Mở rộng thực thi chủ quyền với Hoàng Sa là việc cần thiết làm ngay

20/02/2016 08:09
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp suốt 40 năm qua nên Hoàng Sa là huyện đảo "không đất không dân". Đó là những nhận thức rất sai lầm.

Trong kỳ họp thứ 14 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII, ông Nguyễn Đăng Hải - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đề xuất tách hai phường Thọ Quang và Mân Thái thuộc quận Sơn Trà và sáp nhập vào huyện đảo Hoàng Sa.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, với hy vọng làm rõ thêm một vấn đề hệ trọng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Việc đề xuất Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tách hai phường Thọ Quang, Mân Thái của quận Sơn Trà để sáp nhập vào Hoàng Sa là vấn đề thời sự nóng hổi được dư luận quan tâm. Bên cạnh nhiều quan điểm đồng tình ủng hộ, vẫn còn có một số tiếng nói cảm thấy băn khoăn và tỏ ra thận trọng.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh do tác giả cung cấp.

Bản thân người viết cũng đã từng nhiều lần đề xuất phương án này, bởi dù trên thực tế quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1956, 1974 đến nay, nhưng dưới góc độ pháp lý Việt Nam vẫn phải tìm cách duy trì và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này trên phương diện tinh thần, cũng như vật chất.

Về mặt tinh thần, không những chúng ta thường xuyên khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, mà còn phản đối đấu tranh kịp thời chống lại mọi động thái xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Chúng ta đã tổ chức triển lãm, giới thiệu thông tin về lịch sử xác lập, thực thi chủ quyền hòa bình và liên tục của cha ông ta với Hoàng Sa, và cả Trường Sa như thế nào...

Nếu như trên phương diện tinh thần chúng ta đang làm tốt và cần làm tốt hơn nữa, thì trên phương diện vật chất chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi theo các quy định của Công pháp quốc tế đối với việc thực thi chủ quyền quốc gia của Nhà nước đối với một vùng lãnh thổ, dù cho nó đang bị chiếm đóng bất hợp pháp.

Công dân Hoàng Sa là ai?

Một số quan điểm cho rằng vì trên thực tế quần đảo Hoàng Sa lâu nay bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp suốt 40 năm qua nên Hoàng Sa là huyện đảo "không đất không dân". Đó là những nhận thức rất sai lầm.

Công dân Hoàng Sa chính là những ngư dân Việt Nam đang ngày ngày bám biển, thực thi chủ quyền và bảo vệ chủ quyền của cha ông ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng, bất chấp những nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe, tài sản luôn rình rập từ lực lượng chức năng của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Mở rộng thực thi chủ quyền với Hoàng Sa là việc cần thiết làm ngay ảnh 2

Thành công Sunnylands và triển vọng chế ngự mộng bành trướng Biển Đông

(GDVN) - Cần có hành động cụ thể chung sức với Hoa Kỳ, ASEAN, cơ quan tài phán và các bên liên quan. Muốn có công lý, chính chúng ta phải bảo vệ.

Công dân Hoàng Sa là những nhà nghiên cứu đang ngày đêm tìm cách đấu tranh bảo vệ và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa, cả trong đất liền lẫn bám ngoài thực địa, dù không thể lên được các đảo này. Lực lượng nghiên cứu Hoàng Sa dù là thực địa hay trong đất liền, họ xứng đáng là Công dân của Hoàng Sa.

Những Công dân Hoàng Sa ấy cần được thừa nhận chính thức về mặt nhà nước từ phía huyện đảo Hoàng Sa, có thể bằng cách cấp cho họ thẻ Công dân Hoàng Sa chẳng hạn, để tiến hành công tác quản lý, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ họ trong quá trình tác nghiệp, làm ăn sinh sống của họ trên vùng biển Hoàng Sa, góp phần hiệu quả vào thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục và hợp pháp.

