước hoạch định biên giới ngày 20/6/1887 và Công ước bổ sung ngày 20/6/1895 ký kết giữa Pháp và nhà Thanh, Trung Quốc.

Pháp có công trong việc hoạch định biên giới rõ ràng theo chuẩn mực pháp lý quốc tế

Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc chỉ có vùng biên cương, được coi là biên giới truyền thống phân chia một cách tương đối phạm vi lãnh thổ của mỗi bên. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Trong suốt thời kỳ lịch sử này, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có đường biên giới được phân giới cắm mốc rõ ràng. Việc quản lý biên giới giữa 2 nước trong giai đoạn này chủ yếu thông qua các hoạt động: 

- Thiết lập các quan ải và hệ thống đồn là biện pháp cơ bản trong việc tăng cường công tác bảo vệ quản lý biên giới quốc gia.

- Chính quyền trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý biên giới quốc gia.

- Lấy việc giữ đất, yên dân, ngăn chặn đẩy lùi bọn xâm lấn làm mục tiêu chính, tránh khiêu khích gây hấn với bên ngoài biên giới.

- Xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.

Vì vậy, những cuộc tranh chấp, xung đột biên giới ở những quy mô khác nhau giữa 2 nước thường xuyên xẩy ra, thậm chí nhiều lúc đã phát triển thành những cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược đẫm máu.

Một đặc điểm đáng lưu ý nữa là, biên giới truyền thống này luôn luôn thay đổi theo sức mạnh về quân sự, kinh tế…của mỗi bên. 

Năm 1858 Pháp xâm lược Việt Nam, tháng 6 năm 1884 Pháp và triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patennotre. Theo đó Pháp là nhà nước bảo hộ Việt Nam, đại diện cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Trong đó bao gồm việc Pháp ký Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung Công ước 1887, ký ngày 20/6/1895, cắm được 314 mốc. 

Với việc ký kết 2 Công nước theo đúng thủ tục pháp lý đương thời và căn cứ vào 2 Công ước này để tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa là một dấu mốc rất quan trọng về mặt pháp lý.

Đóng góp của Pháp cho biên giới đất liền hòa bình, hữu nghị Việt - Trung ảnh 2

Vai trò của Pháp trong hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia

(GDVN) - Campuchia nhắc lại nguyên tắc Uti- Possidetis lúc này là không cần thiết, làm kéo dài thời gian phân giới cắm mốc một cách vô lý và dễ bị lợi dụng chống phá.

Hoạt động này có tác dụng hạn chế tình trạng tranh chấp kéo dài liên miên trong lịch sử tồn tại và phản triển của 2 quốc gia láng giềng núi liền núi sông liền sông. 

Thời điểm ký kết 2 Công ước và triển khai công tác phân giới cắm mốc trên thực địa diễn ra cách đây hơn một thế kỷ.

Nó diễn ra trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật rất khó khăn. Hoàn cảnh chính trị, ngoại giao giữa 2 nước vào lúc đó có nhiều bất cập, cho nên không thể không có những sai sót. 

Tuy nhiên, thành quả mà chính quyền Pháp và nhà Thanh đã để lại là hết hết sức có ý nghĩa, rất có giá trị về mặt pháp lý để hai nước Việt Nam, Trung Quốc thống nhất dùng làm căn cứ cho việc giải quyết những tranh chấp biên giới, lãnh thổ phức tạp do lịch sử để lại.  

Việt Nam, Trung Quốc phát huy thành quả của Pháp và nhà Thanh trong hoạch định biên giới trên đất liền

Từ những năm 1950 trở lại đây, tuy quan hệ Việt - Trung có những thăng trầm, nhưng dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản, hai nước đã có những hợp tác để giải quyết vấn đề biên giới.

Ngày 2/11/1957, hai Đảng đã có thoả thuận: Biên giới lãnh thổ là vấn đề hệ trọng, cần giải quyết theo nguyên tắc pháp lý hiện có hoặc được xác định lại do Chính phủ 2 nước đàm phán, quyết định.

Tuyệt đối cấm các nhà chức trách và đoàn thể địa phương thương lượng với nhau để cắm lại mốc giới và cắt nhượng đất cho nhau.

Năm 1973, các cuộc đàm phán về biên giới hai nươc được tiến hành.

Cuối năm 1974 đàm phán lần 1 về phân định vịnh Bắc Bộ không đạt được kết quả gì. Từ tháng 10/1977 dến tháng 6/1978 đàm phán lần 2 không đi đến thoả thuận nào. Tình hình biên giới đất liền ngoài thực địa căng thẳng.

Đàm phán lần 3: vòng 1 diễn ra tại Hà Nội từ 18/4/1979 đến 18/5/1979. Vòng 2 diễn ra tại Bắc Kinh, từ 25/6/1979 đến 6/3/1980, chủ yếu bàn các biện pháp bảo đảm hoà bình trên vùng biên giới đất liền giữa hai nước.

Năm 1990, quan hệ hai nước dần được khôi phục, từ ngày 7/11/1991 đến 10/11/1991 hai nước ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới.

Theo hiệp định này, hai bên tiến hành quản lý biên giới theo tình hình thưc tế. Thẩm quyền giải quyết biên giới thuộc về cấp Chính phủ, giữ nguyên mốc biên giới hiện có.

Năm 1992, đàm phán lần thứ 4 bắt đầu diễn ra. Ngày 19/10/1993 hai nước ký thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa 2 nước. 

