Tiếp theo bài "Bắc Kinh khao khát quyền bá chủ Biển Đông, sẵn sàng chà đạp nước khác" giới thiệu bài phân tích của Benard và Leaf trên The Natinonal Interest ngày 11/9.
Những ý tưởng của Benard và Leaf về hợp tác Việt - Mỹ
Hai tác giả cho rằng: "Việt Nam cần ngay lập tức cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn đến các căn cứ quân sự của mình. Việt Nam có thể duy trì sự kiểm soát của mình, nhưng nên để cho Mỹ truy cập và cho phép họ xây dựng cơ sở hạ tầng và lắp đặt các thiết bị mới. Mỹ có thể nhanh chóng điều động lực lượng ra Biển Đông và dễ làm Bắc Kinh nản chí hơn, không dám quấy rầy Việt Nam. Việt Nam cũng nên cho phép hải quân Mỹ thăm cảng nhiều hơn và cung cấp quyền truy cập vào Cam Ranh."
Xin nhắc lại rằng, Việt Nam đã có quá nhiều bài học vì từng là nạn nhân của sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc, nên độc lập tự chủ, tự lực tự cường đã trở thành chủ trương sống còn. Việt Nam không dựa vào nước này chống nước khác, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình hay sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại một bên thứ 3 - PV.
Ý tốt của Benard và Leaf là đáng ghi nhận và trân trọng, nhưng quyết định ra sao thì các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã có chủ trương của mình. Chính hai tác giả cũng đã thấy rõ Mỹ khoanh tay đứng ngoài trong khủng hoảng giàn khoan 981, có thể lý giải vì Việt - Mỹ không phải đồng minh. Nhưng ngay cả với đồng minh Philippines có hiệp ước đảm bảo an ninh, Mỹ cũng khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc cướp mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012.
Hai vị cũng đã biết rõ Mỹ phải dàn sức trên nhiều mặt trận, trong khi ngân sách quốc phòng ngày càng giảm. Quan hệ Trung - Mỹ vừa hợp tác vừa cạnh tranh, khi cần thì thỏa hiệp để hai bên cùng thắng, còn bên thứ 3 có thiệt thòi cũng không cần băn khoăn quá nhiều. Trước thực tế này, Benard và Leaf sẽ lấy gì đảm bảo Mỹ có thể "bảo vệ" Việt Nam trên Biển Đông?
Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước đối thủ không cân sức và thừa nham hiểm như Trung Quốc, được hỗ trợ bao nhiêu tốt cho Việt Nam bấy nhiêu. Nhưng vấn đề đặt ra là, những điều kiện đằng sau những hỗ trợ ấy đối với Việt Nam là gì mới là chuyện đáng bàn. 18 triệu USD hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam có thêm tàu tuần tra lúc này là vô cùng đáng quý, nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là chuyện đáng hoan nghênh. Nhưng người Việt không ảo tưởng rằng chỉ bấy nhiêu có thể ngăn được Trung Quốc bành trướng Biển Đông - PV.
Về mặt kinh tế hai tác giả cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách theo kêu gọi của các đối tác tham gia đàm phán TPP. Thực tế là các bên đàm phán TPP phải có cái nhìn tổng thể, khách quan về trình độ phát triển của mỗi nước, tính toán đến những xuất phát điểm khác nhau để thúc đẩy ký kết TPP mà các bên đều cùng thắng. Đó phải là sân chơi sòng phẳng và công bằng, mang lại lợi ích đến cho nhau chứ không phải riêng Việt Nam kiếm lợi từ các nước mà đặt vấn đề chỉ Việt Nam phải thế này, thế kia - PV.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
Việc tham gia TPP có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, có thể tự do hơn để theo đuổi lợi ích quốc gia của mình ngay cả khi có xung đột mâu thuẫn với Trung Quốc, Benard và Leaf bình luận. Rõ ràng đây là mong ước và cũng là trăn trở của người Việt, nhưng chỉ riêng TPP chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Ngoại lực rất quan trọng, nhưng "nội công" mới là yếu tố quyết định. Việt Nam không tự đổi mới, vượt qua khó khăn vươn lên cường thịnh thì TPP cũng chẳng giúp được gì - PV.
