BBC tiếng Trung Quốc ngày 26/7 có bài phân tích: Tôn Chính Tài ngã ngựa, việc kế nhiệm của Trung Nam Hải sẽ đi theo đường lối của Putin? [1]
Hãng thông tấn này bình luận:
"Từng được xem là ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình trong tương lai, việc ông Tôn Chính Tài bị điều tra ngay trước thềm Đại hội 19 đã lấy mất cơ hội của cựu Bí thư Trùng Khánh.".
Chuyện Tôn Chính Tài và chuyện Trùng Khánh
Ngày 24/7, Tân Hoa Xã đưa một bản tin ngắn gọn:
"Đồng chí Tôn Chính Tài vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định giao cho Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương lập án thẩm tra". [2]
Hiện nay chưa rõ ông Tôn Chính Tài có còn là Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 hay không.
Truyền thông Trung Quốc mới chỉ xác nhận ông mất chức Bí thư Trùng Khánh.
Cách tờ Đa Chiều tuyên truyền về sự kiện Tôn Chính Tài cho thấy, ông mất chức Bí thư Trùng Khánh có thể liên quan đến việc không cố gắng "xóa bỏ tàn dư độc hại của Bạc Hy Lai" theo yêu cầu từ Trung Nam Hải. Ảnh: Đa Chiều. |
Tuy nhiên, ngày 25/7 Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận rất đáng chú ý với tiêu đề:
"Tôn Chính Tài bị điều tra, kỷ luật đảng và luật pháp nhà nước không bao giờ khom lưng trước cường quyền". [3]
Bài xã luận này có đoạn:
"Bản tin của Tân Hoa Xã vẫn còn gọi Tôn Chính Tài là 'đồng chí', điều này chỉ cho thấy sự tôn trọng với danh dự cá nhân Tôn Chính Tài, trước khi Trung ương kết thúc điều tra và làm rõ mọi việc...
Một Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm ngã ngựa, sẽ tạo ra những dư luận nhất định. Nhưng chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng:
Kinh tế Trung Quốc những năm qua không ngừng cải cách, khuôn khổ chính trị và xã hội đều ổn định chưa từng có, ảnh hưởng vụ Tôn Chính Tài bị ngã ngựa cũng chỉ vừa phải, không thể gọi đó là (sự kiện) chấn động.".
Bình luận này của Thời báo Hoàn Cầu phải chăng là một chỉ dấu, ông Tôn Chính Tài cũng đã mất luôn ghế Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, chỉ có điều chưa chính thức công bố?
Nguyên nhân ông Tài bị mất chức Bí thư Trùng Khánh, bị "lập án điều tra" theo Thời báo Hoàn Cầu là:
"Rõ ràng y đã không điều khiển được quyền lực trong tay, không kiểm soát được tham vọng cá nhân bành trướng". [3]
BBC tiếng Trung Quốc có lý giải khác với Thời báo Hoàn Cầu về sự cố ông Tôn Chính Tài. Một số nhà phân tích nói với đài này rằng:
Sở dĩ Tôn Chính Tài bị mất chức Bí thư Trùng Khánh là vì cả nhiệm kỳ này, ông Tài tránh va chạm, chẳng làm gì, ngồi đợi đến lượt vào Thường vụ Bộ chính trị trong Đại hội 19.
Phong cách Tôn Chính Tài khác hẳn với Bạc Hy Lai.
Con trai cựu 'bát đại nguyên lão' Bạc Nhất Ba khi lên nắm quyền Bí thư Trùng Khánh kiêm Ủy viên Bộ chính trị, đã ra sức thúc đẩy các hoạt động "xướng hồng đả hắc".
Đó là 2 chiến dịch: hát ca khúc cách mạng thời Mao Trạch Đông (xướng hồng) và truy quét tội phạm xã hội đen ở Trùng Khánh (đả hắc).
Tôn Chính Tài "vụt tắt vì dớp Bạc Hy Lai" và luật bất quy tắc Đại hội 19 |
BBC tiếng Trung Quốc cho rằng, đây là những hoạt động chính trị "bạo gan", mang màu sắc "cấp tiến".
Sau sự kiện Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào tòa lãnh sự Mỹ tại Trùng Khánh, sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai tưởng chừng đang lên như diều gặp gió, bỗng chốc sụp đổ ngay trước thềm Đại hội 18.
