“Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có một nhiệm vụ rất quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay, đó là quảng bá thương hiệu chính sách kinh tế Abenomics của mình cho thế giới.
Shinzo Abe muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo những nền kinh tế phát triển nhất thế giới rằng, tất cả họ nên đồng ý chi thêm tiền cho nền kinh tế để ngăn chặn cuộc một khủng hoảng kinh tế tiếp theo. Song ông đã thất bại”, BBC ngày 27/5 bình luận.
Khi Hội nghị thượng đỉnh G-7 kết thúc với tuyên bố chung Ise Shima 2016, ông Shinzo Abe chỉ hoàn thành được một nửa mục tiêu đặt ra, đó là có được một thỏa thuận mà G-7 khẳng định tăng trưởng toàn cầu là một ưu tiên khẩn cấp cùng với những cảnh báo những rủi ro, đặc biệt là hậu quả nếu Brexit xảy ra.
Song Thủ tướng Nhật Bản đã không nhận được một kế hoạch hành động chung cho việc tăng chi tiêu chính phủ mà theo ông Abe, đó là cách tốt nhất để thoát ra khỏi suy thoái.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron đã không đồng ý với quan điểm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi họ khẳng định rằng, thắt lưng buộc bụng là con đường phía trước mà các nền kinh tế thế giới phải vượt qua để thoát khỏi suy thoái.
Vì vậy, trong tuyên bố Ise Shima 2016 G-7 đã nêu lên rằng, mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt riêng của mình để kích thích nền tài chính, một đường vòng để phủ nhận quan điểm của ông Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Reuters. |
Có thể thấy rằng, trên phương diện kinh tế, Hội nghị thượng đỉnh G-7 Ise Shima 2016 là một sự thất bại “toàn diện” với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mà cụ thể là Abenomics, khi cả không gian và công cụ của nó đểu không được G-7 lưu tâm.
Thu hẹp cửa của Nga đồng nghĩa với việc trì hoãn tái lập G-8 khiến cho Bắc Kinh và Moscow cực đoan hơn, không gian của Abenomics trong ngoại giao kinh tế không thể mỏ rộng, khiến cho liên minh Á - Âu này có thể khai thác mất cơ hội của Tokyo.
Khi G-7 không có kế hoạch chung về tăng chi tiêu cho nền kinh tế thì có nghĩa, công cụ tài chính mà Thủ tướng Abe hy vọng có thể kích cầu, thúc dẩy tăng trưởng không được sử dụng.
Điều đó rất quan trọng vì ông Abe đã hy vọng có được sự ủng hộ quốc tế để Tokyo có thể trì hoãn tăng thuế tiêu thụ, một giải pháp được dự đoán là phải thực hiện trong năm 2017. Bởi lẽ, tăng thuế tiêu thụ để đảm bảo chi tiêu ngân sách sẽ làm cho giá cả có thể tăng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.
Như vậy là Thủ tướng Abe vừa tìm ra phương cách có thể thách thức Tập Cận Bình, đảm bảo cho Abenomics có thể hoá gỉải những tác hại bởi tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc, thì nay lại bị G-7 làm giảm công hiệu bởi hạn chế không gian, kiềm chế công cụ của Abenomics.
Điều này sẽ khiến cho Tokyo có thể lại bị Bắc Kinh tiếp tục hạ đo ván, nếu chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe không kịp thời tìm ra những công cụ hữu hiệu khác để vận hành Abenomics trong việc kéo kinh tế Nhật khỏi suy thoái kéo dài.
Cái bẫy "cốc mò cò xơi"
Như người viết đã phân tích, trong ba chiến lược kinh tế của tái cơ cấu, Abenomics của Tokyo chỉ còn có thể hy vọng chiến thắng với chiến lược khuyến khích đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh. Và Chính phủ Nhật Bản đang nhanh chóng thúc đẩy chiến lược kinh tế quan trọng này.
Những hiệp định đầu tư với nước ngoài đã mang lại nhiều hiệu quả cho phát triển kinh tế của Nhật Bản trong lịch sử, nhưng Tokyo một thời gian khá dài không sử dụng, cho đến khi thất bại lên tiếp trước Bắc Kinh.
Song ai cũng biết, đầu tư ra nước ngoài luôn gắn liền yếu tố vốn, bao gồm khả năng cung ứng vốn của Nhật Bản và khả năng tiếp nhận vốn của thực thể kinh tế mà doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới.
Đối với công cụ tài chính – vốn của Nhật Bản, khi “mang chuông đi đánh xứ người” thì phải bào gồm cả tài chính doanh nghiệp và tài chính công. Trong việc hướng mạnh đầu tư ra nước ngoài thì tài chính doanh nghiệp được xem là vũ khi tấn công, còn tài chính công là vũ khí phòng thủ.
