EU trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh phản đòn có thể gây tan rã EU

14/05/2016 15:36
Ngọc Việt
(GDVN) - Vị thế của Trung Quốc rất lợi hại vì nó như “rắn hai đầu” nên thể hiện như thế nào cũng có lợi cho họ, hay ít nhất là làm thiệt hai cho đối phương.

The Guardian ngày 12/5 đưa tin, với 546 phiếu thuận và chỉ 28 phiếu chống, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết bác bỏ việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Đây là kết quả trái với mong đợi của Trung Quốc khi mà nước này hy vọng sẽ được Liên minh châu Âu (EU) chính thức trao quy chế nền kinh tế thị trường vào cuối năm nay.

Nghị quyết của EP nêu rõ năng lực sản xuất dư thừa và xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, tình hình kinh tế xã hội cho EU. Theo EP có tới 56 trong tổng số 73 biện pháp chống bán phá giá hiện nay của EU là nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Việc có trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc hay không là một quyết định chiến lược ảnh hưởng tới tương lai của kinh tế châu Âu. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên quyền được công nhận hoặc phủ nhận một quốc gia thành viên khác có nền kinh tế thị trường hay không.

EU chưa trao quy chế này cho 15 nước, trong đó có Trung Quốc.

Ngay từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, EU đã coi nền kinh tế Trung Quốc không phải là kinh tế hàng hóa. Kể từ đó, Bắc Kinh đã tiến hành những cải cách và được EU thỏa thuận rằng tổ chức này sẽ xem xét về trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc vào cuối năm 2016.

Song điều kiện để được công nhận là gì thì thỏa thuận trên lại không đề cập chi tiết.

Trung Quốc có thể gây tan rã EU thông qua "bạn vàng" Anh quốc, Thủ tướng Anh David Cameron tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: BBC.
Trung Quốc có thể gây tan rã EU thông qua "bạn vàng" Anh quốc, Thủ tướng Anh David Cameron tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: BBC.

Nghị quyết của EP có thể được xem là một biện pháp mà EU trừng phạt Trung Quốc, nhưng theo cá nhân người viết thì các nước thành viên EU có thể nhận lãnh hậu quả bởi hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” khi Bắc Kinh phản đòn. Tại sao vậy?

Cơ sở của nghị quyết trừng phạt Trung Quốc không thuyết phục

Nghị quyết của EP xuất phát chủ yếu từ những tác hại bởi hàng giá rẻ của Trung Quốc hoành hành trên thị trường EU, mà trực tiếp nhất, quyết định nhất là thép giá rẻ.

Bởi lẽ sản lượng thép của Trung Quốc bằng 50% sản lượng thép của toàn thế giới, trong khi giá thép của Trung Quốc lại rẻ nên nên thép Trung Quốc gấy thiệt hại cho kinh tế thế giới rất lớn, trong đó có kinh tế của EU.

Tuy nhiên người viết cho rằng, nhờ xác định chính xác phân khúc thị trường và định vị sản phẩm nên Trung Quốc đã thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường hàng giá rẻ thế giới. Dù có những biện pháp bảo hộ mậu dịch mà trực tiếp là cơ chế điều tiết tiền tệ của Bắc Kinh, nhưng về cơ bản Trung Quốc sản xuất được hàng giá rẻ do họ có cách làm riêng của mình.

Như người viết đã từng phân tích, Trung Quốc đảo ngược quy trình sản xuất một cách tinh vi và tạo hiệu quả kép trong đầu tư sản xuất là hai yếu tố quan trọng nhất giúp cho hàng hoá của Trung Quốc có giá rẻ hơn thị trường thế giới.

Họ có thể chưa hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu ngặt nghèo như đảm bảo an toàn cho môi trường chẳng hạn, nhưng không thể phủ nhận hàng giá rẻ là thành quả của ý tưởng và cách làm hợp thời của họ.

Không thể cứ vin vào giá bán rẻ là có thể khẳng định khách hàng bán phá giá. Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào một số thị trường cũng đã từng phải hứng chịu hậu quả vì tâm lý áp đặt này.

