Mỏ đất hiếm của Triều Tiên có thể thay đổi địa chính trị khu vực

21/04/2015 14:25
Nguyễn Hường
(GDVN) - Đất hiếm có thể phục vụ như một chất xúc tác giúp mở rộng cánh cửa đầu tư thương mại tại Triều Tiên.

Alexander Lockie, nhà phân tích tại Global Risk Insights cho rằng, việc Triều Tiên phát hiện một mỏ đất hiếm trữ lượng lớn có thể làm thay đổi triển vọng phát triển dài hạn của nước này cũng như hoàn toàn địa chính trị trong khu vực. 

Do tính chất độc đáo của đất hiếm, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao như năng lượng sạch, hệ thống phòng thủ, thiết bị điện tử tiêu dùng.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Hiện Trung Quốc là nhà cung cấp tới 90% đất hiếm cho thị trường toàn cầu và giúp nước này đạt được một vị thế tương đối quan trọng với các đối tác khác, gồm cả đối thủ lớn của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang khai thác trữ lượng này của mình một cách tận thu, bỏ qua cả các yếu tố môi trường. 

Vị thế này của Trung Quốc bắt đầu bị đe dọa sau khi Công ty Khoáng sản SRE của Anh công bố ước tính trữ lượng đất hiếm của Triều Tiên. Theo đánh giá của họ, Triều Tiên đang sở hữu khoảng 216 triệu tấn đất hiếm, gấp đôi trữ lượng đất hiếm toàn cầu và có giá trị lên tới vài nghìn tỷ USD.

Công ty Khoáng sản SRE đã ký kết hợp đồng khai thác đất hiếm 25 năm với Tổng công ty Thương mại Tài nguyên Thiên nhiên Triều Tiên. Động thái này có thể phục vụ như một chất xúc tác giúp mở rộng cánh cửa đầu tư thương mại tại Triều Tiên và giúp nước này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các đối tác kinh tế nước ngoài khác.

Có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Nga đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại Triều Tiên. Trong tháng 10.2014, Nga đã đồng ý đầu tư 25 triệu USD nâng cấp đường sắt Triều Tiên để đổi lấy quyền được hoạt động trong các khu vực có trữ lượng khoáng sản của Triều Tiên. 

Mặc dù từ chối cho Bình Nhưỡng gia nhập các nước thành viên của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), nhưng Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các dự án hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải và năng lượng tại quốc gia láng giềng.

Sự giàu có về tài nguyên đã giúp Triều Tiên trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Có thể nói, Triều Tiên có thể tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản lớn này của mình để thu về lợi ích kinh tế và chính trị không hề nhỏ. 

Về mặt chính trị, sự phát triển kinh tế của Triều Tiên có thể tạo ra tiếng vang sâu sắc. Nó có thể giúp phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. 

Tuy nhiên, khi nền kinh tế Triều Tiên phát triển, không loại trừ khả năng nước này sẽ tăng đầu tư cho quân đội hoặc có thêm tiền để "mua lòng trung thành" của các nhân vật chính trị, quân sự quan trọng và đồng thời loại bỏ đối thủ. 

Một Triều Tiên phát triển kinh tế là điều cộng đồng quốc tế luôn mong mỏi vì nó có thể đem lại cho người dân nước này cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng nó cũng mở ra các quan ngại rằng sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang với Hàn Quốc và có thể buộc Nhật Bản phải đánh giá lại chiến lược quốc phòng của mình./.

Nguyễn Hường