Lực cản ông Tập Cận Bình

14/05/2016 09:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình mượn Nhân Dân nhật báo tố cáo "những kẻ gièm pha" có thể là dấu hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi về nhân sự cấp cao.

South China Morning Post ngày 14/5 bình luận, chưa chắc ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn kiểm soát mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao ở Trung Quốc như dư luận vẫn nghĩ. Mặc dù các đối thủ chính trị chống lại ông đã bị hạ, bộ máy quân đội được cải cách tập trung quyền lực chỉ huy vào tay ông, còn bộ máy lãnh đạo nghe lời ông "răm rắp".

Ông Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.

Ngày 9/5, Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã phỏng vấn một người "có thẩm quyền giấu tên" không chỉ cho thấy sự rạn nứt sâu sắc giữa ông Bình với Thủ tướng Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác được giao phụ trách nền kinh tế, nó cũng cho thấy quá trình cạnh tranh quyền lực ngày một gay gắt khiến ông Tập Cận Bình phải sử dụng đến truyền thông, báo chí để thúc đẩy các chính sách của mình, South China Morning Post bình luận.

"Người có thẩm quyền giấu tên" mà South China Morning Post cho rằng chính là ông Tập Cận Bình, đã nói với Nhân Dân nhật báo: "Nền kinh tế của chúng ta đang xuất hiện những vấn đề mới bất ngờ. Không thể mô tả nó với một khái niệm đơn giản "khai môn hồng" - mở cánh cửa là gặp may mắn.

Xu hướng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc không phải là hình chữ U, càng không phải hình chữ V. Nó là hình chữ L. Quá trình ấy không phải chỉ diễn ra trong một hoặc hai năm, mà là một trạng thái có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều năm".

Bài báo này dường như trực tiếp bác bỏ quan điểm của Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ - một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 phát biểu trong một hội nghị công khai cuối tháng Ba năm nay:

"Từ những con số thống kê hiện nay, tôi mong đợi một sự khởi đầu may mắn - 'khai môn hồng' trong quý đầu tiên. Năm nay chúng ta đã giải quyết những khó khăn. Năm tới sẽ là bầu trời xanh và mặt nước yên bình".

Ông Tập Cận Bình muốn tiếp tục thúc đẩy chương trình cải cách kinh tế theo hướng trọng cung, loại bỏ các ngành, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng dư thừa để giải phóng tài nguyên, dành cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao và phát triển dịch vụ.

Dường như ông Bình tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có quy mô rất lớn, rất trẻ và đủ sức chịu đựng tăng trưởng thấp để tái cơ cấu. Bất kỳ hoạt động mở rộng tín dụng mù mờ nào cũng đều không hiệu quả và cản trở cải cách.

Tuy nhiên, ngày 14/4 Nhân Dân nhật báo lại đăng một bài xã luận ngay trên trang nhất ca ngợi "khai môn hồng". Bài xã luận cho rằng tốc độ đầu tư đang tăng ổn định trở lại, các doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhiều, kinh tế Trung Quốc đang đón làn gió mới phục hồi đà tăng trưởng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ảnh: Tân Hoa Xã.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ảnh: Tân Hoa Xã.

Đa Chiều ngày 12/5 đã đặt câu hỏi, "khai môn hồng" phải chăng chỉ là hiện tượng "hồi quang phản chiếu" trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hay là một chiến lược của ông nhằm đưa kinh tế Trung Quốc quay lại đà tăng trưởng 8%?

Đa Chiều cho rằng, nhiều khả năng "người có thẩm quyền giấu tên" nói đúng, mục tiêu "khai môn hồng" là không khả thi trong bối cảnh hiện nay, mà Trung Quốc cần chấp nhận một "trạng thái bình thường mới."

South China Morning Post bình luận: "Ông Tập Cận Bình không chỉ nói chuyện với một cuốn thánh kinh, mà còn với một thanh kiếm sắc. Một tuần trước khi phỏng vấn "người có thẩm quyền giấu tên", Nhân Dân nhật báo đăng phát biểu công khai của ông về Cách mạng Văn hóa khiến nhiều người ớn lạnh:

Một số cán bộ đã thay đổi quan điểm về các chính sách lớn, bàn tán trái với các quyết định của lãnh đạo trung ương. Chúng tôi yêu cầu cán bộ không đưa ra các nhận xét vô căn cứ chống lại các lãnh đạo trung ương. Điều này không có nghĩa là họ không được phát biểu ý kiến, không thể chỉ trích.

Nhưng chúng ta không nên mâu thuẫn với lãnh đạo trung ương về các vấn đề chính trị quan trọng. Có những âm mưu phá hoại đoàn kết trong đảng mà chúng ta phải phản ứng kiên quyết loại bỏ các vấn đề này."

Tờ báo nổi tiếng Hồng Kông vừa bị tỉ phú đại lục Mã Vân (Jack Ma) mua lại cho biết, đây không phải lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chia rẽ về chính sách kinh tế. Trong thập niên 1990, Đặng Tiểu Bình đã phải sử dụng một chuyến tuần du cá nhân đến Thâm Quyến, Chu Hải, Quảng Châu và Thượng Hải để thúc đẩy chương trình cải cách.

Giang Trạch Dân đã phản đối chính sách cải cách này, khiến Đặng Tiểu Bình khi đã 86 tuổi phải tuyên bố trên một tờ báo tại Thâm Quyến: "Phát triển là nguyên tắc tuyệt đối. Bất cứ ai chống lại cải cách thì nên nghỉ". Giang Trạch Dân đã phải lùi bước sau phát biểu này.

Theo South China Morning Post, cái thế của Tập Cận Bình ngày nay khác với Đặng Tiểu Bình ở mức độ uy tín và quyền lực tuyệt đối. Mặt khác, Đặng Tiểu Bình thúc đẩy cải cách mở cửa kinh tế thị trường mang lại kết quả cho tất cả mọi người.

Còn cải cách của ông Tập Cận Bình hiện nay sẽ khiến cho quyền lợi của nhiều quan chức địa phương "được vỗ béo bằng tiền tham nhũng" có nguy cơ bị cắt mất. Đó là những lực cản không nhỏ.

Tuy nhiên vẫn có những điểm tương đồng giữa tính toán của 2 nhà lãnh đạo này. Đặng Tiểu Bình đã mở đường cho những nhà cải cách như Chu Dung Cơ lên nắm quyền, trong khi Tập Cận Bình mượn Nhân Dân nhật báo tố cáo "những kẻ gièm pha" có thể là dấu hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi về nhân sự cấp cao trong Đại hội 19 năm 2017, South China Morning Post nhận định.

Hồng Thủy