Hàng thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường EU, phá hoại ngành công nghiệp thép của liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này, nhưng đến nay EU vẫn chưa thể tìm ra cơ sở cho việc khẳng định Trung Quốc bán phá giá.

Giá thành rẻ và lợi nhuận thấp là hai yếu tố quyết định giá bán hàng hoá của Trung Quốc rẻ hơn đối thủ. EU có thể yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những quy định chung trong sản xuất và thương mại của thế giới, nhưng không thể ép buộc giá thành và tỷ suất lợi nhuận của Trung Quốc để như một hàng rào mậu dịch ngăn chặn hàng hoá Trung Quốc xâm nhập thị trường.

EU và các đối tác chưa sản xuất được hàng giá rẻ thì phải tập trung vào cách làm ra hàng hoá có gía cả cạnh tranh với Trung Quốc chứ không chỉ tìm biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp nước này. Đặc biệt, EP ra nghị quyết nhưng chưa công bằng trong việc cân bằng lợi ích kinh tế tài chính của người sản xuất và lợi ích kinh tế xã hội của người tiêu dùng.

Thép Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu, ảnh minh họa: VnEconomy.
Thép Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu, ảnh minh họa: VnEconomy.

“Với việc thép Trung Quốc đang được bán phá giá trên thị trường toàn cầu, Nghị viện châu Âu hôm thứ Năm đã bỏ phiếu chống lại việc Trung Quốc nên được xem xét đối xử giống như EU hay Mỹ.

Quyết định này gây áp lực lên Ủy ban châu Âu EC, hoặc là phản đối tình trạng kinh tế thị trường đầy đủ của Trung Quốc hoặc có biện pháp bảo vệ cho các ngành công nghiệp cụ thể”, theo The Guardian ngày 12/5.

Thời gian qua nhà sản xuất, người lao động biểu tình phản đối hàng giá rẻ của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến công việc sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm và thu nhập của lao động xã hội để gây sức ép lên lãnh đạo EC.

Tuy nhiên, khi không còn một mặt hàng giá rẻ nào đó của Trung Quốc trên thị EU thì cả EC, EP sẽ không thể ngăn chặn làn sóng biểu tình của người tiêu dùng vì lợi ích của họ bị tước mất nhờ hàng giá rẻ Trung Quốc.

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu được thông qua không hợp thời điểm

Trong “bộ ba 10 ngàn tỷ USD” thì EU đang trục trặc với Mỹ, cụ thể nhất hiện nay là Bruselss và Washington không thể nhường nhau để đi đến thống nhất cho TTIP – một hiệp định thương mại rất quan trọng với kinh tế của EU. Dù có lạc quan như thế nào đí chăng nữa thì giới đầu tư cũng cho rằng TTIP không thể hoàn tất trước khi Tỏng thống Mỹ Obama rời nhiệm sở. 

Việc không có được TTIP dù có hại nhiều hơn cho kinh tế Hoa Kỳ nhưng với kinh tế EU không phải nó vô hại. Việc cứng rắn với Washington chỉ là nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những “lợi bất cập hại” cho EU khi thực thi hiệp định này chứ không phải Bruselss không mặn mà với TTIP. Bạn hàng lớn nhất đang ở thế gờm nhau với EU.

Với bạn hàng lớn thứ hai còn lại trong “bộ ba 10 ngàn tỷ USD” Trung Quốc thì EP ra phán quyết trừng phạt, khiến cho EU hiện tại như có hai cuộc chiến với hai đối thủ lớn nhất của mình. Từ trước tới nay Washington luôn là bệ đỡ cho EU, nhưng từ khi Obama chọn ưu tiên TPP thì Bắc Kinh dần thế chân Washington tại lục địa già này.

Nay EU gần như là quay lưng với cả hai, vậy kinh tế EU sẽ đi về đâu, như thế nào khi EP xem cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là đối thủ? Rõ ràng lãnh đạo EC đang đưa nền kinh tế EU đi trên dây với nhiều nguy cơ mà có thể gây thiệt hại rất lớn cho liên minh kinh tế này. Chỉ cần cả Washingtion và Bắc Kinh phản đòn là Bruselss rối loạn.