Năm 2013, ông Bạc Hy Lai bị tuyên án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực. Vương Lập Quân thì bị phạt tù 15 năm với các tội danh tương tự.
Một người dân Trùng Khánh làm nghề bốc vác có tên Đàm Hòa Bình, khi trả lời phỏng vấn của truyền thông hải ngoại, đã nhận định:
"Bạc Hy Lai đã lập lại trật tự và luật pháp ở Trùng Khánh. So với Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài thua xa.
Tôi chả thấy ông Tài làm được gì cho Trùng Khánh.". [1]
'Bảy vào, tám ra' thành quá khứ, học tập Vladimir Putin giữ quyền lực
BBC tiếng Trung Quốc cho rằng, rất nhiều người đồn đoán về khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo tối cao sau Đại hội 20 vào năm 2022.
Nguồn tin nội bộ Trung Quốc nói với đài này rằng, có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ giữ ông Vương Kỳ Sơn lại Thường vụ Bộ chính trị khóa 19 trong 5 năm tới.
Luật bất thành văn về nhân sự cấp cao Trung Quốc (Bộ chính trị hoặc Thường vụ Bộ chính trị) trước mỗi kỳ Đại hội là tuổi dưới 67 thì tiếp tục vào, 68 tuổi trở lên thì nghỉ hưu, thường được gọi tắt là 'bảy vào, tám ra', có khả năng bị phá vỡ.
Một chỉ dấu đặc biệt khác củng cố cho nhận định này là, năm ngoái một quan chức Vụ Điều tra - nghiên cứu Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc công khai nói với truyền thông phương Tây:
Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc không tồn tại quy định nào rõ ràng về 'bảy vào, tám ra'.
Người ta cho rằng, phát biểu này nhằm dọn đường cho ông Vương Kỳ Sơn, năm nay 69 tuổi, có thể ở lại khóa nữa.
Ngày 4/7 vừa qua tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình huân chương St. Andrew hạng nhất. Ảnh: BBC News. |
Ngày 25/7, tờ Financial Times bản chữ Hán có bài phân tích, rất có thể ông Vương Kỳ Sơn sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc trong Đại hội 19.
Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường có thể thay thế ông Trương Đức Giang làm Chủ tịch Quốc hội. [4]
Simone van Nieuwenhuizen, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc từ Sydney, Australia bình luận:
Lý do Tôn Chính Tài bị "tóm" không rõ ràng, trong khi nhiều người biết ông là do cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề bạt.
Do đó theo Simone van Nieuwenhuizen, việc bắt Tôn Chính Tài cho thấy, có khả năng ông Tập Cận Bình và những người ủng hộ đang có cảm giác "không an toàn".
Bill Bikales, người phụ trách một tổ chức tư vấn về kinh tế - chính trị Đông Á nhận định:
Khả năng kiểm soát quyền lực tuyệt đối của ông Tập Cận Bình đã vượt hai người tiền nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Ngày càng có nhiều đồn đoán cho rằng, ông Bình sẽ tiếp tục nắm quyền chèo lái Trung Quốc sau Đại hội 20.
Bill Bikales cho biết, gần đây khi trả lời câu hỏi của một học sinh ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: "Có khả năng tôi sẽ không rời chức vụ Tổng thống".
Theo Hiến pháp Liên bang Nga, ông Putin vẫn có thể tranh cử Tổng thống trong năm 2018, nếu trúng cử thì nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục nắm quyền đến 2024.
Nhiều người Nga hy vọng ông Putin nắm quyền để có đủ sức mạnh khôi phục vị thế cường quốc. Người Trung Quốc cũng có chung mong muốn ấy.
Tại Trung Quốc, tham nhũng và hủ hóa nghiêm trọng đã khiến nhiều người tuyệt vọng.
Nhưng đồng thời, điều này cũng làm nhiều người kỳ vọng xuất hiện một chính khách mạnh mẽ để cứu đảng Cộng sản Trung Quốc, cứu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông Tập Cận Bình đã chống tham nhũng với thái độ quyết liệt, đánh cược bằng cả sinh mạng và danh dự cá nhân, việc tập trung quyền lực vượt qua cả quy định trong điều lệ đảng cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra, Bill Bikales bình luận. [1]
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.bbc.com/zhongwen/simp/chinese-news-40731495
[2] http://news.xinhuanet.com/politics/2017-07/24/c_1121372319.htm
[3] http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-07/11027498.html
[4] http://www.bbc.com/zhongwen/simp/press-review-40715318