Nikkei Asian Review ngày 5/12 đưa tin, nhân vật quyền lực thứ 4 Trung Quốc, ông Du Chính Thanh - Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc hôm Thứ Sáu đã kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe phải "cẩn trọng" với những gì ông nói về tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông.
Ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc. Ảnh: thetimes.co.uk |
Ông Thanh đưa ra cảnh báo này khi tiếp các nghị sĩ của đảng cầm quyền Nhật Bản LDP Tanigaki, Tổng thư ký đảng Komeito - Yoshihisa Inoue. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, đảng cầm quyền ở Nhật Bản và Trung Quốc nối lại các hoạt động bang giao do những căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ.
Đề cập đến các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo trên các vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông, ông Du Chính Thanh nói rằng những việc này được thực hiện trên cái gọi là "lãnh thổ của Trung Quốc" và đó là điều bình thường, yêu cầu Nhật Bản không phản ứng "thái quá"?!
Sau đó ông Du Chính Thanh đã không nói thẳng tên Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng ám chỉ rằng ông cần phải "kín đáo với các lời nói và hành động, duy trì nguyên tắc hai nước không trở thành mối đe dọa cho nhau". Du Chính Thanh nói rằng ông ta "khó hiểu" tại sao lại cho rằng các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo lại đe dọa tự do hàng hải khu vực.
Ông Thanh nói rằng Trung Quốc không bao giờ cản trở quyền tự do đi lại của Nhật Bản ở Biển Đông. Cùng với những nhà lãnh đạo khác trong khu vực, Thủ tướng Abe đã nêu bật mối lo ngại về hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng trước tại Kuala Lumpur, Malaysia, ông Shinzo Abe đã gọi các hành động của Trung Quốc là phá vỡ hiện trạng, hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên quan hệ Trung - Nhật sau nhiều năm băng giá đang có dấu hiệu cải thiện.
Vài lời bình luận: 7 bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) biến thành đảo nhân tạo với diện tích hơn 1000 héc ta, 3 đường băng dài 3000 mét có thể cất hạ cánh các chiến đấu cơ hiện đại nhất, các trạm phát điện bằng năng lượng sóng khổng lồ sắp được lắp đặt để chạy ra đa quân sự, và rất có thể là cả các trận địa tên lửa đang mọc lên ở Trường Sa.
Chẳng ai có thể tin với bằng ấy những vũ khí tối tân Trung Quốc sẽ lắp đặt trên hệ thống tiền đồn quân sự đang hình thành ở Trường Sa chỉ để ngắm, chỉ để "phục vụ mục đích dân sự và cung cấp dịch vụ quốc tế". Đúng như bình luận của tờ Khmer Times, đó không phải là trò chơi của trẻ con, mà là tham vọng "tìm kiếm vinh quang đế quốc".
Cả khu vực, cộng đồng quốc tế và Mỹ, Nhật đều nhìn thấy điều đó, lo ngại vì nó và tìm mọi cách ngăn chặn tham vọng bành trướng lãnh thổ, áp đặt luật chơi và xưng hùng, xưng bá trong khu vực.
Mặc dù nhu cầu cải thiện quan hệ Trung - Nhật là có thật, nhưng không phải vì thế mà Nhật Bản và đặc biệt là chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe chấp nhận khuất phục trước cường quyền. Những phát biểu của ông Du Chính Thanh hay thông điệp của Trung Nam Hải đối với Nhật Bản chỉ là những câu chuyện vớt vát vô nghĩa.
Tất nhiên Nhật Bản sẽ phải cân nhắc trong việc có trực tiếp tham gia cùng Hoa Kỳ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông hay không, bởi bản thân Nhật cũng đang phải căng mình đối phó với các tàu hải cảnh Trung Quốc ở Senkaku, Hoa Đông cũng như hoạt động của Nga ở vùng lãnh thổ phương Bắc.
Nhưng tiếng nói của Nhật Bản trong các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế về Biển Đông rất quan trọng. Đóng góp của Nhật Bản trong việc giúp đỡ các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực phòng thủ an ninh hàng hải thực sự quý giá và đang phát huy hiệu quả trong việc đối phó với những hành vi bành trướng leo thang.
Dăm ba câu dọa nạt của Trung Quốc chẳng thể làm lung lay ý chí của người Nhật trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế cũng như lợi ích của mình ở Biển Đông.