Trong lúc đó nội bộ liên minh EU đang rạn nứt và có nguy cơ rã đám khi chỉ còn hơn một tháng nữa người dân nước Anh sẽ quyết định đi hay ở với EU. Nguyên nhân của việc này là do người Anh cảm thấy chưa nhận được quyền lợi thoả đáng từ EU, trong đó có lợi ích về kinh tế và vai trò trong cơ chế liên minh – chủ quyền.

Tác hại của việc Anh rời EU (Brexit) nếu xảy ra là rất lớn, thậm chí lãnh đạo EC phải cho rằng rất nghiêm trọng. Từ EU đến EC đang tìm mọi cách để vô hiệu “Brexit” với việc thoả mãn thêm một số điều kiện có lợi cho người dân xứ sở xương mù. Ngay cả chính phủ của Thủ tướng David Cameron cùng nhiều lãnh đạo đảng đã bỏ qua bất đồng để cùng cứu EU.

Nhà kinh tế Monika Boven của DZ Bank nhận định: “Nếu Brexit xày ra, kinh tế Đức có thể tăng trưởng 1,4% năm 2016 và 0,5% năm 2017, thay vì mức dự kiến hiện nay là 1,8% và 1,7% của DZ Bank. Chính phủ Đức thì dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 1,7% năm 2016 và 1,5% năm 2017”. Và Brexit sẽ ngốn 50 tỷ USD của kinh tế Đức, theo Bnews ngày 13/5. 

Nghị viện châu Âu EP có thể bị Bắc Kinh phản đòn vì quyết định mới này, ảnh: lorientlejour.com.
Nghị viện châu Âu EP có thể bị Bắc Kinh phản đòn vì quyết định mới này, ảnh: lorientlejour.com.

Có thể việc EP ra nghị quyết về việc chưa trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc được xem là đáp ứng kip thời mong muốn của người Anh vì ngành thép của nước Anh là chịu thiệt hại lớn nhất trong việc giải bài toán thép giá rẻ của Trung Quốc hiện nay.

Tuy nhiên, đó chỉ là đáp ứng mong ước của nhà sản xuất và lao động làm việc trong ngành thép mà thôi. 

Đại bộ phận người dân Anh không phải đều được lợi từ nghị quyết này. Trong thời buổi khó khăn kinh tế hiện nay, việc gây nguy cơ làm mất đi nguồn cung ứng hàng giá rẻ, ảnh hưởng đến kênh hàng giá rẻ có thể khiến người tiêu dùng thất vọng. Và không chỉ người tiêu dùng, mà cả nhà phân phối cũng bị thiệt hại bởi phán quyết này vì có thể khan hàng giá rẻ.        

Trung Quốc có thể tác động gây nguy cơ tan rã EU

Cho đến giờ phút này, chưa ai dám chắc “Brexit” không xảy ra. Qua thăm dò người dân Anh cho thấy họ vẫn lưỡng lự giữa đi và ở, dù có thể “Brexit” diễn ra thì nước Anh có nhiều thiệt hại và không chỉ về kinh tế. Tuy nhiên, thái độ lưỡng lự của người Anh cho thấy những động thái của lãnh đạo EC, EU hướng về nước Anh chưa đủ niềm tin đảm bảo cho lợi ích của họ.

Việc cố gắng đáp ứng yêu cầu của người Anh để ngăn chặn “Brexit’ khiến cho nội bộ các thành viên trong EU sẽ có mâu thuẫn bởi cách hành xử “nhất bên trọng nhất bên khinh” của lãnh đạo liên minh này. Điều đó không còn là phỏng đoán nữa mà nó đã hiển hiện khi có một số nước cho biết sẽ theo gương Anh tổ chức dân cầu trưng ý xem nên đi hay ở lại EU.

Cũng nên nhớ rằng, khi Tập Cận Bình qua thăm Vương quốc Anh năm 2015 thì kết quả là Tập Cận Bình và David Cameron đã xây dựng nên mối quan hệ “vàng” giữa Bắc Kinh và London   - một hành động được xem là Tập Cận Bình “trả thù” Barak Obama qua vụ bị gạt khỏi TPP, không thể ngọt ngào hơn được nữa.

