Hội nghị thượng đỉnh G-7 Ise Shima 2016 tại Nhật Bản đã kết kết thúc với việc ra tuyên bố liên quan nhiều vấn đề quan trọng trên toàn cầu. Và đúng như dự đoán của giới phân tích, yếu tố mang tên Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn tới chương trình nghị sự của hội nghị lần này.
Đặc biệt vấn để tranh chấp trên Biển Đông đã được các nhà lãnh đạo G-7 thảo luận và được thể hiện qua tuyên bố chung của G-7 Ise Shima 2016. Đây có thể là một nỗi thất vọng của Bắc Kinh khi không thể xem Biển Đông là của riêng mình và muốn làm gì tuỳ ý.
Vì vậy, Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng phản ứng về vấn đế này. Với Trung Quốc thì G-7 đã đi quá xa trách nhiệm của mình và chắc chắn Bắc Kinh sẽ có những bước đi tiếp theo, mà không khó đoán sẽ là những hành động xem thường dư luận quốc tế và bất chấp luật pháp quốc tế như họ vốn đã thể hiện bấy lâu nay.
G-7 Ise Shima 2016 chỉ trích Putin vô hình chung tặng quà cho Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng đặc biệt đáng lưu ý là, trong tuyên bố của G-7 Ise Shima 2016 còn nhấn mạnh và tiếp tục khẳng định một lần nữa về việc trừng phạt đối với Liên bang Nga:
"Chúng tôi tái khẳng định tuyên bố lên án nước Nga về việc sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea và tái khẳng định chính sách không công nhận, trừng phạt với các bên liên quan".
Mặc dù các nhà lãnh đạo G-7 tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Moscow để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhưng tuyên bố Ise Shima 2016 vẫn ghi rõ:
"Chế độ trừng phạt có thể được dỡ bỏ khi nào Nga thực hiện trọn vẹn các cam kết. Trong đó, chúng tôi sẵn sàng ban hành thêm biện pháp hạn chế nếu như nảy sinh đòi hỏi do hành động của phía Nga".
Như vậy là qua Ise Shima 2016, G-7 đã “chỉ mặt gọi tên” cả Nga và Trung Quốc, nhắc nhở và chấn chỉnh cả Bắc Kinh và Moscow trong những vấn đề mà họ không muốn đề cập tới.
Chắc chắn cả Tập Cận Bình và Putin đều không muốn tuyên bố của G-7 Ise Shima 2016 nhắc gì tới họ, nhưng họ đã không tránh được. Khủng hoảng tại Ukraine lẫn xung đột tại Biển Đông đều được nhắc tới với những lời lẽ không hề dễ chịu đối với cả Kremlin và Trung Nam Hải.
Theo cá nhân người viết, nếu G-7 Ise Shima 2016 đã tước mất của Putin những tia hy vọng, tiếp tục buộc Nga có thể phải trả giá ít nhất cho nước cờ tàn Ukraine, thì cùng lúc đó G-7 Ise Shima 2016 lại tặng cho Tập Cận Bình những món quà hấp dẫn.
Vì vậy, bên ngoài có thể Bắc Kinh vẫn tiếp tục chỉ trích G-7 Ise Shima 2016, nhưng bên trong chắc chắn Tập Cận Bình sẽ nhanh chóng khai thác triệt để giá trị của những món quà đặc biệt này.
G-7 Ise Shima 2016 dồn Putin vào chân tường
Có thể thấy rằng, việc Kremlin phải thực hiện hiệp định hoà bình Minsk để giải quyết nước cờ tàn Ukraine đã là điều kiện bắt buộc mà Tổng thống Obama đã nêu lên trong chuyến kinh lý đến Châu Âu hồi tháng 4/2016.
Vì vậy, việc đưa vấn đề này vào tuyên bố G-7 Ise Shima 2016 là không cần thiết, song hậu quả của nó thì không nhỏ. Qua đó cho thấy G-7 quyết triệt Nga, buộc Putin phải thừa nhận sai lầm, chứ không chỉ như hành động vượt quá “phòng vệ chính đáng”.
