Ông Phạm Trường Long đổ bộ bất hợp pháp xuống Trường Sa

16/04/2016 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - "Phạm Trường Long như muốn nói với người Mỹ, tôi ở đây chờ các ông", ông Hùng bình luận.

Ngày 15/4 Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, ông Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đã đi thị sát, kiểm tra lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú (bất hợp pháp) trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Phạm Trường Long ra đảo nhân tạo với sự tháp tùng của các sĩ quan quân đội và các quan chức dân sự "trong những ngày gần đây". Chuyến đi bất hợp pháp diễn ra trót lọt, không xảy ra sự cố gì, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ông Long nghe báo báo về các hoạt động bồi lấp, xây dựng (và leo thang quân sự hóa) các đảo nhân tạo từ lực lượng đồn trú. 

Ông Phạm Trường Long, ảnh: Ng Han Guan / The New York Times.
Ông Phạm Trường Long, ảnh: Ng Han Guan / The New York Times.

The New York Times cùng ngày nhận xét, đây là chuyến đổ bộ thị sát (bất hợp pháp) khu vực (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp của một viên tướng cao cấp nhất trong hàng ngũ sĩ quan Trung Quốc tới Trường Sa.

Mặc dù Bắc Kinh giấu các thông tin chi tiết về động thái này, nhưng nó cho thấy thái độ thách thức của Trung Quốc trước Hoa Kỳ, cũng như các bên liên quan ở Trường Sa, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Trong quân đội Trung Quốc, ông Long chỉ xếp sau ông Tập Cận Bình. Dưới thời Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động leo thang bành trướng, quân sự hóa Biển Đông để tìm kiếm sự thống trị gần như toàn bộ vùng biển này - không gian sinh tồn của nhiều nước Đông Nam Á.

Suốt thập kỷ qua, giới lãnh đạo quân sự và dân sự Trung Quốc đổ bộ (bất hợp pháp) đến Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) đã diễn ra nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên một viên Thượng tướng Trung Quốc đã đổ bộ xuống Trường Sa.

Bắc Kinh công bố thông tin này sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đã lên thị sát tàu sân bay USS John C Stennis chiều Thứ Sáu 15/4  trên "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông, ngày kết thúc cuộc tập trận chung Vai Kề Vai giữa Mỹ và Philippines.

Ông Carter cũng đã quyết định để lại 9 máy bay chiến đấu các loại và khoảng 300 quân tại 2 căn cứ ở Philippines đề phòng tình huống căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

The Japan Times ngày 15/4 dẫn lời Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự từ Thượng Hải nhận xét, động thái Phạm Trường Long ra Trường Sa mang thông điệp khá rõ ràng, Trung Quốc muốn vỗ mặt Hoa Kỳ và thể hiện thái độ (ngông cuồng) không thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông.

"Phạm Trường Long như muốn nói với người Mỹ, tôi ở đây chờ các ông", ông Hùng bình luận.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, ảnh: ALEX WONG / GETTY.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, ảnh: ALEX WONG / GETTY.

Trong thời gian Bộ trưởng Carter ở trên tàu sân bay USS John C Stennis, ông đã quan sát máy bay chiến đấu F / A 18 Hornet cất hạ cánh. Chỉ huy tàu sân bay Chuẩn Đô đốc Ron Boxall cho biết, có 1 đến 2 tàu Trung Quốc bám theo tàu sân bay Mỹ, nhưng giữ khoảng cách và không có gì căng thẳng.

Tô Hạo, một chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh đã đoán trước thế nào Mỹ cũng khởi động tuần tra chung với các nước ở Biển Đông để chống lại yêu sách (bành trướng, phi lý và phạm pháp) của Trung Quốc.

Đa Chiều ngày 15/4 thì cho rằng, hành động của Phạm Trường Long còn nhằm "báo thù" việc ông Ash Carter đột ngột hoãn thăm Trung Quốc, đồng thời cũng thể hiện sự hỗ trợ tinh thần cho lực lượng bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Trường Sa.

Theo Đa Chiều, The Wall Street Journal cùng ngày 15/4 dẫn nguồn tin 2 quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Phạm Trường Long đã đổ bộ (bất hợp pháp) lên đá Chữ Thập từ cuối tuần trước.

Từ Thứ Sáu tuần trước ngày 8/4 Mỹ đã phát hiện nhiều máy bay cất hạ cánh ở Chữ Thập. Máy bay mang phù hiệu quân sự của tướng lĩnh cao cấp Trung Quốc, bao gồm một máy bay chở khách A319, một chiếc Bombardier CRJ.

Phía Mỹ nắm được ngày Phạm Trường Long đổ bộ xuống Chữ Thập nhưng không rõ ông ta ở đó bao lâu và làm gì. Đến ngày Chủ Nhật 10/4 lại phát hiện máy bay cất cánh từ Chữ Thập.

Lần này nếu Bộ trưởng Ash Carter thăm Trung Quốc theo kế hoạch, thì Phạm Trường Long sẽ ở Bắc Kinh đón tiếp. Có quan chức Mỹ giấu tên cho rằng, thậm chí hiện tại Phạm Trường Long vẫn ở Trường Sa chưa về Trung Quốc.

Ngoài động thái leo thang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, động thái này của ông Phạm Trường Long còn chà đạp lên công luận, chà đạp lên cam kết của ông Tập Cận Bình và đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Đáng chú ý là nó diễn ra sau một loạt hành vi phiêu lưu quân sự nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông với việc kéo máy bay, tên lửa ra Hoàng Sa. Ngoài động thái mới Phạm Trường Long thị sát phi pháp ở Trường Sa, thời điểm ông Ash Carter thăm Philippines, Trung Quốc đã kéo ít nhất 16 chiến đấu cơ J-11 ra bố trí trái phép ở Phú Lâm, Hoàng Sa.

Hồng Thủy