Tổng thống Obama nên nói chuyện với ông Tập Cận Bình về thái độ chèn ép của Trung Quốc với Việt Nam
Về phần đáp lại của Washington, Benard và Leaf gợi ý Tổng thống Barack Obama sẽ đưa vấn đề Biển Đông và Trung Quốc chèn ép Việt Nam lên trên bàn đàm phán với ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc. Hai tác giả cho rằng, bằng cử chỉ này Mỹ sẽ báo hiệu cho Việt Nam thấy, Hoa Kỳ nghiêm túc và không ngần ngại đối đầu với Trung Quốc nếu Bắc Kinh liều lĩnh có hành động xâm lược với Việt Nam.
Có thể đó là những mong muốn vô tư hoặc suy luận của cá nhân Benard và Leaf, nhưng phải chăng hai tác giả đang quá tự tin vào "nghĩa hiệp" của nước Mỹ? Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi sự hợp tác đều được tính toán trên cơ sở công bằng, trao đổi "ngang giá", có đi có lại chứ không có chuyện "nghĩa hiệp giang hồ, thấy chuyện bất bằng ra tay tương trợ", hy sinh con người, tiền bạc, vũ khí để bảo vệ bạn bè trong khi bạn lại nghèo, không thể mang lại lợi ích gì lớn hơn cái đối tác phải bỏ ra để tương trợ.
Hai tác giả đề xuất tiếp, Hoa Kỳ nên giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào mối quan hệ an ninh khu vực, kể cả khuyến khích Việt Nam cùng phát triển công nghiệp quốc phòng, mời tham gia tập trận chung đa phương và tuần tra hải quân chung, mua sắm vũ khí Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để tránh lệ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Hoa Kỳ phải sớm kết thúc TPP, trong đó sẽ có lợi cho cả hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành một trong những đối tác tốt nhất của Mỹ để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh. Việt Nam tiếp giáp với Biển Đông và giáp với Trung Quốc. Việt Nam sẽ là một đối tác quân sự mạnh của Hoa Kỳ đang phải đối mặt với Trung Quốc lớn hơn và mạnh hơn về vũ trang, Benard và Leaf bình luận.
Theo hai tác giả, Hoa Kỳ và Việt Nam phải nâng cao hợp tác song phương, điều này sẽ báo hiệu rằng Washington cam kết chống bành trướng của Trung Quốc trong lúc các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang lo lắng, không chắc Mỹ có làm những gì cần thiết để chống hành vi gây hấn của Bắc Kinh hay không.
Một mối quan hệ hợp tác Mỹ - Việt mạnh mẽ cũng có thể làm chậm sự bành trướng của Trung Quốc bằng cách chứng minh cho họ thấy hành động của mình sẽ gây phản tác dụng và các nước trong khu vực sẽ đoàn kết chống lại.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, Tổng thống Obama sắp phải rời Nhà Trắng, ai sẽ lên thay ông còn phải chờ thời gian trả lời.
Đã có những tiếng nói chỉ trích các đồng minh Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương từ Donald Trump, một ứng viên của đảng Cộng Hòa rằng Nhật Bản, Hàn Quốc đang trở thành "gánh nặng" vì quá lệ thuộc vào sự bảo hộ của Mỹ mà không đem lại lợi lộc gì cho Mỹ, tỷ phủ này lập luận.
Nói như vậy không có nghĩa là cổ súy cho lập luận này của Donald Trump, mà chỉ là dấu hiệu nhắc nhở các đối tác của Mỹ rằng, không phải chính khách nào của Hoa Kỳ cũng sẵn sàng dốc tiền đổ của ra để "bảo vệ" bạn bè hay đồng minh. Tất cả là bài toán lợi ích, trao đổi phải sòng phẳng, công bằng và ngang giá, đặc biệt là với Hoa Kỳ - PV.