GV than bị "bắt" đóng tiền ủng hộ, Chủ tịch UBMTTQ huyện Thanh Chương nói gì?

16/05/2024 06:36
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chủ tịch UBMTTQ huyện Thanh Chương khẳng định, đây là khoản vận động tự nguyện, giáo viên có thể đóng hoặc không đóng tùy vào điều kiện kinh tế.

Vừa qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số giáo viên tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) về tiền ủng hộ vận động kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có điều kiện khó khăn trên địa bàn.

Nhiều giáo viên phản ánh cho rằng, dù trong văn bản ghi rõ là tiền "vận động". Tuy nhiên, tại một số trường khoản này trở thành việc "bắt buộc" giáo viên phải đóng.

"Huyện Thanh Chương là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, đời sống người dân và giáo viên đa phần còn nhiều khó khăn. Vì thế, khi có thông tin về việc vận động, lãnh đạo nhà trường và phía công đoàn nhắn trong nhóm zalo nói đây là khoản bắt buộc khiến các giáo viên khá bất ngờ.

Nếu tính theo mức được quy đổi theo ngày lương và chia thành 2 đợt đóng thì ở đợt thứ hai, mỗi giáo viên phải đóng cả triệu đồng, chúng tôi thấy mức này là khá cao. Ở đợt 1, qua đợt vận động thì các giáo viên đã đóng mỗi người 200 nghìn đồng.

Chúng tôi cho rằng, việc đóng góp kinh phí là tùy tâm. Ai có điều kiện thì đóng nhiều hơn, ai không có thì đóng ít hơn. Nếu tính đồng đều và quy ra các mức như vậy là không hợp lý và không tạo ra được sự đồng thuận khi đóng góp kinh phí vận động", giáo viên bày tỏ.

Qua đó, giáo viên mong muốn Tạp chí chuyển tải băn khoăn rằng, việc vận động kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có điều kiện khó khăn trên địa bàn huyện Thanh Chương có phải là bắt buộc như đại diện công đoàn nhà trường thông báo hay không?

GDVN_Gv thanh chương 1.png
Đoạn nội dung tin nhắn trong nhóm zalo công đoàn được giáo viên chụp lại. Ảnh: GVCC

Theo tin nhắn trong nhóm zalo công đoàn của một trường học tại huyện Thanh Chương được giáo viên cung cấp, phóng viên ghi nhận có đoạn thông báo với nội dung: "Đây là quỹ hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người nghèo là bắt buộc thầy cô nhé..."

Ngoài ra, một đoạn tin nhắn khác được cho là của hiệu trưởng nhà trường thông báo trong nhóm zalo có nội dung: "Việc chuyển tiền cho người nghèo (chuyển tiền cho quỹ vận động - PV) có thể 2 đợt hoặc 1 đợt tùy điều kiện nhà thầy cô. Đợt ít nhất là 50% so với quy định.

Rất mong thầy cô thực hiện trong tuần tới. Đợt 2 vào tháng 10".

Ngoài ra, giáo viên cũng cung cấp cho phóng viên văn bản số 41/MTTQ-BTT của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Chương về vận động kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có điều kiện khó khăn trên địa bàn huyện này.

Trong đó văn bản này đề cập: "Đối với các cơ quan, đơn vị trường học đóng trên địa bàn huyện: Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị tiếp tục ủng hộ số quỹ còn thiếu theo chỉ tiêu vận động tại Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 21/4/2023 của Ban Chỉ đạo 1516 huyện.

Đối với Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở các xã, thị trấn: Tiếp tục vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tiếp tục đóng góp, ủng hộ kinh phí còn thiếu so với chỉ tiêu vận động giao tại Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 21/4/2023 của Ban Chỉ đạo 1516 huyện".

Theo phụ lục đính kèm, ngoài danh sách chỉ tiêu vận động đối với khối cơ quan huyện Thanh Chương, còn có danh sách đính kèm đối với các trường học của ba cấp học tại địa phương này.

Trong đó, danh sách của khối mầm non có 39 trường với tổng chỉ tiêu vận động cả giai đoạn hơn 821 triệu đồng; Khối tiểu học có 30 trường với tổng chỉ tiêu vận động cả giai đoạn là hơn 1 tỷ đồng; Khối trung học cơ sở có 37 trường với tổng chỉ tiêu vận động cả giai đoạn là hơn 1,2 tỷ đồng; Khối trung học phổ thông có 7 trường với tổng chỉ tiêu vận động của cả giai đoạn là hơn 634 triệu đồng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc này, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương cho hay: "Việc này do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Còn Ủy ban nhân dân huyện với vai trò là đơn vị đồng hành và vẫn tham gia việc ủng hộ như các tổ chức, đơn vị khác trong huyện.