Như người viết đã từng phân tích, Tổng thống Nga Putin đã nhận ra mình hành xử không chuẩn xác trong việc tham gia vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine và việt vị trong ứng phó với Thổ Nhĩ Kỳ trong “sự kiện 17 giây” nên khiến cho nước Nga của ông đang phải chịu hậu quả của “cấm vận kép”.
Ông Putin đã phải đi nhiều nước cờ giải vây và không tiếp tục dấn sâu vào hai nước cờ không lối thoát này.
Bắc Kinh sẽ khiến G-7 phải hành động |
Trước khi Obama đặt ra điều kiện tiên quyết, Putin đã dần thể hiện thái độ không làm phức tạp thêm tình hình tại Ukraine.
Cụ thể là Moscow không đáp ứng nguyện vọng của người dân tại hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk khi không xem xét sáp nhập hai thực thể này vào nước Nga.
Kremlin cũng thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giải quyết khủng hoảng, khi tham gia ký kết thoả thuận Minsk nhằm mang lại hoà bình cho Ukraine.
Sau khi nhận được yêu cầu tiên quyết của người đứng đầu Nhà Trắng trong việc giải quyết nước cờ tàn Ukraine, Moscow đã thể hiện thiện chí của mình.
Đó là Nga kêu gọi các bên xung đột không tiếp tục tái diễn những căng thẳng ở miền đông Ukraine trong khi thực hiện thỏa thuận Minsk, hãng thông tấn TASS ngày 13/5 dẫn lời Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho hay. Khi Ukraine thông báo xây dựng bức tường ngăn Lugansk với Nga, Kremlin không phản ứng tiêu cực.
Những động thái đó của Moscow chứng tỏ người Nga đã chủ động thực hiện những bước đi để hy vọng sớm thoát cấm vận. Ngay sau “sự kiện Crimea”, hội nghị thượng đỉnh G-7 năm 2014 đã quyết định tạm dừng cơ chế G-8 để trừng phạt Nga, đồng thời áp đặt cấm vận chống Nga.
Điều đó đã khiến Nga thấm đòn và ngày càng mệt mỏi. Tuy nhiên, sau 2 năm với nhiều động thái tích cực của Nga mà G-7 vẫn tiếp tục lên án Moscow khiến cho sức ép với Kremlin không hề giảm.
Có thể thấy rằng với tuyên bố Ise Shima 2016, thực sự G-7 đã dồn Nga vào chân tường mà để thoát khỏi bế tắc hiện nay, Moscow phải “thân bại danh liệt”. Đương nhiên, Putin không thể chấp nhận để nước Nga mất đi cái thế, thể diện của mình đến như vậy.
Và thật sự Nga cũng đang tìm và đã tìm ra hướng đi khả dĩ cho mình với nhiều hy vọng. Song sự khả quan của hướng đi và hiệu quả của những bước đi của Kremlin phụ thuộc rất nhiều vào vị thế của nước Nga, nhất là với G-7.
Vì vậy, khi G-7 thông qua tuyên bố Ise Shima 2016 sẽ làm mất đi cái thế của nước Nga, qua đó sẽ khiến cho Nga có thể thất bại trong một số thoả thuận, thua thiệt trong một số quan hệ với các đối tác.
Điều đó không khác gì tước bỏ cơ hội có thể giúp Moscow thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện nay và Kremlin như bị dồn vào chân tường trong tình thế ngặt nghèo. Người viết cho rằng, chắc chắn Putin sẽ nghiêng hẳn về Tập Cận Bình để mong nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
Ise Shima có thất bại của Shinzo Abe
Có thể nhận định rằng, mục đich chuyến thăm nước Nga của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lớn hơn rất nhiều kết quả mà ông hy vọng đạt được trong hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cộng sự.
Trong G-7, Nhật Bản là quốc gia có nhiều quyền lợi gắn với nước Nga nhất, không chỉ là “láng giềng liền dậu liền sân”, mà còn gắn liền với chiến lược mới của Abenomics. Do vậy, chắc chắn Tokyo cảm thấy rất bứt rứt khi phải thực thi cấm vận với Moscow.
