Myanmar: Không thể chống lại TQ ở Biển Đông, nhưng không như Campuchia

31/12/2013 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Myanmar cho biết nước này sẽ tìm cách cạnh tranh với các phương pháp tiếp cận của Brunei về Biển Đông và nỗ lực hướng tới một giải pháp ngoại giao.
U Aung Htoo (trái) và học giả U Kyee Myint (giữa) trong một buổi tọa đàm về vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN mà Myanmar sắp đảm nhận, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ là một trọng tâm.
U Aung Htoo (trái) và học giả U Kyee Myint (giữa) trong một buổi tọa đàm về vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN mà Myanmar sắp đảm nhận, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ là một trọng tâm.
Myanmar Times ngày 30/12 đưa tin, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014 Myanmar sẽ phải tránh cúi đầu trước bất kỳ hình thức áp lực quốc tế nào về vấn đề Biển Đông.

U Aung Htoo, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết nước này sẽ tìm cách cạnh tranh với các phương pháp tiếp cận của Brunei về Biển Đông và nỗ lực hướng tới một giải pháp ngoại giao.

5 thành viên ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam trong khi Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền" với hầu như toàn bộ Biển Đông với đường 9 đoạn (đường chữ U, đường lưỡi bò), Đài Loan cũng có yêu sách tương tự.
Trong quá khứ Trung Quốc cứ khăng khăng đòi đàm phán với từng bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong khi các thành viên ASEAN chủ trương đàm phán tập thể. Căng thẳng vẫn còn cao, nhưng các cuộc tham vấn đầu tiên về COC đã bắt đầu từ tháng 9.
Cụm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc kéo xuống Biển Đông tập trận chỉ 3 ngày sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông, động thái đang dấy lên những lo ngại căng thẳng leo thang trong khu vực.
Cụm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc kéo xuống Biển Đông tập trận chỉ 3 ngày sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông, động thái đang dấy lên những lo ngại căng thẳng leo thang trong khu vực.

U Aung Htoo cho biết Myanmar sẽ cố gắng thúc đẩy hơn nữa những cuộc đàm phán này. "Trung Quốc đã đồng ý về nguyên tắc của bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC. Chúng ta không thể chống lại Trung Quốc và chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực tối đa để xử lý các tranh chấp thông qua đàm phán, thỏa thuận với Trung Quốc", U Aung Htoo cho biết.

Vị quan chức ngoại giao này khẳng định, điều quan trọng là Myanmar không thiên vị bên nào ở Biển Đông, đồng thời sẽ tìm mọi cách tránh xảy ra tình trạng như Campuchia khi làm Chủ tịch ASEAN năm ngoái để hội nghị Ngoại trưởng khối không ra được tuyên bố chung.

"Chúng tôi sẽ có thể ra tuyên bố chung của khối mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bên ngoài", U Aung Htoo khẳng định. Trong khi Tham tán chính trị - thông tin đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon lại lên tiếng kêu gọi "không để vấn đề Biển Đông làm lu mờ quan hệ Trung Quốc - ASEAN"?!

U Than Maung, một cố vấn của Viện Nghiên cứu Chiến lược Myanmar và quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao cho rằng Myanmar phải tuân theo 1 chính sách đối ngoại độc lập để tránh xung đột với các đối tác ASEAN hoặc các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế.

"Nếu không quản lý các vấn đề này một cách hiệu quả nó có thể gây tổn hại đến vị thế quốc tế của Myanmar", U Than Maung nhận xét. U Kye Myint, một cố vấn khác cùng từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Myanmar và quốc tế cho biết ông lo ngại Myanmar có thể bị kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Biển Đông.

Hồng Thủy