Ngoại trưởng Campuchia bình luận về hiện trạng và dự đoán tương lai Biển Đông

13/03/2017 09:23
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon cho biết, ông tin rằng Biển Đông sẽ vẫn là một vấn đề nóng do sự can dự của Mỹ vào khu vực.

The Phnom Penh Post ngày 13/3 đưa tin, phát biểu tại một buổi hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và xung đột tổ chức hôm thứ Sáu 10/3, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon cho biết, ông tin rằng Biển Đông sẽ vẫn là một vấn đề nóng do sự can dự của Mỹ vào khu vực.

Ông Sokhon nói: "Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực và tiến bộ đã được thiết lập bởi các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng các cơ chế cải thiện an toàn, củng cố lòng tin, tôi vẫn thấy trước khả năng thách thức mới".

Ngoại trưởng Campuchia cho rằng, phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi ông còn là ứng viên trong buổi điều trần để Thượng viện xác nhận chức vụ này trong tháng Giêng, có thể dẫn đến xung đột trong khu vực.

Ông Sokhon cũng ám chỉ dự toán ngân sách quốc phòng mới của Tổng thống Donald Trump, trong đó kêu gọi tăng thêm 54 tỉ USD cho chi tiêu quân sự, sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn khi quân đội Mỹ được rót thêm tiền.

Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon, ảnh: Bayon TV.
Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon, ảnh: Bayon TV.

Greg Raymond, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Australia tham dự hội thảo cho biết:

"Đã có một dấu hiệu sớm cho thấy rằng, có thể Mỹ sẽ có chính sách cứng rắn đi kèm với phát biểu của ông Rex Tillerson. Nhưng theo dõi kể từ khi có tuyên bố đó đến nay, dường như nó không trở thành chính sách hiện thực của Mỹ".

Ông lưu ý, trong 51 ngày qua kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, Mỹ đã tiếp tục điều tàu chiến, máy bay đến Biển Đông khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không. Nhưng chính sách đó bắt đầu từ thời Barack Obama.

Trong khi đó những lo ngại về phát biểu của Rex Tillerson đã phần nào được kiềm chế bởi một sự đồng thuận ngày càng tăng tại Washington rằng, ông Tillerson có ảnh hưởng ít hơn đáng kể so với vị trí Ngoại trưởng ông đang giữ.

Bởi lẽ các nhà quan sát chỉ ra rằng, Tổng thống Donald Trump đã ít tham khảo ý kiến của ông trong những tuyên bố chính sách quan trọng, trong khi ông đứng bên lề các cuộc họp quan trọng của Trump với các lãnh đạo chủ chốt trên thế giới.

The Phnom Penh Post bình luận: phát biểu của Ngoại trưởng Prak Sokhon được đưa ra trong thời điểm các quan chức Campuchia bắt đầu bóng gió quở trách Mỹ, nhắc lại các vấn đề gây tranh cãi như những vụ đánh bom của Mỹ trong những năm 1970, hay khoản Campuchia nợ Mỹ thời kỳ chiến tranh.

Campuchia luôn ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp với các nước láng giềng trên Biển Đông và ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chung chống lại (hành động bành trướng của) Bắc Kinh.

Sau cuộc họp gần đây nhất ở Philippines, Ngoại trưởng Prak Sokhon nêu bật vai trò quan trọng của Trung Quốc như một đối tác chiến lược và kêu gọi tiếp tục đàm phán COC với ASEAN. [1]

Phát biểu của Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon về Biển Đông không có gì mới ngoài việc chạy theo lập trường của Trung Quốc nhằm tô vẽ Hoa Kỳ thành kẻ gây rối hòa bình, ổn định trong vùng biển này.

Ông đã lờ đi những hành động bành trướng, leo thang quân sự hóa Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã, đang thực hiện, cũng như nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu độc chiếm Biển Đông.

