Đa Chiều ngày 23/4 đưa tin, hôm 21/4 Thông tấn xã Triều Tiên KCNA đăng bài xã luận với tiêu đề gây chú ý: "Còn mặt mũi nào theo đóm ăn tàn?", bóng gió chỉ trích Trung Quốc. Bài xã luận viết:
"Nếu họ vẫn cố tình đánh giá sai ý chí của Triều Tiên, vẫn bám lấy kẻ khác hòng theo đóm ăn tàn, tiếp tục cấm vận kinh tế Triều Tiên, cũng có thể họ sẽ được kẻ thù của Triều Tiên khen ngợi.
Nhưng đồng thời, họ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng về tư tưởng để đối mặt với những hậu quả thảm khốc trong quan hệ với Triều Tiên".
Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng có những lời lẽ bóng gió chỉ trích Bắc Kinh, thậm chí từng có vài hoạt động quân sự được Trung Quốc xem như khiêu khích.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng thường thích những tuyên bố đao to búa lớn, chẳng có dấu hiệu hay cơ sở nào chứng minh cho khả năng buộc láng giềng Trung Quốc phải đối mặt với "hậu quả thảm khốc".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng tham mưu trưởng Ri Myong-su, ảnh: Yonhapnews. |
Nhưng những lời lẽ trong bài xã luận này rõ ràng khiến dư luận Trung Quốc rất khó chịu, ngày càng nhiều tiếng nói trong giới nghiên cứu, học giả nước này lên tiếng đòi Bắc Kinh bỏ hẳn Triều Tiên.
Gần đây một bài viết của chuyên gia Thẩm Chí Hoa từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã gây chú ý và được chia sẻ rộng rãi trên internet khi ông nói rằng:
"Triều Tiên là kẻ thù của Trung Quốc, Hàn Quốc khả năng mới là bạn bè của Trung Quốc. Trung - Triều đã không còn là chiến hữu nữa rồi, trong thời gian ngắn, quan hệ Trung - Triều không thể cải thiện".
Trả lời phỏng vấn truyền thông, ông Thẩm Chí Hoa nói:
"Tôi cảm thấy ít nhất cũng có sự khác nhau trong quan điểm đối với vấn đề Triều Tiên.
Trung ương (đảng Cộng sản Trung Quốc) đánh giá thế nào thì nói sau, nhưng ít nhất xã hội có những quan điểm khác đã có thể được nói. Trước đây chúng tôi không được nói". [1]
Đây cũng là nhận xét của Adam Cathcart, giảng viên về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Leeds trên South China Morning Post ngày 24/3: quan điểm của Trung Quốc về Triều Tiên dường như đã thay đổi.
Sự thay đổi ấy chưa biểu hiện chính thức từ Bộ Ngoại giao hay truyền thông nhà nước Trung Quốc, mà từ các học giả, các nhà nghiên cứu nước này.
Wang Haiyun, một nhà nghiên cứu đã viết bài cho tạp chí National Defence Times, Hoa Kỳ hôm 27/3, trong đó ông Wang Haiyun cho rằng Trung Quốc phải chuẩn bị nhanh chóng cho một cuộc chiến tranh rộng lớn ở Triều Tiên.
Việc chuẩn bị này bao gồm đưa các đơn vị phòng thủ đến sát biên giới Trung - Triều, tạo ra các trại tị nạn quốc tế ngay bên trong Triều Tiên khi nổ ra chiến tranh, để tránh làn sóng người tị nạn đổ sang Trung Quốc.
Bình Nhưỡng "bắt bài" tâm lý chiến của Mỹ - Trung với Triều Tiên |
Niu Jun, một nhà nghiên cứu sử học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng:
Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, trước hết là vì Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hai là sự an toàn của chế độ gia đình ông Kim Jong-un đã trở nên quan trọng hơn an ninh đất nước Triều Tiên. Niu Jun đồng tình với Thẩm Chí Hoa rằng, Triều Tiên có thể trở thành kẻ thù của Trung Quốc. [2]
Cũng bình luận về cục diện bán đảo Triều Tiên, biên tập viên tờ The Guardian, Anh quốc, ông Simon Tisdall ngày 23/4 nhận định:
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố tình gây ra những lo ngại nhằm tạo áp lực lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, rõ ràng hiện tại Trump chỉ dựa vào ông Tập Cận Bình để tránh bị gọi là lừa gạt.
Tổng thống Mỹ nói rằng, ông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nỗ lực rất nhiều để kềm chế Triều Tiên, không để quốc gia này phát triển tên lửa và hạt nhân.
Trump cũng ngầm ủng hộ việc Nga - Trung đem quân đến sát biên giới với Triều Tiên. Ông viết trên Twitter: "Nếu họ muốn giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, họ sẽ (làm / làm được)".
Simon Tisdall lưu ý, nếu Tập Cận Bình có thể mang lại cho Trump chiến thắng trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ có thể đáp lại bằng cách làm ngơ cho Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. [3]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://china.dwnews.com/news/2017-04-23/59811841.html