Mỹ muốn điều thêm tàu sân bay tàng hình USS Gerald R. Ford tới Nhật Bản

12/12/2015 09:33
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ có thể triển khai thêm tàu sân bay tàng hình lớp Ford ở Nhật Bản, mở đường cho triển khai luân phiên ở Philippines, tạo ra mối đe dọa to lớn cho Trung Quốc.

China News ngày 11/12 cho hay, gần đây nhà phân tích hải quân Clark Brian thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ đưa ra báo cáo nhận định, Mỹ cần triển khai 2 tàu sân bay ở Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu hiện diện lâu dài của Hải quân Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ và máy bay chiến đấu tàng hình F-35C (mô hình)
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ và máy bay chiến đấu tàng hình F-35C (mô hình)

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng, Mỹ có thể triển khai tàu sân bay USS Gerald R. Ford ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể chở theo máy bay chiến đấu tàng hình, từ đó đóng vai trò răn đe đối với Trung Quốc và Nga, nhưng chủ yếu là đối với Trung Quốc.

Mặc dù số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ đang giảm đi, nhưng tham vọng can dự toàn cầu của Lầu Năm Góc lại không hề giảm đi, mâu thuẫn này làm cho Hải quân Mỹ phải căng sức lâu dài.

Trong một cuộc họp báo ở Quốc hội Mỹ, Clark Brian đã công bố nội dung báo cáo của ông. Theo đó tàu sân bay Mỹ từ bờ biển phía tây xuất phát đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ riêng đi lại đã mấy 20% thời gian triển khai. Nếu đổi sang đặt căn cứ tàu sân bay ở Nhật Bản, có nghĩa là đã gia tăng rất lớn thời gian hoạt động của tàu sân bay ở châu Á-Thái Bình Dương.

Máy bay chiến đấu F-35C Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35C Mỹ

Hiện nay, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ chỉ triển khai lâu dài một chiếc tàu sân bay động cơ hạt nhân ở Nhật Bản.

Mặc dù Hải quân Mỹ cho biết tạm thời còn chưa có kế hoạch điều tàu sân bay thứ hai tới Nhật Bản, nhưng theo một nguồn tin từ Thượng viện Mỹ, triển khai tàu sân bay thứ hai ở tuyến đầu Nhật Bản hoàn toàn không phải là quan điểm mới.

"Điều quan trọng nhất là, triển khai tàu sân bay thứ hai ở Thái Bình Dương, đã thực sự kiểm chứng cam kết của chúng ta (Mỹ) đối với đồng minh ở khu vực này", ông Clark Brian nói.

Tào Vệ Đông bình luận, tàu sân bay USS Enterprise nghỉ hưu, tàu sân bay lớp Ford đầu tiên mặc dù đã hạ thủy nhưng chưa đưa vào hoạt động, vì vậy, hiện nay Hải quân Mỹ chỉ có 10 tàu sân bay.

Nhưng Mỹ cần tối thiểu 11 - 12 tàu sân bay mới có thể duy trì sự hiện diện toàn cầu hoặc có đủ tàu sân bay để ứng phó trong các vấn đề điểm nóng quan trọng.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35C Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35C Mỹ

Hiện nay, cơ quan nghiên cứu Mỹ đề xuất triển khai 2 tàu sân bay động cơ hạt nhân ở Nhật Bản sẽ tạo ra mối đe dọa nhất định đối với Trung Quốc và Nga.

Vương Hiểu Bằng, một học giả nghiên cứu vấn đề biên giới biển thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay Mỹ tiến hành triển khai thường xuyên ở Nhật Bản, ứng phó với "mối đe dọa khu vực Đông Bắc Á", cũng có thể phát huy tác dụng đáng kể đối với vấn đề biển Hoa Đông.

Trong chiến lược biển mới châu Á-Thái Bình Dương hiện nay của Mỹ có 3 nội dung chính: Một là phải đạt được răn đe tuyến đầu, hai là kiểm soát biển, ba là nhấn mạnh quan hệ đồng minh.

Trên cơ sở đó, Mỹ coi tàu sân bay (có thể là tàu sân bay lớp Ford mới) là vũ khí lợi hại để tiến hành răn đe tuyến đầu hoặc kiểm soát biển. Do đó, liên kết các đồng minh quân sự trong khu vực là điều nằm trong tầm tay.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ

Mặt khác, Quân đội Mỹ muốn triển khai hai tàu sân bay ở Nhật Bản cũng sẽ mở đường cho họ triển khai luân phiên ở Philippines. Trong vấn đề này, nội bộ Philippines hiện chưa đạt được đồng thuận, nhưng, Mỹ tiến hành chuẩn bị và mở đường như vậy, hy vọng đạt được đồng thuận.

Tàu sân bay lớp Ford Mỹ triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ tạo ra mối đe dọa như thế nào cho các nước khác? Tào Vệ Đông cho rằng, Mỹ luôn triển khai trang bị mới nhất, tốt nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, chẳng hạn máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon, tàu tuần duyên.

Tính năng tàng hình của tàu sân bay lớp Ford tương đối tốt, lại chở máy bay chiến đấu tàng hình, hơn nữa nó còn có thể phóng máy bay không người lái.

Nếu triển khai tàu chiến mới như vậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Nhật Bản rõ ràng là một căn cứ tốt nhất, bởi vì ở đó cách Trung Quốc và Nga tương đối gần, phù hợp với ý đồ chiến lược của Mỹ.

Nếu triển khai tàu sân bay như vậy ở "cửa nhà" Trung Quốc thì rõ ràng là một "mối đe dọa to lớn", bởi vì máy bay tàng hình rất khó dò tìm, mối đe dọa này lớn hơn nhiều so với triển khai tàu sân bay lớp Nimitz trước đó.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ
Đông Bình