Mỹ tăng khả năng răn đe quân sự ở Biển Đông đúng ngày ông Trump nhậm chức

17/01/2017 09:25
Hồng Thủy
(GDVN) - 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc buộc phải đi qua Biển Đông. Nếu Mỹ kiểm soát vùng biển này, nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc.

Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 17/1 cho biết, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson đang trên đường tới bờ Tây Thái Bình Dương để tăng cường chi viện cho cụm tàu sân bay USS Ronald Reagen đóng tại căn cứ ở Nhật Bản.

Động thái này được các nhà phân tích Trung Quốc tin là dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump sẽ gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ hiện diện ở châu Á đúng ngày 20/1, ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức.

Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson, ảnh: Wikipedia.
Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson, ảnh: Wikipedia.

Thời điểm Mỹ điều động cụm tàu sân bay này tăng viện sang châu Á cũng đáng chú ý sau khi cụm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc vừa tập trận ở tây Thái Bình Dương, quanh eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh với Thời báo Hoàn Cầu:

"Việc điều động cụm tàu sân bay lớp Nimitz cho thấy Lầu Năm Góc và Hải quân Mỹ muốn mở rộng chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của ông Obama, tiếp tục tham gia sâu hơn ở Tây Thái Bình Dương".

Ông cho rằng trước áp lực này của Mỹ, Trung Quốc cần phải tăng cường xây dựng lực lượng chiến lược cũng như quân sự hóa các rặng san hô và đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông:

"Vùng biển này là khu vực cơ động hiệu quả để kiềm chế Trung Quốc, vì 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc buộc phải đi qua Biển Đông. Nếu Mỹ kiểm soát vùng biển này, nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc".

Lin Zhiyuan, một nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nhận định, sự nhấn mạnh của Hoa Kỳ về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông có khả năng sẽ được tăng cường trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump.

Ông tin việc triển khai cụm tàu sân bay USS Carl Vinson là một động thái của Lầu Năm Góc nhằm phá vỡ các cuộc đàm phán song phương tiềm năng giữa Trung Quốc với các bên yêu sách khác ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines:

"Mặc dù mối quan hệ giữa Mỹ với Philippines đang xấu đi, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục liên kết với Australia, Ấn Độ, đồng thời tăng cường quan hệ với Singapore, Việt Nam và các nước ASEAN khác để thúc đẩy hoạt động tuần tra chung (ở Biển Đông)".

Trong một động thái khác có liên quan đến Biển Đông, AP cho hay, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bình luận về những phát biểu của ông Rex Tillerson về Biển Đông trong phiên điều trần trước Thượng viện:

Mỹ cần một cách tiếp cận tích hợp của chính phủ để tránh một chiến lược không đầy đủ hoặc thiếu mạch lạc.

"Điểm mấu chốt là, vùng biển quốc tế vẫn là vùng biển quốc tế, và chúng ta phải tìm ra cách bảo vệ các quy định của luật pháp quốc tế mà chúng ta đã bảo vệ trong nhiều năm qua để mang lại sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia khác chứ không chỉ Hoa Kỳ".

Tài liệu tham khảo:

http://bigstory.ap.org/article/82d9c9a7b7c34d58a9c8d343b434132e/recent-developments-surrounding-south-china-sea

Hồng Thủy