Tổng thống Venezuela Maduro. |
Yahoo News ngày 19/12 dẫn nguồn tin AFP bình luận, động thái bất ngờ của Cu Ba và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ khiến Venezuela, đồng minh thân cận của Havana bị hụt hẫng trong bối cảnh chính trị đang thay đổi.
Thông báo bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu Ba đã được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chào đón, nhưng nó không ảnh hưởng đến quan điểm chống Mỹ được ông thông qua trong lúc Venezuela đang trượt vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc.
Sự kiện này sẽ tác động mạnh mẽ đến chính sách đối với Hoa Kỳ của chính phủ Maduro, bao gồm các bài giảng chính trị phần lớn dựa vào các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cu Ba, nhà phân tích Nicmer Evans cho biết. Quan hệ ấm hơn giữa Washington với Havana có thể sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với Venezuela, Evans bình luận.
Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Henrique Capriles thì chỉ trích: "Trong khi Cu Ba tìm cách cải thiện quan hệ ngoại giao và thương mại với Hoa Kỳ, chính phủ ông Maduro lại tìm cách làm xấu đi quan hệ với Mỹ và sử dụng nó như màn khói để kéo sự chú ý của dư luận khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội nghiêm trọng mà chúng tôi đang gặp phải."
Ngay cả khi tình hình kinh tế xã hội đã trở nên tổi tệ, Venezuela vẫn hài phóng sử dụng nguồn dầu mỏ dồi dào của mình để viện trợ cho Cu Ba. Nhưng với giá dầu sụt giảm sâu, lạm phát khoảng 60% một năm và sự thiếu hụt phổ biến các loại hàng hóa cơ bản, Venezuela được cho là ngày càng có nguy cơ vỡ nợ.
Và đây có thể chính là một yếu tố để Cu Ba quyết định hòa giải với Hoa Kỳ, các nhà phân tích cho biết. Thỏa thuận mới Obama đặt ra cho Cu Ba hứa hẹn sẽ cung cấp cho quốc gia này tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn đầu tư từ Mỹ, kim ngạch thương mại có thể tăng nhanh nếu Quốc hội Mỹ thông qua việc gỡ bỏ lệnh cấm vận 54 năm tuổi.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela Milos Alcalay bình luận, cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế của Venezuela đã khiến Chủ tịch Cu Ba Raul Castro tìm kiếm một sự thay thế để tránh bị bất ngờ, mặc dù cho đến nay Venezuela vẫn xem Cu Ba là một đồng minh cùng chiến tuyến công kích Mỹ.
Tổng thống Venezuela Maduro và Chủ tịch Cu Ba Raul Castro. |
Nhưng Caracas dường như đã bị bất ngờ, hụt hẫng trước sự xích lại gần hơn giữa Havana với Washington, Alcalay bình luận. "Mọi thứ diễn ra cho thấy dường như Raul Castro đã không thảo luận với Maduro, các cuộc đàm phán với Washington được tiến hành bí mật", Alcalay phân tích.
"Điều quan trọng là trong lúc Venezuela tiếp tục gia tăng khẩu chiến với Hoa Kỳ, Cu Ba đã thông qua quan điểm có tính xây dựng này. Quan điểm triệt hạ Maduro của phía Mỹ trái ngược với con đường đối thoại mà Cu Ba lựa chọn, nhưng điều này có thể thay đổi", cựu Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela bình luận.
Venezuela và Hoa Kỳ đã không có Đại sứ tại thủ đô của nhau kể từ năm 2010. Quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng trong những năm cuối thời Hugo Chavez và vẫn còn căng thẳng trong thời người kế nhiệm Maduro, người thường xuyên cáo buộc Mỹ có âm mưu chống lại ông.
Căng thẳng đã tăng vọt trở lại trong những ngày gần đây sau khi tuần trước chính quyền Obama cho biết sẽ thực hiện lệnh trừng phạt các quan chức Venezuela được Quốc hội Mỹ thông qua. Maduro đã "gào lên" rằng động thái này của Washington là "ngu ngốc".
Khi tin tức về việc Cu Ba và Mỹ bình thường hóa quan hệ lan truyền rộng rãi, nỗ lực của Maduro trước đó cố gắng huy động sự hỗ trợ của các quốc gia Nam Mỹ cho một nghị quyết lên án Hoa Kỳ bỗng thay đổi đột ngột.
"Hành động của Obama là dũng cảm và cần thiết đối với lịch sử", Tổng thống Venezuela nói. Trong khi động thái này sẽ không lập tức làm thay đổi mối quan hệ giữa Caracas với Havana, Maduro sẽ có thêm khuyến khích để tìm kiếm bình thường hóa quan hệ với Washington, nhóm phân tích Stratfor của Mỹ bình luận.