Người viết cho rằng Tokyo mong muốn sớm tái lập G-8 qua đó phục hồi vị thế cho Moscow.
Bởi lẽ “Thủ tướng Shinzo Abe muốn cải thiện quan hệ với Liên bang Nga để khôi phục sự cân bằng vũ lực trong khu vực và có những biện pháp đề phòng Trung Quốc thực hiện mưu đồ làm bá chủ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nỗ lực để ngày càng trở nên độc lập hơn trước sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ”, theo Forbes ngày 25/5.
Có thể thấy rằng, vị thế siêu cường quân sự của Nga, dù có bị ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế, nhưng chưa hề suy giảm hay thay đổi. Thậm chí vị thế ấy còn đang được khẳng định khi có nhiều bàn cờ chính trị mới hình thành đe doạ an ninh và sự ổn định của nước Nga.
Vị thế siêu cường quân sự của Nga đã kiềm chế hữu hiệu những sự quá đà của NATO và hiệu chỉnh có hiệu quả sự ngang ngược của Trung Quốc.
Phía sau việc NATO chọn thành viên thứ 29 |
Mặt khác, nước Nga đang là nạn nhân của suy giảm kinh tế toàn cầu. Nhưng chính sự suy thoái của kinh tế Nga cũng là nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế thế giới chậm khởi sắc.
Ngoài giá dầu thô giảm là yếu tố quan trong khiến kinh tế Nga “làm khổ” nền kinh tế thế giới, thì thị trường tiêu dùng và công nghiệp, dịch vụ của nước Nga suy giảm cũng góp phần làm cho bức tranh kinh tế thế giới thêm ảm đạm.
Vai trò và vị thế của nước Nga rất quan trọng với Abenomics, nhất là khi tái cơ cấu của Tập Cận Bình đã khiến cho Abenomics không thể phát huy hiệu quả.
Đặc biệt với chính sách an ninh mới của Thủ tướng Abe khiến cho Tokyo phải nhanh chóng kết thúc, hoặc phải có những hướng giải quyết khả dĩ để có thể kết thúc tranh chấp lãnh thổ với Moscow. Trong khi đó, quan hệ song phương Nhật – Mỹ không phải luôn mang lại kết quả như mong muốn của Tokyo.
Việc không nương tay cho hàng hoá Nhật Bản trong việc áp thuế chống bán phá giá có thể sẽ không dừng lại, thậm chí còn quyết liệt hơn khi có đổi thay chính trị tại Mỹ.
Điều đó không thể không ảnh hưởng tới quyền lợi của Nhận Bản khi “một lòng một dạ” theo Hoa Kỳ mà từ chối tham gia AIIB với những lợi ích đầy hứa hẹn, nhất là khi ngành ngân hàng và tài chính Nhật Bản phải chịu thiệt hại rất lớn vì chính sách lãi suất âm.
Điều đó cũng ành hưởng tới vị thế của Tokyo khi cùng với Washington vận hành cơ chế điều tiết TPP và xây dựng cơ chế kiểm soát xung đột tại Biển Đông.
Tuy nhiên, những thua thiệt ấy sẽ có thể giảm thiểu hay được khắc phục nếu Tokyo xây dựng được quan hệ đối tác thân thiện với Moscow. Vì vậy, không khó đoán rằng Thủ tướng Abe rất hy vọng G-7 nhẹ tay với Nga và Tokyo có thể là nhân tố giúp Moscow khôi phục vị thế và tái lập G-8.
Song Thủ tướng Abe đã không thực hiện được mong muốn đó và việc G-7 Ise Shima 2016 lên án Nga một lần nữa, được xem là một thất bại của Abe trong hội nghị thượng đỉnh G-7 lần này.
Và đây được xem là món quà thứ hai mà G-7 lần này tặng cho Tập Cận Bình. Dù nhức mắt vì Ise Shima 2016 lôi Biển Đông vào bàn đàm phán rồi ra tuyên bố, nhưng Bắc Kinh không thể không hân hoan với món quà giá trị này.