Hiểu một cách nôm na là tài chính doanh nghiệp có nhiệm vụ làm cho kinh tế Nhật lớn lên ở nước ngoài qua những thành công trong việc hợp tác đầu tư ở xứ người.
3 mục tiêu của Abenomics, ảnh: Bloomberg. |
Còn tài chính công có nhiệm vụ làm cho kinh tế Nhật lớn mạnh ở trong nước, thông qua chính sách kích thích chi tiêu của chính phủ, trong đó có đầu tư công và kích cầu nội địa.
Tài chính công có nhiệm vụ “giữ nhà ổn định”, và tài chính doanh nghiệp có nhiệm vụ “đi kiếm tiền xây sửa nhà”.
Với nhiệm vụ và chức năng như vậy của tài chính công và tài chính doanh nghiệp trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, khi G-7 không đồng thuận trong việc tăng chi tiêu chính phủ - nghĩa tài chính công sẽ bị bó hẹp và không thể làm tốt nhiệm vụ của mình.
Điều đó sẽ khiến cho tài chính doanh nghiệp phải chia sẻ, cùng gánh vác nhiệm vụ với tài chính công, nghĩa là phải tập trung vào những hoạt động kinh tế nội địa.
Trong khi đó, như người viết từng phân tích, kinh tế Nhật Bản suy thoái kéo dài và kích cầu nội địa không phải là biện pháp khả thi nhất có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng vì những rào cản mang tính định hình của kinh tế - xã hội Nhật Bản.
Vì vậy, việc tăng thuế để đảm bảo chi tiêu cho ngân sách là biện pháp phải tính tới, thậm chí phải tính gấp, bởi lẽ chi cho phúc lợi xã hội tại Nhật Bản là khoản chi lớn và thường xuyên tăng.
Khi những hiệp định đầu tư được Nhật Bản ký kết với nước ngoài nhưng không thể khai thác hoặc khai thác không hết những mục đích và cơ hội mà nó mang lại, lúc đó sẽ diễn ra hai tình huống, cả hai đều bất lợi cho Nhật Bản.
Thứ nhất, những thực thể kinh tế khát vốn của Nhật Bản sẽ phải tìm vốn ở những nguồn khác và hiệp định đầu tư với Nhật Bản sẽ chỉ lớn trong câu chữ, trong triển vọng, còn thực tế thì chỉ là những nhỏ bé và thiếu sức hút. Và Bắc Kinh sẽ không để vuột mất cơ hội này.
Thứ hai, cả Nhật Bản và đối tác phải tìm một đối tác thứ ba để có thể khai thác những hiệp định đầu tư ấy. Khi đó, Nhật Bản chỉ còn tiếng nói quyết định dưới 50% với những chủ trương hay kế hoạch đầu tư tại nước ngoài của mình.
Khi giảm vai trò quyết định thì sự phụ thuộc sẽ tăng lên và rõ ràng đây là cơ hội tốt cho Bắc Kinh nhày vào khai thác những hiệp định này trong cơ chế hợp tác tay ba. Bắc Kinh sẽ khai thác tối đa những lợi ích của Nhật Bản từ những hiệp định chính hiệu “Made by Japan” ấy.
Shinzo Abe chính thức thách thức Tập Cận Bình |
Như vậy là, với bao ưu tiên, bao công sức bỏ ra để có được những hiệp định béo bở, nhưng vì những công cụ bị G-7 kiềm chế nên Tokyo phải ngậm đắng nuốt cay nhìn Bắc Kinh hưởng lợi từ Abenomics tại xứ người.
Có thể thấy rằng, việc G-7 tước bỏ công cụ của Abenomics gây ra những nguy hại rất lớn cho kinh tế Nhật Bản. Nó kìm chế sự phát triển kinh tế nội địa của Nhật Bản, nó hạn chế sự phát triển kinh tế đối ngoại của Nhật Bản.
Trung Quốc đang tăng cường sở hữu tài sản tại nước ngoài, bao gồm trái phiếu chính phủ, bất động sản, những doanh nghiệp hay đơn vị kinh doanh từ đầu tư sản xuất công nghệ cao đến dịch vụ giải trí cao cấp.
Thậm chí, Bắc Kinh còn tiến đến sở hữu cả sàn giao dịch chứng khoán trên đất Mỹ hay những phát minh, sáng chế mà nhờ đó đã mang đến thành công cho Nhật Bản trong thế kỷ trước.
Vì vậy, cũng không gì là bất thường nếu Bắc Kinh sẽ sở hữu những hiệp định béo bở mà cố gắng lắm Tokyo mới có được nhờ lợi thế của mình.
“Thủ tướng Abe cho rằng, hai điều khiến ông trì hoãn thuế tiêu thụ trong năm tới là thảm họa từ các trận động đất ở Kyushu và tránh sử dụng liệu pháp sốc kiểu Lehman.
