Liên Hợp Quốc cần hành động ngăn bành trướng, chiến tranh ở Biển Đông

23/02/2016 16:18
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Công lý và công luận thiết nghĩ quan trọng và hiệu quả không kém súng đạn Trung Quốc kéo ra Biển Đông, vấn đề còn lại là sự đồng lòng...

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi tới bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc chống bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.

Ngày 15/2 vừa qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức buổi thảo luận mở với chủ đề: "Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc - yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế". Cuộc thảo luận này do Ngoại trưởng Venezuela - Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 2/2016 chủ trì.

Đây là một sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang nghiêm trọng tại Biển Đông, mà lý do là bởi Trung Quốc - một nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết - đã liên tục leo thang quân sự hóa khu vực, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định, tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông, luật pháp quốc tế và trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh.

Vấn đề Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đặt ra trong cuộc thảo luận này rất thời sự, nóng bỏng, cấp bách và cần thiết. Người viết cho rằng, đã đến lúc Liên Hợp Quốc và các cơ quan trực thuộc cần có tiếng nói và hành động để bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình, ổn định cho một trong những tuyến hàng hải trọng yếu hàng đầu của thế giới trên Biển Đông.

Trung Quốc đã leo thang gây hấn như thế nào ở Biển Đông?

Tiến sĩ Trần Công Trục trong chuyến đi tham dự Lễ Khao thề Lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn năm 2013. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục trong chuyến đi tham dự Lễ Khao thề Lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn năm 2013. Ảnh do tác giả cung cấp.

Năm 1947, chính quyền Trung Quốc vẽ ra cái gọi là đường đứt đoạn yêu sách "chủ quyền" đối với gần như 90% diện tích Biển Đông. Yêu sách này còn gọi là đường chữ U, hay đường lưỡi bò.

Trong đó đường lưỡi bò đã trùm lên cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục, hợp pháp ngay từ khi còn là đất vô chủ vào thế kỷ 17, cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và các nước ven Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên phê chuẩn Công ước.

Chính việc theo đuổi hiện thực hóa giấc mộng bành trướng đường lưỡi bò bằng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã gây ra các cuộc hải chiến đẫm máu xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa năm 1974 sau khi đã chiếm nhóm đảo phía Đông Hoàng Sa năm 1956.

Tháng 3 năm 1988, trong khi biên giới Việt - Trung vẫn đì đoàng tiếng súng suốt 10 năm ròng rã kể từ cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam từ khi nổ ra ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã cất quân xâm lược 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Hai trận hải chiến ác liệt do Trung Quốc gây ra đã cướp đi sinh mạng của 74 người con đất Việt ở Hoàng Sa năm 1974, 64 người con đất Việt ở Trường Sa năm 1988. Các anh hy sinh vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Ngày nay nguy cơ ấy lại có khả năng tái diễn khi Trung Quốc theo đuổi quân sự hóa nghiêm trọng Biển Đông.

Năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trong quan hệ hai nước. Nhưng đó chỉ là kế nghi binh cho tàu thuyền Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn khủng khiếp ở 7 thực thể mà họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa từ năm 1988.

Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN tại Sunnylands, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu bật mối lo ngại luật pháp quốc tế bị Trung Quốc chà đạp trên Biển Đông bằng hành động quân sự hóa, chạy đua vũ trang và thống nhất lập trường ASEAN về nguyên tắc ứng xử, Trung Quốc thách thức dư luận bằng cách kéo 8 bệ phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. 

Tên lửa HQ-9, loại vũ khí Trung Quốc vừa kéo ra lắp đặt bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, ảnh: Đa Chiều.
Tên lửa HQ-9, loại vũ khí Trung Quốc vừa kéo ra lắp đặt bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, ảnh: Đa Chiều.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức phản đối, cực lực lên án hành vi đe dọa này. Trong đó Việt Nam đã gửi công hàm phản đối cho chính phủ Trung Quốc, đồng thời đề nghị Liên Hợp Quốc cho lưu hành rộng rãi công hàm phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa mà Trung Quốc gây ra tới tất cả các phái đoàn ngoại giao tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 23/2 hãng Reuters cho biết, hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc có thể đã lắp đặt hệ thống ra đa tần số cao ở đá Châu Viên (một trong 7 thực thể Trung Quốc đánh chiếm bất hợp pháp năm 1988).

Động thái này được tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ cho rằng có thể làm tăng đáng kể khả năng kiểm soát (bất hợp pháp) Biển Đông.

Hai tòa tháp ra đa có thể đã được Trung Quốc xây dựng ở phía Bắc và Nam đá Châu Viên với chiều rộng mỗi cực khảng 20 mét. Ra đa tần số cao trên đá Châu Viên sẽ tăng khả năng của Trung Quốc để kiểm soát bất hợp pháp các hoạt động hàng hải, hàng không từ eo biển Malacca lên Biển Đông.