Có người lo ngại làm điều này có thể tạo cớ cho Trung Quốc leo thang căng thẳng, người viết cho rằng nói như vậy thiếu thuyết phục. Bởi lẽ họ đã chiếm của ta rồi, và còn đang muốn chiếm thêm nữa. Chúng ta chỉ tiếp tục công việc tìm cách quản lý, thực thi chủ quyền hợp pháp của Nhà nước Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa mà cha ông để lại. 

Chúng ta không tranh cướp của ai, nên không có gì đáng ngại. Trong khi dù chúng ta có làm điều này hay không, Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh quân sự hóa tiến tới độc chiếm Biển Đông. Cho rằng chúng ta "không làm gì" thì Trung Quốc sẽ "để yên" là sai lầm.

Do đó, nói rằng huyện đảo Hoàng Sa ngày nay "không có dân" là không chính xác. Công dân Hoàng Sa vẫn đang tồn tại và hàng ngày thay mặt cho dân tộc này, đất nước này thực thi và bảo vệ chủ quyền. Họ rất cần được ủng hộ, giúp đỡ, mà đầu tiên và trước hết vẫn là danh chính ngôn thuận từ bộ máy nhà nước.

Mở rộng thực thi chủ quyền với Hoàng Sa là việc cần thiết làm ngay ảnh 3

Trung Quốc kéo tên lửa ra Hoàng Sa, mối đe dọa ngày càng hiện hữu

(GDVN) - Việt Nam cũng là quốc gia bị ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng nhất về mặt phòng thủ nếu như Trung Quốc kéo tên lửa, vũ khí hiện đại ra Hoàng Sa và Trường Sa.

Bởi thế, việc sáp nhập một bộ phận lãnh thổ hiện có, về mặt lịch sử, pháp lý, hành chính có liên quan chặt chẽ đến Hoàng Sa là việc làm rất có ý nghĩa, cả mặt pháp lý lẫn thực tiễn, cả về tình cảm lẫn trách nhiệm.

Nó sẽ giúp tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của Việt Nam đối với Hoàng Sa và phục vụ rất nhiều cho công cuộc đấu tranh hiện tại và sau này. Thiết nghĩ, để chậm hay bỏ lỡ thời cơ là chúng ta có tội với tổ tiên và con cháu.

Mở rộng địa bàn hành chính Hoàng Sa không phải chuyện gì mới

Cần lưu ý rằng, các ý tưởng đề xuất mở rộng địa bàn hành chính huyện đảo Hoàng Sa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo này chỉ là một trong nhiều hoạt động thường xuyên và liên tục của Việt Nam, khẳng định chủ quyền hợp pháp với quần đảo Hoàng Sa chứ không phải là việc gì đó hoàn toàn mới.

Từ khi xác lập và thực thi chủ quyền trên phương diện Nhà nước đối với Hoàng Sa và Trường Sa lúc 2 quần đảo này còn là đất vô chủ, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau cũng thường xuyên thay đổi địa giới hành chính của 2 quần đảo này để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong từng thời kỳ. Những việc chúng ta cần làm hiện nay chỉ là tiếp tục thực hiện những gì các thế hệ đi trước đã làm, không phải là "làm mới".

Đặc biệt dưới góc độ pháp lý, việc sáp nhập một địa danh nào đó vào phạm vi địa giới hành chính của huyện đảo Hoàng Sa rất có ý nghĩa. Nó tạo điều kiện cho bộ máy chính quyền nhà nước của huyện đảo vận hành một cách bình thường, đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn vào việc duy trì và thực thi chủ quyền đối với một phần máu thịt của lãnh thổ quốc gia đang bị ngoại bang chiếm đóng bất hợp pháp.

Tất nhiên chúng ta làm gì cũng phải theo luật, và ngay cả ý tưởng mở rộng phạm vi hành chính và thừa nhận chính thức tư cách các Công dân Hoàng Sa cũng chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu của luật pháp quốc tế trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền mà thôi.

Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó, vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi, mọi khó khăn rào cản sẽ có cách tháo gỡ khi ta thực sự muốn làm và quyết tâm làm.

Ts Trần Công Trục