Theo Financial Times ngày 21/10/2015, thái độ của London trước thềm chuyến thăm Anh của ông Tập Cận Bình là trái ngược với thông điệp cứng rắn của ông Obama. Nhiều quan chức của Anh cho rằng mối quan hệ Anh - Trung đã bước vào một “kỷ nguyên vàng”.

“Thông điệp được gửi đi cho thấy thương mại và hợp tác kinh tế là yếu tố duy nhất định hướng chính sách của Anh đối với Trung Quốc”, chuyên gia Tom Wright thuộc Viện Brookings nhận xét.

Cho dù Bắc Kinh vẫn làm hành làm tỏi người “bạn vàng” của mình qua việc lũng đoạn hàng giá rẻ, nhất là thép giá rẻ, tuy nhiên có thể hiểu Bắc Kinh muốn giúp "bạn vàng" cũng không dễ vì Anh là thành viên của EU. Trung Quốc chỉ có thể “chiều” Anh chứ không thể “chiều” tất cả các thành viên khác của EU, vì tất cả chưa phải là bạn vàng của Bắc Kinh.

Với vị thế mâu thuẫn của mình trong quan hệ với EU và từng thành viên trong EU, khiến cho Bắc Kinh có thể tương kế tựu kế trong việc phản đòn lại EU vì nghị quyết trừng phạt của EP nhằm vào Bắc Kinh. Vị thế của Trung Quốc rất lợi hại vì nó như “rắn hai đầu” nên thể hiện như thế nào cũng có lợi cho họ, hay ít nhất là làm thiệt hai cho đối phương.

Nữ hoàng Anh đón "bạn vàng" Trung Quốc, ảnh: BBC.
Nữ hoàng Anh đón "bạn vàng" Trung Quốc, ảnh: BBC.

Trung Quốc có thể tác động vào Anh và có thể là các nước thành viên khác của EU qua những cơ chế lợi ích riêng biệt khiến cho người dân Anh có thể lựa chọn rời bỏ EU. Khi Brexit xảy ra thì có thể sẽ có nhiều “Brexit” nữa trong tương lai. Bruselss sẽ lối loạn vì EU có nguy cơ tan rã, khi đó Bắc Kinh sẽ có nhiều “bạn vàng” khác nhau tại lục địa này.

Nếu người dân Anh lựa chọn ở lại EU thì chắc chắn EU phải trả giá cho sự lựa chọn ấy không hể rẻ chút nào và không phải chỉ trả một lấn là xong. Chỉ cần một ưu đãi hứa hẹn đặc biệt nào đó của Bắc Kinh cho London sẽ khiến cho EU phải lo sốt vó để đáp ứng yêu cấu của người dân xứ sở sương mù và cũng là lúc phải lo đáp ứng yêu cầu người dân các nước thành viên khác.

Như vậy dù nước Anh có rời khỏi EU hay không, dù Brexit có xảy ra hay không thì nguy cơ rạn nứt trong EU là không thể tránh khỏi. Cứ một chút lợi ích nhỏ giọt Bắc Kinh gửi tới một thành viên nào đó của EU qua cơ chế hợp tác song phương sẽ khiến cho Bruselss phải đau đầu tìm cách đáp ứng nhiều hơn gấp nhiều lần để tránh một mắt xích có thể bị rão.

Trung Quốc đã bị thiệt hại bởi không có lợi thế của nền kinh tế thị trường trong quan hệ với EU, nay nghị quyết của EP có khả năng kéo dài thiệt hại đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có những bước đi có thể gây hậu quả lớn hơn cho EU gấp nhiều lần thiệt hại mà họ nhận lãnh bởi nghị quyết của EP.

Chắc chắn, lãnh đạo Cộng đồng Châu Âu EU, Ủỷ ban Châu  EC, Nghị viện Châu Âu EP đã tính toán chi tiết được mất trong việc trừng phạt Bắc Kinh, song việc ra nghị quyết không trao quy chế thị trường tự do cho Trung Quốc ở thời điểm này là không phù hợp.

Nó có thể khiến EU phải trả giá khi người tiêu dùng có thể mất quyền lợi từ hàng giá rẻ của Trung Quốc và họ có hành động đòi lại.

Ngọc Việt