South China Morning Post ngày 3/2 có bài xã luận kêu gọi Bắc Kinh và Washington nỗ lực đối thoại để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tờ báo này cho rằng, hoạt động tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) hôm 30/1 "sẽ chỉ làm tăng căng thẳng" ở khu vực mà Việt Nam và Đài Loan cùng yêu sách chủ quyền.
Chỉ vài ngày sau chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh đầu năm 2016, Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra đảo Tri Tôn để thách thức mọi cố gắng nhằm hạn chế quyền tự do đi lại trên biển. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, đơn vị quân sự nước này đồn trú (bất hợp pháp) ở Tri Tôn đã cảnh báo tàu chiến Mỹ khi nó tiến vào 12 hải lý.
Thủy thủ hải quân Mỹ trên tàu khu trục USS Curtis Wilbur, ảnh: Stripes.com. |
Mỹ tuyên bố, mục đích hoạt động tuần tra này là nhằm thách thức "đòi hỏi quá mức dẫn đến hạn chế quyền tự do đi lại trong khu vực" của cả 3 bên yêu sách là Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Đây là một sự hiểu lầm và đánh đồng đáng tiếc, mà Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã có bài phân tích phía dưới.
South China Morning Post bình luận: "Đây được xem như cách Mỹ gửi thông điệp tới Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa mới sau Đại hội 12 và nhà lãnh đạo Đài Loan mới được bầu Thái Anh Văn rằng, các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông sẽ được Mỹ tiếp tục".
Hoạt động tuần tra ở Tri Tôn diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Mỹ tuần tra bên trong 12 hải lý đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). South China Morning Post cho rằng, đây là lần đầu tiên Mỹ thách thức "yêu sách chủ quyền" mà Trung Quốc tuyên bố ở Hoàng Sa:
"Ngoại trừ Việt Nam, không một quốc gia nào từng thách thức quyền sở hữu của Trung Quốc ở Hoàng Sa kể từ cuộc xung đột hải quân năm 1974. Điều này tự nhiên khiến người ta nghi ngờ rằng Mỹ đang cố gắng để khuấy động một vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam."
Cần lưu ý rằng, Nhà nước Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa kể từ khi còn là đất vô chủ vào thế kỷ 17 và quản lý, thực thi chủ quyền với Hoàng Sa (cũng như Trường Sa) một cách hợp pháp, hòa bình, liên tục. Năm 1909, Trung Quốc bắt đầu nhảy vào tranh chấp Hoàng Sa với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ trái phép lên đảo Phú Lâm rồi rút ngay.
Tại sao Mỹ lại chọn quần đảo Hoàng Sa để ra tay? |
Năm 1956 lợi dụng cuộc chiến ở Đông Dương, Trung Quốc xua quân chiếm đóng trái phép nhóm đảo nửa phía Đông Hoàng Sa. Năm 1974, thừa cơ Việt Nam đang tiến hành cuộc Kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa và chiếm đóng trái phép từ đó đến nay, bất chấp mọi phản đối thường xuyên, liên tục của Việt Nam.
Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, đối thoại một cách hòa bình. Lãnh đạo nước này, ông Đặng Tiểu Bình trước đây cũng đã từng cam kết sẽ để lại bàn sau, nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn khăng khăng không chịu đàm phán, đối thoại gì liên quan đến Hoàng Sa sau khi đã chiếm trọn quần đảo này của Việt Nam.
Như vậy, nói Mỹ thách thức "quyền sở hữu của Trung Quốc ở Hoàng Sa" như South China Morning Post có 2 điều không chính xác. Thứ nhất, Trung Quốc không có cái gọi là "quyền sở hữu" đối với Hoàng Sa (và Trường Sa), còn việc họ có yêu sách sai trái với 2 quần đảo này lại là chuyện khác. Dùng vũ lực chiếm đoạt không thể giúp Trung Quốc xác lập được "chủ quyền" hợp pháp với Hoàng Sa, Trường Sa.
Thứ hai, Hoa Kỳ luôn nhất quán và rõ ràng trong tuyên bố và hành động, đó là trung lập trong vấn đề chủ quyền các thực thể ở Hoàng Sa, Trường Sa. Có thể nói chủ quyền các thực thể này thuộc về nước nào Mỹ không quan tâm. Cái mà Mỹ quan tâm là tự do hàng hải và luật pháp quốc tế không được vi phạm và bị cản trở.
Do đó, nói "Mỹ cố gắng khuấy động một vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam" là không chính xác, bởi Mỹ không nghiêng về bên nào trong vấn đề chủ quyền. Việc Trung Quốc nhảy vào tranh chấp Hoàng Sa năm 1909, chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa năm 1956 và 1974 bản thân nó đã là vấn đề, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Hiến chương Liên Hợp Quốc và không có bất kỳ giá trị nào đối với yêu sách chủ quyền 2 quần đảo này.
Vấn đề do chính Trung Quốc gây ra và bây giờ không chịu nhìn nhận sự việc một cách nghiêm túc, không có thiện chí giải quyết tranh chấp do chính họ tạo ra chứ không phải do Mỹ. Nếu không có việc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì dù có muốn, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào cũng không thể "khuấy vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam" như South China Morning Post nói.
Mỹ phá yêu sách đường cơ sở thẳng phi pháp Trung Quốc vẽ ở Hoàng Sa |
Tờ báo này bình luận tiếp: "Điều thú vị là, so với phản ứng gay gắt của Bắc Kinh thì Hà Nội đưa ra phản ứng khá nhẹ nhàng. Việt Nam kêu gọi tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Việt Nam không chỉ trích Mỹ, và khẳng định quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của mình là phù hợp với thông lệ quốc tế".
Phản ứng của Việt Nam về vụ Mỹ tuần tra 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng Sa thiết nghĩ là hết sức minh bạch, cần thiết, hợp pháp và đúng mực. Với tư cách là nước có chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam lên tiếng trước mọi hoạt động của các bên liên quan đến lãnh thổ của mình là chuyện đương nhiên.
Với tư cách là thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Công ước, bao gồm quy định về đi qua vô hại. Việc lên tiếng kịp thời đã thể hiện Việt Nam rất có trách nhiệm trong việc tuân thủ và bảo vệ Công ước.
Mỹ không làm gì sai ở Tri Tôn, thậm chí đang góp phần tích cực phá vỡ âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò bằng cách đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế ở Hoàng Sa, Trường Sa và Scarborough vốn không thể có mà Trung Quốc đang giăng ra. Cá nhân người viết tin rằng, có thể nói việc làm này của Hoa Kỳ hết sức cần thiết, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông thì tại sao lại không ủng hộ?