Hệ thống ra đa tương tự cũng có thể sẽ được lắp đặt thêm ở Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma cùng với sân đỗ trực thăng, ụ súng.

Thông tin này được tiết lộ chỉ một ngày trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong khi đó Nhân Dân nhật báo Trung Quốc còn úp mở khả năng bố trí 4 chiếc Su-35 đầu tiên mua của Nga "tuần tra Biển Đông".

Tất cả những động thái này đang chà đạp nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tiến trình phát triển của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ , sự ra đời của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế về lãnh thổ hàng hải roi rõ những hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông

Để làm rõ nội dung này, trước hết người viết xin lược qua quá trình hình thành các nguyên tắc pháp lý về thụ đắc lãnh thổ trong lịch sử nhân loại. Sự hình thành các quốc gia với đúng nghĩa của nó trên hành tinh này là cả một quá trình mở mang và định hình bờ cõi giữa các quốc gia đã diễn ra trong lịch sử phát triển của nhân loại kể từ thời cổ đại, qua trung đại, đến cận đại và hiện đại.

Thời kỳ lịch sử cổ đại, trung đại, phương thức thụ đắc lãnh thổ phổ biến là bằng những cuộc xâm lăng, chinh phạt, chinh phục, lấn chiếm bằng vũ lực, đồng hóa…

Vòng tròn Bất tử Gạc Ma, ảnh: Bùi Lệ Trang.
Vòng tròn Bất tử Gạc Ma, ảnh: Bùi Lệ Trang.

Chẳng hạn, thời kỳ cổ đại, trung đại, tại lưu vực sông Nin, Tigre, Euphzate, đên lưu vực sông Ấn, sông Hằng, sông Hồng, sông Hoàng Hà, các nhà nước đầu tiên xuất hiện, được củng cố trong những phạm vi lãnh thổ nhỏ hẹp, sau đó mở rộng ra  bằng những cuộc chiến tranh chinh phạt đẫm máu giữa các quốc gia theo quy luật bất thành văn “cá lớn nuốt cá bé”. 

Nhiều quốc gia nhỏ bé bị chinh phục, diệt vong, bị sáp nhập vào các quốc gia hùng mạnh hơn. Đất nước Việt Nam nằm cạnh nước lớn Trung Hoa và trong lịch sử đã từng nhiều lần bị phương Bắc xâm lược. 

Thời gian đô hộ kéo dài cả ngàn năm nhưng không thể dập tắt được khát vọng độc lập, tự chủ, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam, để trải bao thăng trầm các thế hệ cha anh người Việt vẫn giữ được cho con cháu một đất nước độc lập, tự chủ hình chữ S, mở mang lãnh thổ để có được Hoàng Sa, Trường Sa một cách hợp pháp.

Đến thời kỳ đầu cận đại, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu phát triển mạnh. Kết quả là những cuộc viễn chinh đi tìm các miền đất hứa để biến chúng thành thuộc địạ đã trở thành nhu cầu tất yếu và phương thức thụ đắc lãnh thổ đối với các vùng đất vô chủ đã được hình thành.

Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ.

Từ thế kỷ XVI, do sự phát triển và lớn mạnh của các nước như Hà Lan, Anh, Pháp,... trở thành những cường quốc cạnh tranh với các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà theo Sắc lệnh của Giáo hoàng Alexandre VI ký ngày 04/5/1493 đã phân chia khu vực ảnh hưởng cho 2 nước này ở các phạm vi lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu.

Trước thực trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện. Đó là nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu”, hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”. Nguyên tắc này dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho một quốc gia nào đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên. 

Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc “quyền phát hiện” chưa bao giờ tự nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó. Bởi vì, người ta không thể xác định được thế nào là phát hiện, giá trị pháp lý của việc phát hiện, ai là người phát hiện trước, lấy gì để ghi dấu hành vi phát hiện đó…

Vì thế, việc phát hiện đã nhanh chóng được bổ sung bằng việc “chiếm hữu trên danh nghĩa”, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện ra đó.

Mặc dù vậy, nguyên tắc “chiếm hữu trên danh nghĩa” không những không thể giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa”, đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn, hàng vạn hải lý…, mà còn ngày càng dẫn đến những đối đầu quyết liệt hơn giữa các cường quốc vì người ta không thể lý giải được cụ thể cái “danh nghĩa” đã được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào?

Người khổng lồ Rhodes, một hình tượng của Cecil Rhodes sau khi công bố kế hoạch nối đường điện tín từ Cape Town tới Cairo. Nó thể hiện tham vọng bành trường thuộc địa theo hướng Bắc - Nam của Anh tại châu Phi. Ảnh: Wikipedia.
Người khổng lồ Rhodes, một hình tượng của Cecil Rhodes sau khi công bố kế hoạch nối đường điện tín từ Cape Town tới Cairo. Nó thể hiện tham vọng bành trường thuộc địa theo hướng Bắc - Nam của Anh tại châu Phi. Ảnh: Wikipedia.

Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi do 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ tổ chức vào năm 1885 và sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) vào năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thủ đắc mới. Đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.

Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/6/1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và các điều kiện chủ yếu để có việc “chiếm hữu thật sự” như sau:

- Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên.

- Phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng…

Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh: "Mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền… thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Chính Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” của Định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” trong luật pháp quốc tế bao gồm:

- Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.

- Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.

- Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.

- Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ra đời vào ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin năm 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.

Chẳng hạn, Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague vào tháng 4/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; phán quyết của Tòa án Quốc tế của Liên hợp quốc vào tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous…

Tuy nhiên,  những định chế mang tầm vóc quốc tế nói trên cũng không thể ngăn cản được tình trạng sử dụng vũ lực hoăc đe dọa dùng vũ lực để tiếp tục tranh giành thị trường, thực hiện tham vọng bá quyền, tranh chấp lãnh thổ, nhất là đối với các hải đảo, lãnh thổ biển…, các khu vực địa lý có giá trị về địa-kinh tế, địa- chính trị, địa- chiến lược…

Đỉnh điểm của những tranh chấp khốc liệt giữa các nước tư bản là Đại chiến Thế giới lần thứ 1, lần thứ 2 xẩy ra vào những năm đầu của thế kỷ XX, đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng và tàn phá biết bao làng mạc, phố phường, của cải vật chất của nhân loại…và sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nhiều nước trên thế giới bị xâm phạm nghiêm trọng.

Tiếp đến là tình trạng chạy đua vũ trang của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đến nạn khủng bố, tranh chấp sắc tộc, tôn giáo , biên giới, lãnh thổ không ngừng xây ra ở hầu khắp hành tinh này… 

Để ngăn chặn những hiểm họa chiến tranh do những tham vọng bá chủ thiên hạ, xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được ký ngày 26-6-1945 ở thành phố San Francisco và có hiệu lực từ ngày 24-10-1945.

Với sự ra đời của Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể nói văn kiện này đã trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế cao nhất để bảo vệ sự tồn tại của các quốc gia, với tư cách là các thực thể trong quan hệ quốc tế thời hiện đại. Về nguyên tắc, nó là vũ khí được sử dụng để vô hiệu hóa các phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng sức mạnh đã tồn tại trong các thời kỳ lịch sử trước đây.

Đấy chính là lý do lý giải cho câu hỏi tại sao mãi đến đầu thế kỷ 20, quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia là hành động hợp pháp và đấy cũng chính là nội dung trả lời câu hỏi vì sao trong Hiến chương Liên Hợp Quốc lại có điều khoản:

“Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.

Đã đến lúc Liên Hợp Quốc cần vào cuộc, bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Với những hành vi nêu trên của Trung Quốc khi đem đặt dưới ánh sáng Công pháp quốc tế mà cao nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể thấy rõ sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974, hải chiến Gạc Ma 1988 là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt hơn nữa là Trung Quốc đã chà đạp Hiến chương Liên Hợp Quốc ngay với tư cách một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an.

Nguy hiểm hơn nữa, những hành vi đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực đang có nguy cơ lặp lại trên Biển Đông, mà lần này đối tượng bị hại không chỉ còn là riêng Việt Nam, mà còn cả khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới có lợi ích cốt lõi trong tuyến đường biển huyết mạch chạy qua Biển Đông.

Chưa bao giờ Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 lại bị Trung Quốc ngang nhiên thách thức, chà đạp như hiện nay trên Biển Đông, bất chấp phản đối của các bên liên quan.

Thậm chí là ngay cả cơ quan tài phán quốc tế, như trường hợp Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan đang thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông cũng đang bị Trung Quốc chống đối tới cùng.

Nếu tiếp tục để Trung Quốc lộng hành ngang ngược ở Biển Đông, đe dọa các nước khác, bất chấp luật pháp quốc tế mà nhân loại văn minh phải mất bao xương máu, mồ hôi, trí tuệ để xây dựng lên nhằm giữ gìn hòa bình cho ngôi nhà chung nhân loại, thì những nguyên tắc cơ bản và giá trị phổ quát của nhân loại mà cao nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc có nguy cơ bị Bắc Kinh ném vào sọt rác.

Thiết nghĩ đã đến lúc các bên liên quan như Việt Nam, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản...cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc để ngăn chặn hậu quả nguy hại của những hành vi leo thang trên Biển Đông, bảo vệ luật pháp và công lý, bảo vệ phán quyết của PCA tới đây.

Cá nhân người viết tin rằng có thể chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tính đến điều này, đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các diễn đàn khác. Vũ khí công lý và công luận thiết nghĩ quan trọng và hiệu quả không kém súng đạn Trung Quốc kéo ra Biển Đông, vấn đề còn lại là sự đồng lòng, đoàn kết và hành động.

Ts Trần Công Trục