Tập Cận Bình sẽ làm gì để khai thác giá trị của những món quà mà G-7 trao tặng?
Người viết cho rằng, không khó để nhận diện 3 động thái mà Bắc Kinh có thể thực hiện thời hậu G-7 Ise Shima 2016. Thứ nhất, Bắc Kinh có thể đi đêm với “bạn vàng” London để khiến cho việc nước Anh rời khỏi EU – Brexit - trở nên gần hơn với hiện thực.
G-7 đang đẩy Putin, Tập Cận Bình xích lại gần nhau, ảnh: The Wall Street Journal. |
Chí ít Trung Quốc cũng sẽ làm tăng cái giá mà EU phải trả cho việc ngăn chặn “Brexit” diễn ra. Cả hai tình huống này đều khiến cho EU và G-7 phải trả giá không hể rẻ chút nào. Và điếu đó không phải là không thể với Bắc Kinh.
Thứ hai, Bắc Kinh sẽ sử dụng công cụ để “xúi bẩy” khiến Moscow cực đoan hơn với Mỹ và đồng minh, từ đó nâng tầm quan hệ Nga – Trung. Những lời lẽ của G-7 Ise Shima 2016 đã khiến cho Bắc Kinh và Moscow trở nên đồng cảm với nhau hơn.
Nay Tập Cận Bình chỉ cần thân thiện thêm một chút, chia sẻ với khó khăn hiện tại của nước Nga thêm một chút nữa thì việc Putin biến nước Nga thành sân sau của Trung Quốc là hoàn toàn có thể.
Khi đó, tại mặt trận Biển Đông, liên minh Nga – Trung sẽ phân chia lợi ích và tầm ảnh hưởng, qua đó có thể đối phó hữu hiệu với cơ chế điều phối của liên minh Nhật – Mỹ.
Nếu Tập Cận Bình thắng Obama trong ván cờ Australia thì có thể tình hình Biển Đông sẽ rất phức tạp, sự ngang ngược của Bắc Kinh có thể còn quá quắt hơn. Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm mà Mỹ và đồng minh không lường trước khi quan trọng hoá nước cơ tàn Ukraine với Putin.
Thứ ba, bộ đôi Putin - Tập Cận Bình sẽ phối kết hợp gây chia rẽ G-7 với việc đột phá vào hai mắt xích quan trọng là Tokyo và London. Việc Tập Cận Bình thúc đẩy sự thân thiết giữa các mối quan hệ Putin – Abe và Tập Cận Bình – Cameron là hoàn toàn có thể diễn ra trong thời gian tới.
Và mức độ thân thiện của các mối quan hệ trên càng nâng lên thì nguy cơ liên minh cấm vận Nga tan rã càng gia tăng. Có thể thấy rằng, việc trả đũa G-7 Ise Shima 2016 sẽ khiến bộ đôi Putin – Tập Cận Bình khắng khít, gắn kết hơn nhưng lại cực đoan hơn.
Nếu như trước đây Moscow và Bắc Kinh còn nghi ngại, thăm dò nhau thì nay nhờ Ise Shima 2016 có thể giúp hình thành liên minh chiến lược toàn diện kinh tế - chính trị - quân sự Nga – Trung. Khi điều ấy được hiện thực hoá thì đó là lúc Bắc Kinh và Moscow chứng minh cho nhận định của Forbes: “G-7 đã hết thời của mình”.
Tóm lại, việc lên án và tái khẳng định trừng phạt nước Nga cho thấy Obama cay cú Putin đến mức nào khi “vuốt mặt không nể mũi” qua sự kiện Crimea. Song Obama còn cay đắng hơn khi Tập Cận Bình tương kế tựu kế, biến hiệu ứng của việc trừng phạt nước Nga thành món quà nhiều giá trị và đấy ý nghĩa cho mình.
Có thể thấy rằng sự khinh suất của Tổng thống Obama và các đồng minh đã có thể làm hại chính họ, đó là tạo công lực cho bộ đôi Putin – Tập Cận Bình trong việc hoá giải tuyên bố Ise Shima.