Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Luật Nhà giáo gồm các chính sách như: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo được nêu cụ thể trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự thảo luật Nhà giáo có nội dung rất được quan tâm đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến dư luận nêu thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm.
Điểm mới này nếu được thông qua sẽ phù hợp với thực tiễn, quyền tuyển dụng được trao cho ngành giáo dục và nâng cao vai trò vị thế nhà giáo, khắc phục những tồn tại bất cập của việc tuyển dụng hiện nay.
Hiện nay, ngành giáo dục không được chủ động tuyển dụng nhà giáo
Sau nhiều lần sửa đổi thì hiện nay việc tuyển dụng nhà giáo thuộc thẩm quyền ngành nội vụ và ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh, ngành giáo dục chỉ có chức năng tham mưu.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu đầy trăn trở về việc ngành giáo dục không có thẩm quyền chính trong tuyển dụng giáo viên. Ông nói: "Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả hai điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất". [1]
Hiện nay việc tuyển dụng giáo viên (viên chức) được thực hiện như những viên chức khác theo quy định tại Nghị định Số: 1/VBHN-BNV quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hợp nhất Nghị định 90/2020/NĐ-CP và Nghị định 85/2023/NĐ-CP.
Theo đó, việc tuyển dụng giáo viên cũng như viên chức khác tại nhiều địa phương chưa có nhiều nơi phân cấp phân quyền cho ngành giáo dục (hay giao cho các trường) tuyển dụng mà do ngành nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh thực hiện.
Đối với việc tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (do phòng giáo dục quản lý chuyên môn) được giao cho phòng Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện, trưởng phòng giáo dục chỉ là một ủy viên trong hội đồng tuyển dụng.
Vì tại khoản 2 Điều 8. Hội đồng tuyển dụng viên chức gồm các thành phần sau:
“2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng thì Hội đồng tuyển dụng có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;
c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người đại diện bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;
d) Các ủy viên khác là người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.”
Trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở/phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.
Có ý kiến cho rằng đề thi/ xét tuyển viên chức giáo dục cũng do ngành nội vụ chủ trì biên soạn nên không sát thực tiễn, đa số chung chung không gắn với nhiệm vụ, vị trí việc làm thực tế của nhà giáo hay người chủ trì cũng không am hiểu đặc thù của nghề giáo về phong cách, tác phong, đứng lớp giảng dạy,…
Quy định về tuyển dụng viên chức nói chung hiện nay không do ngành giáo dục chủ động tuyển dụng nên còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, còn nhiều bất cập.
Dự thảo Luật Nhà giáo, ngành giáo dục sẽ được chủ trì tuyển dụng giáo viên?
Tại Chương IV dự thảo quy định về Tuyển dụng, sử dụng nhà giáo nêu rõ thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo được quy định tại Điều 21 Mục 1 tuyển dụng nhà giáo
“Điều 21. Thẩm quyền và phương thức tuyển dụng
1. Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.
2. Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác: do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.
3. Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể Điều này.”
Như vậy, theo dự thảo Luật Nhà giáo việc tuyển dụng nhà giáo sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo. Tức, tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ do phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì; tuyển dụng giáo viên trung học phổ thông sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Đây là điểm mới rất được chờ đợi, việc tuyển dụng sẽ được trao cho ngành giáo dục.
Như vậy, nếu dự luật này được thông qua, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ có những thay đổi đáng kể khi giao cho ngành giáo dục và đào tạo chủ trì tuyển dụng thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay.
Tại Điều 19 dự thảo Luật Nhà giáo cũng nêu rõ về nguyên tắc tuyển dụng
“1. Bảo đảm công khai, công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Bảo đảm tính cạnh tranh.
3. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chức danh nhà giáo.
4. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
5. Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ và các đối tượng chính sách khác.”
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/bo-truong-giao-duc-trai-long-ve-vo-so-chu-phai-ap-den-trong-dau-2072169.html
[2] Tham khảo toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáoTẠI ĐÂY
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.