Ngoại trưởng Campuchia bình luận về hiện trạng và dự đoán tương lai Biển Đông ảnh 2

Về 5 trọng điểm chính sách đối ngoại Trung Quốc qua phát biểu của ông Vương Nghị

(GDVN) - Bắc Kinh đã xem Tokyo là kẻ địch giả tưởng lớn nhất uy hiếp sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là với chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe.

Giống như các nước nhỏ khác trong khu vực, Campuchia là một địa bàn các nước lớn muốn tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Chỉ có điều không giống như các nước còn lại, cân bằng quan hệ với các nước lớn dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế và các cấu trúc đa phương, nhất là ASEAN, Campuchia quyết định chọn bên. Và họ chọn Trung Quốc.

Chọn đứng về phía Hoa Kỳ, Trung Quốc hay trung dung là quyền của các nhà lãnh đạo mỗi quốc gia. Nhưng quyết định ấy còn phản ánh nhận thức và chính sách của họ với chính trị khu vực và quốc tế.

Đồng thời có thể không loại trừ còn có cả những toan tính khác phục vụ các mục tiêu chính trị trong nước ẩn đằng sau các vấn đề đối ngoại.

Nhưng một khi các quyết sách không được xây dựng trên nền tảng tư duy độc lập, lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng thì sẽ dẫn đến sự lệ thuộc, tự biến mình thành chư hầu kiểu mới cho các đế quốc kiểu mới.

Những phát biểu của Ngoại trưởng Prak Sokhon về Biển Đông chỉ phản ánh nhận thức của một bộ phận các nhà lãnh đạo Campuchia, và tất nhiên nó có thể thay đổi khi thế - thời thay đổi.

The Diplomat đã từng tổng kết, năm 1998 Thủ tướng Hun Sen còn gọi Trung Quốc là "gốc rễ của mọi thứ xấu xa" trên đất nước ông. Nhưng chỉ 12 năm sau, ông xem Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia". [2]

Tình bạn, tình anh em, tình đồng chí hay bất cứ tình gì đi nữa, một khi xây dựng trên cơ sở quan hệ tiền bạc và lợi dụng thì cũng rất dễ thay đổi bởi tiền bạc, hoặc khi giá trị lợi dụng không còn. Đó là một thực tế.

Thậm chí trong trường hợp này, khi không còn giá trị lợi dụng ở góc độ bạn bè, người ta có thể biến bạn bè thành những món hàng để đánh đổi lấy các lợi ích khác.

Trong quan hệ quốc tế, hầu như ai cũng đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên, đặc biệt là những nhà lãnh đạo gánh trên vai trọng trách trước quốc gia, dân tộc. Và nhất là khi quốc gia đó trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng của các thế lực chính trị toàn cầu.

Chỉ có điều, nếu lợi ích quốc gia ấy thiều nền tảng pháp lý và đạo đức được cộng đồng, nhân loại văn minh thừa nhận, hoặc giả chỉ là cái vỏ che đậy cho những lợi ích nhóm hay toan tính cá nhân, thì cũng giống như xây lâu đài trên cát vậy, nó sẽ không bền.

Nếu quan sát 10 năm Cách mạng Văn hóa, người ta có thể rút ra cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc ứng xử với nhau như thế nào, một khi không còn chung lợi ích, mặc dù ai cũng tin rằng mình là vì quốc gia, dân tộc.

Quan sát cách Trung Quốc ứng xử với các nước láng giềng, cách họ bắt tay với Mỹ khi cần chống Liên Xô, hợp tác với Nga khi cần chống Hoa Kỳ cũng có thể rút ra nhiều điều bổ ích cho mình. Hơn ai hết, các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Trung Quốc hiện nay đang cảm nhận rõ nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.phnompenhpost.com/national/south-china-sea-fears-laid-uss-door

[2]http://thediplomat.com/2016/09/how-china-came-to-dominate-cambodia/

Hồng Thủy