Vấn đề biên giới đất liền, hai bên sẽ căn cứ vào nguyên tắc:

“Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Pháp và Trung Quốc ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới 20/6/1895, cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định, cắm mốc kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định; đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc…”

Từ tháng 2/1994 đến tháng 12/1999, hai bên đã họp 6 vòng cấp Chính phủ, 16 vòng nhóm công tác liên hợp, 3 vòng nhóm soạn thảo Hiệp ước.

Tiến sĩ Trần Công Trục trong buổi lễ khánh thành một cột mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, ảnh tư liệu do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục trong buổi lễ khánh thành một cột mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, ảnh tư liệu do tác giả cung cấp.

Tại vòng 2 diễn ra tháng 7/1994, nhóm công tác đã trao bản đồ chủ trương, qua đối chiếu có 870 km/1360 km đường biên giới trùng nhau (67%), 436 km/1360 km thuộc 289 khu vực không trùng nhau, với tổng diện tích 236,1 km2.

Trong đó có 74 khu vực loại A (1,87 km2) do kỹ thuật vẽ chồng lấn nhau, 51 khu vực loại B (3,062km2) do không vẽ tới, 164 khu vực loại C do quan điểm 2 bên khác nhau, trong đó có một số khu vực tranh chấp trên thực địa.

Đàm phán biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc cấp Chính phủ vòng 6 diễn ra từ 25 đến 28/9/1998, hai bên thống nhất phân khu vực C thành 3 loại:

Khu vực Công ước đã quy định rõ ràng; khu vực một bên quản lý quá hoặc vạch quá đường biên giới; khu vực Công ước không qui định rõ ràng.

Sau 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 6 vòng cấp Chinh phủ, hai bên đã giải quyết xong các khu vực khác nhau giữa 2 đường biên giới chủ trương của 2 nước.

Đến tháng 12/1999, Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Hiệp ước hoạch định biên giới, được Quốc hội hai nước phê chuẩn trong năm 2000.

Hiệp ước này mô tả hướng đi của đường biên giới bằng lời văn và thể hiện bằng đường màu đỏ trên bản đồ tỷ lệ 1/500.000. Dựa vào Hiệp ước này, từ tháng 12/2001, hai bên tiến hành phân giới, cắm mốc.

Đến cuối năm 2008, công tác phân giới cắm mốc cơ bản hoàn thành. Kết quả là chiều dài biên giới chính xác là 1.449,566 km, trong đó có 383,914 km đường biên giới đi theo sông suối, cắm được 1.970 cột mốc, bao gồm 1.548 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ.

Toàn bộ công việc này được thực hiện để phân vạch đường biên giới trên thực địa một cách chính xác, cụ thể, rõ ràng, hoàn chỉnh và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, bền vững và đủ về số lượng trên thực địa.

Việc giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ để xác lập được một hệ thống đường biên giới, mốc quốc giới rõ ràng, chính quy, hiện đại và bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc là một quá trình kéo dài trên 30 năm.

Cùng với đó là rất nhiều khó khăn trở ngại, không chỉ do lịch sử để lại, mà còn do những nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, khoa học kỹ thuật, chính trị, pháp lý, tâm lý, tình cảm mà cả hai bên cần phải vượt qua. 

Sự hợp tác của hai bên trong quá trình giải quyết vấn đề biên giới đất liền đã xuất phát từ lợi ích chính đáng của hai quốc gia, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, được hai bên chấp thuận, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Đóng góp của Pháp cho biên giới đất liền hòa bình, hữu nghị Việt - Trung ảnh 4

Nguyên tắc Uti-Possidetis trong đàm phán biên giới Việt Nam - Campuchia

(GDVN) - Việt Nam đã rất thiện chí và chủ động đề nghị việc mời chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới chưa phân giới cắm mốc.

Giải quyết được vấn đề biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc góp phần tăng cường sự tin cậy giữa các bên liên quan, là cơ hội mới để mở rộng giao lưu hữu nghị, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại.

Việc hoàn thành phân giới cắm mốc năm 2008 trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự kiện mang tầm vóc lịch sử trong quan hệ hai nước láng giềng đã trải qua nhiều bước thăng trầm.

Hoàn thiện việc xác lập đường biên trên bộ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, cùng với việc ký được Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ, Hiệp định nghề cá trong vịnh Bắc Bộ năm 2000, là những bài học quý báu bổ sung cho thực tiễn pháp lý quốc tế về quy trình xác lập biên giới, ranh giới trên đất liền và trên biển giữa các quốc gia láng giềng, mở ra khả năng tiếp tục giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước ở Biển Đông.

Để có được kết quả này, không thể không nhắc tới vai trò của Pháp với tư cách đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, đàm phán hoạch định biên giới với các nước láng giềng theo chuẩn mực quốc tế hiện đại.

Chính đóng góp này của Cộng hòa Pháp đã hạn chế đi rất nhiều tình trạng tranh chấp phức tạp sau này.

Cho dù đã có 2 Công ước Pháp - Thanh và hệ thống mốc quốc giới sau 12 năm đàm phán, chúng ta và Trung Quốc cũng phải mất trên 30 năm để nỗ lực đàm phán, hoạch định một đường biên giới hợp pháp, chính quy, hiện đại, rõ ràng như ngày nay.

Nếu không có hai điều ước pháp lý có giá trị quốc tế này, rất có thể tình trạng tranh chấp, xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn kéo dài, gây đổ máu cho cả hai phía.

Ts Trần Công Trục