Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tập trận chung với Philippines trên Biển Đông. |
Reuters ngày 13/5 đưa tin, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã mời lãnh đạo binh chủng Thủy quân lục chiến 23 quốc gia, hơn một nửa số này đến từ châu Á tới nhóm họp nhằm bàn bạc các bước ban đầu để tích hợp hoạt động của các lực lượng này ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên Trung Quốc đã bị loại.
Hội nghị đầu tiên của lực lượng Thủy quân lục chiến 23 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp tại Hawaii hôm Thứ Hai tới. Trong số các nước tham dự có Nhật Bản, Việt Nam, Philippines. Chương trình nghị sự sẽ bàn đến chiến thuật đổ bộ tấn công, bao gồm đổ bộ lên bờ và một cuộc huấn luyện đổ bộ bờ biển.
Một tài liệu của hội nghị mà Reuters có cho thấy Mỹ đã không mời Trung Quốc vì nước này chính là đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ và một số quốc gia tham dự. Washington ngày càng quan ngại hoạt động xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở 7 bãi đá ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng trái phép từ 1988, 1995).
Khi được hỏi về lý do loại trừ Trung Quốc khỏi hoạt động này, người phát ngôn Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho biết, luật pháp Mỹ cấm trao đổi quân sự với Trung Quốc trong những sự kiện tương tự. Điều đó không có gì bất thường khi Mỹ từ chối cho các sĩ quan Trung Quốc tham dự một số hoạt động huấn luyện, đào tạo của mình.
Một mục tiêu chính của cuộc họp tại Hawaii lần này là đặt nền tảng cho các hoạt động huấn luyện đổ bộ đa phương, trong đó có các cuộc tập trận chung giữa các quốc gia tham gia, thậm chí không cần sự có mặt của Mỹ. Một nửa quân số Thủy quân lục chiến Mỹ thường trực tại châu Á - Thái Bình Dương, tương đương khoảng 80 ngàn quân, chủ yếu tập trung tại căn cứ ở đảo Okinawa, Nhật Bản.
Sở hữu lực lượng Thủy quân lục chiến 12 ngàn lính, Trung Quốc rõ ràng là một đối thủ tiềm năng ghê gớm, các chuyên gia quân sự bình luận. Trong khi đó các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông mà Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp không có lực lượng Thủy quân lục chiến đáng kể.