Theo tôi, việc chia sẻ nhân ái với người nghèo là trách nhiệm của mọi người. Các thầy cô nếu có điều kiện thì đóng góp, không thì thôi chứ không có vấn đề gì".

Phóng viên đề cập đến các mức chỉ tiêu được nêu trong các văn bản, vị lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương cho rằng, đó là mức "sàn" để vận động, giáo viên nếu có điều kiện thì đóng góp nhiều, khó khăn thì đóng góp ít hoặc không đóng góp.

"Bản thân tôi cũng đóng góp 4 ngày lương. Kể cả người dân bình thường họ cũng tự nguyện đóng góp huống gì các giáo viên.

Thực tế, trong huyện vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và cần được giúp đỡ. Các giáo viên cũng nên hoan hỉ để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Tôi nghĩ đó là hành động có nghĩa cử cao đẹp", vị này cho biết thêm.

Screenshot 2024-05-15 155158.png
Screenshot 2024-05-15 155324.png
Văn bản về việc kêu gọi ủng hộ vận động kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có điều kiện khó khăn trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: GVCC

Phản hồi thêm thông tin về các băn khoăn của giáo viên, ông Phan Đình Hà - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương cho rằng, có thể cách truyền đạt của nhà trường chưa khéo léo khiến các giáo viên hiểu nhầm.

Từ đó không tạo ra sự hiệu quả trong công tác vận động ủng hộ và gây ra những dư luận không tốt đối với hoạt động nhân ái mà huyện Thanh Chương đang hướng đến.

Vị này khẳng định, việc vận động này là không bắt buộc, nếu lãnh đạo nhà trường nào trên địa bàn yêu cầu giáo viên phải đóng theo mức nhất định nào đó là đang sai với chủ trương và mục đích tốt đẹp của chương trình.

Giải thích về cụm từ "chỉ tiêu" được nêu trong văn bản phát động ông Hà nhấn mạnh: "Đó là chỉ tiêu vận động chứ không phải là chỉ tiêu bắt buộc".

Vị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương chia sẻ thêm rằng: "Hàng năm, chúng tôi đều vận động tất cả cán bộ, công nhân viên chức ủng hộ 1 ngày lương cho Quỹ vì người nghèo.

Riêng trong đợt vận động đóng góp kinh phí xây nhà cho người nghèo thì chúng tôi vận động là 1 ngày rưỡi lương. Trong năm 2023, 2024 thì có 2 đợt tăng lương nhưng chúng tôi vẫn vận động đóng góp ngày lương theo hệ số của mức lương cũ lúc chưa áp dụng mức tăng. Như vậy nếu quy đổi với hệ số lương hiện nay thì mức vận động với các giáo viên cũng chỉ ở mức là 1 ngày lương như trước đây.

Chỉ tiêu đưa ra để vận động là như vậy, nhưng nếu có người nào đó không đóng góp thì chúng tôi cũng phải chấp nhận chứ cái này không ép hoặc kỷ luật họ được".

Ông Hà cũng cho rằng, trong việc này các trường nếu làm tốt công tác dân vận thì sẽ không có việc giáo viên ý kiến.

Qua đó, vị này cho rằng: "Nếu nhà trường cho họ thấy rõ được ý nghĩa nhân văn của việc vận động thì họ sẽ đồng thuận đóng góp, thậm chí là đóng góp ở mức cao hơn nếu họ có điều kiện.

Việc này được hiểu là xã hội chung tay, người có điều kiện hơn giúp đỡ những người khó khăn hơn. Biết đâu sau này vì một biến cố nào đó họ cũng sẽ trở thành người cần giúp đỡ giống như các hoàn cảnh mà chương trình vận động đang hướng tới.

Hoặc cũng có thể, những gia đình được giúp đỡ hôm nay họ có sự phấn đấu, con cái họ ăn học thành tài, trở thành giám đốc, doanh nhân, sau đó họ quay lại giúp đỡ những người nghèo, trong đó có những người từng được giúp đỡ hôm nay. Đó là ý nghĩa nhân văn mà tôi đang đề cập".

Qua đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương cũng nhấn mạnh rằng, trong quá trình vận động với kinh phí khoảng 26 tỷ thì các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã quyên góp được khoảng 16 tỷ nên số tiền vận động với khối cán bộ, công chức là không nhiều.

Ngoài cán bộ, công nhân viên chức và giáo viên thì đơn vị này còn vận động cả đối tượng là hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn.

Trung Dũng