Trong hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh rằng, nếu kích thích tài chính không được thông qua, một cuộc khủng hoảng theo “phong cách Lehman” thể chạm tới tất cả các nền kinh tế thế giới, khi liệu pháp sốc kiểu Lehman được thực hiện”, theo BBC.
Trung Quốc dễ thành ngư ông đắc lợi
Có thể thấy rằng việc G-7 không ủng hộ tăng chi tiêu chính phủ sẽ khiến cho tài chính công của chính phủ Nhật Bản trở nên yếu đi.
Khi không thế tăng thuế vì thiệt hại bởi thảm hoạ thiên nhiên, thì có thể Tokyo phải thực hiện liệu pháp sốc kiểu Lehman, nghĩa là tăng nợ công để có tiền chi tiêu cho các chương trình kinh tế - xã hội và đầu tư công.
Tuy nhiên, khi “Lehman form Japan” triển khai thì không chỉ kinh tế Nhật Bản có nguy cơ của một cuộc khủng hoảng, mà nhiều nền kinh tế toàn cầu có thể ngả nghiêng.
Có thể thấy rằng, việc Tokyo gia tăng nợ công trong lúc này là việc chẳng đặng đừng vì nó rất nguy hiểm. Khi kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi hẳn sau một thời gian dài suy thoái thì việc tăng nợ công chẳng khác nào đi vay tiền về ăn tiêu mà còn phải trả lãi.
Không vay nợ, không tăng thuế thì ngân sách không đảm bảo, khiến cho các chương trình và mục tiêu kinh tế thường niên không thể hoàn thành sẽ là một gánh nặng cho chính phủ Nhật Bản.
Vì vậy, khi G-7 tước bỏ công cụ của Abenomics thì để đảm bảo ổn định xã hội và phát triển kinh tế, Tokyo buộc phải mạo hiểm. Trong việc tăng thuế và tăng nợ công thì rõ ràng biện pháp thứ hai nhân văn hơn, thể hiện trách nhiệm của chính phủ Nhật Bản trong việc chỉa sẻ với mất mát của người dân trong thảm hoạ thiên tai.
Tuy nhiên, nó sẽ đưa chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe rơi vào thế kẹt khi khả năng kích thích tăng trưởng bị bó hẹp.
Nếu kéo dài và nhịp độ tăng trưởng kinh tế không hồi phục nhanh và mạnh thì nguy cơ Abenomics có thể phá sản bởi tác hại của liệu pháp sốc “Lehman form Japan”. Mà điều đó là hiển hiện chứ không chỉ là phỏng đoán nữa.
Khi kinh tế suy thoái mà thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” thì chi tiêu của chính phủ Nhật Bản chỉ đủ cho phúc lợi xã hội, vốn rất lớn vì dân số già và các chi phí đắt đỏ.
Narendra Modi thách thức Tập Cận Bình |
Việc vay nợ và ăn vào vốn vay là rõ ràng. Khi tài chính công yếu, tài chính doanh nghiệp phải chia sẻ trong thời buổi khó khăn khiến cho nền tài chính của Nhật Bản bị bó hẹp trong những dự án nhỏ và đối mặt với áp lực phải phát sinh hiệu hoả nhanh.
Điều đó giống như đầu tư “mì ăn liền”, trái với truyền thống của doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng lại giống với kiểu cách của doanh nghiệp Trung Quốc.
Những lợi thế so sánh vốn làm nên thương hiệu là uy tín của doanh nghiệp Nhật Bản nay không thể phát huy, mà ngược lại, Tokyo phải vận dụng kiểu làm ăn của doanh nghiệp Trung Quốc.
Một khi đã “cà mè một lứa” với doanh nghiệp Trung Quốc thì doanh nghiệp Nhật Bản không thể chiến thắng bởi đối phương có đầy những mưu mô đã trở thành thủ thuật. Như vậy là Abenomics giảm công lực, và qua đó tái cơ cấu của Tập Cận Bình “bất chiến tự nhiên thành”.
Tóm lại, tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh G-7 Ise Shima 2016 có thể tạo ra một bước ngoặt với Abenomics, mà hướng ngoặt của nó là thay đổi vị thế của Abenomics với “tái cơ cấu” của Tập Cận Bình.
Qua đó những chính sách kinh tế của Tokyo khó có thể đạt được những hiệu quả tối đa bởi sự kiểm toả của những chính sách từ Bắc Kinh và kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi trong quan hệ với kinh tế Trung Quốc.
Thủ tướng Shinzo Abe gần như đã bị G-7 bó tay bó chân trong cuộc so găng với Tập Cận Bình, nhưng ông đã không thể thuyết phục các đối tác của mình tại G7 về điều đó, theo BBC. Vì vậy Abenomics không thể phát huy công lực khiến cho chiến thắng của Tokyo trong cuộc chiến Trung – Nhật vẫn còn ở phía xa.