Học giả Nga: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc và xung đột khu vực

31/12/2014 06:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Cách tiếp cận của người Trung Quốc đã có những hành động gây tổn thương, xúc phạm đến các nước khác được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Người Trung Quốc đưa cả trẻ nhỏ đi biểu tình chống Nhật Bản, hình minh họa.
Người Trung Quốc đưa cả trẻ nhỏ đi biểu tình chống Nhật Bản, hình minh họa.

Tờ Russian Council ngày 30/12 đăng bài phân tích của Yakov Berger, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga về chủ nghĩa dân tộc trong tiến trình Trung Quốc trở thành một lãnh đạo toàn cầu. Trung Quốc đã nhận thức về thế giới bên ngoài qua lăng kính lịch sử hàng ngàn năm, tượng trưng bởi chính tên gọi với ý nghĩa họ là trung tâm vũ trụ và "thống trị các dân tộc man, di, mọi, rợ". Sau khi bị nước ngoài đô hộ, người Trung Quốc đang nỗ lực tìm lại cái vẻ vĩ đại của mình.

Trong khi giáo dục lòng yêu nước được đẩy mạnh ở Trung Quốc, chính quyền nước này cũng đã phát triển một chính sách đối ngoại để chống đỡ cho chế độ bằng cách tăng cường kinh tế và các đòn bẩy trên thế giới, nhưng chủ yếu là tập trung vào khu vực Đông Nam Á, nơi người Trung Quốc đã "nhúng sâu" vào nền kinh tế các quốc gia này.

Đông Nam Á được xem là trung tâm quan trọng của nguồn tài nguyên, là không gian sống của Trung Quốc trong thế kỷ mới. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với các nước thuộc Liên Xô cũ, đầu tiên là các quốc gia có chung biên giới với họ.

Tuy nhiên cách tiếp cận của người Trung Quốc đã có những hành động gây tổn thương, xúc phạm đến các nước khác được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi ở Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc phát triển rất nhanh và có thể trở thành quan điểm của đa số. Cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000 Trung Quốc đã phát hành hàng loạt ấn phẩm chống phương Tây và Mỹ, phô trương sức mạnh quân sự của mình.

Xu thế chống phương Tây lên đến đỉnh điểm vào năm 1999 khi NATO đánh bom trúng đại sứ quán Trung Quốc ở Belgarde. Theo Bộ Công an Trung Quốc, đã có 700 ngàn người biểu tình, con số này có thể so sánh với thời Cách mạng Văn hóa. Trong 2 năm 2004, 2005 một số thành phố ở Trung Quốc đã chứng kiến các cuộc biểu tình  chống Nhật rầm rộ để phản đối những chi tiết về Chiến tranh Thế giới II trong sách giáo khoa Nhật Bản cũng như những nỗ lực của Tokyo cố gắng sửa đổi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Quan hệ kinh tế chặt chẽ không đủ xây dựng một khu vực ổn định trong khi nó đang bị hủy hoại bởi tranh chấp lãnh thổ và những ký ức đen tối trong lịch sử. Mặc dù Trung Quốc là đối tác kinh tế chính của Nhật Bản, Bắc Kinh vẫn không quên tranh chấp lãnh thổ ở nhóm đảo Senkaku và vấn đề lịch sử thời bị Nhật Bản đô hộ. Tập Cận Bình đã nhắc lại một lần nữa điều này trong lễ kỷ niệm 77 năm ngày xảy ra thảm sát Nam Kinh trong tháng 12/2014.

Do mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á cũng rất bấp bênh. Bắc Kinh đẩy mạnh sự hiện diện (bất hợp pháp) của mình ở Biển Đông, kịch liệt bác bỏ nỗ lực can thiệp của Mỹ và trọng tài quốc tế và tìm mọi cách thúc đẩy đàm phán tay đôi. Để ép buộc các đối thủ đi theo hướng tiếp cận của mình, Trung Quốc đang kết hợp áp lực kinh tế và chính trị, cộng thêm một phần khích lệ.

Trong một số trường hợp, thủ đoạn này đã đạt được một sự nhượng bộ mà Bắc Kinh mong muốn, mặc dù đôi khi các đối thủ của Trung Quốc trở nên kiên cường hơn và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước khác trong khu vực cũng như Hoa Kỳ, học giả Nga bình luận.

Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn bị chi phối bởi tư tưởng muốn thành công lâu dài cần phải chuẩn bị sẵn sàng sử dụng vũ lực. Do đó Bắc Kinh không ngừng tăng chi tiêu cho quốc phòng và phát triển các học thuyết quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang để sẵn sàng thực hiện bất cứ mệnh lệnh, quyết định nào của các nhà lãnh đạo chính trị.

Trong khi đó kinh tế vẫn là phương tiện chính của Trung Quốc để tìm kiếm khả năng gia tăng thống trị khu vực và toàn cầu. Kinh tế đối ngoại được Bắc Kinh kết hợp chặt chẽ với địa chính trị, các lĩnh vực chính của sự cộng sinh này đang ngày càng trở nên đa dạng và các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng tinh vi.

Hồng Thủy