Vương Dân, Đại sứ - phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc buông lời xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Việt Nam. |
Trong một động thái nực cười hơn nữa của Bắc Kinh, hôm 9/6 Vương Dân, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư vu cáo Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 và tranh thủ ngụy biện về cái gọi là "chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa", tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đã rắp tâm cất quân xâm lược năm 1956, 1974.
Zachary Keck, biên tập viên tạp chí The Diplomat ngày 10/6 bình luận, thoạt nhìn quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề (vu cáo Việt Nam) ra Liên Hợp Quốc khá khó hiểu, bởi lâu nay Bắc Kinh vẫn "phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" tại các diễn đàn khu vực như Đối thoại Shangri-la hay hội nghị ASEAN, từ chối tham dự phiên tòa kiện đường lưỡi bò, nhưng giờ lại giở giọng "quốc tế hóa" vụ giàn khoan 981.
Lý do Trung Quốc muốn "quốc tế hóa" vụ giàn khoan 981 thực chất là muốn biến vụ việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thành "tranh chấp lãnh thổ" với quần đảo Hoàng Sa, mà tranh chấp lãnh thổ thì không tòa án nào thụ lý trừ phi cả 2 bên thống nhất ra tòa, trong khi Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa và không bao giờ thừa nhận tranh chấp.
Tranh chấp lãnh thổ nằm ngoài phạm vi của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nhưng bản chất vụ giàn khoan 981 lại là vụ vi phạm trắng trợn UNCLOS mà Trung Quốc đang cố tình giăng bẫy Việt Nam - PV.
Nhà báo Zachary Keck bình luận, Trung Quốc đang khống chế quần đảo Hoàng Sa và liên tục chối bỏ thừa nhận tồn tại tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo này. Nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn Bắc Kinh hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã bị Bắc Kinh bóp méo thành "tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa". Đây là một hành vi đánh tráo khái niệm pháp lý quốc tế quá trơ trẽn của Bắc Kinh mà chúng ta cần hết sức tỉnh táo - PV.
Theo Zachary Keck, trong thực tế quyết định của Trung Quốc nêu vấn đề (vu cáo Việt Nam) tại Liên Hợp Quốc có thể phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về khả năng Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý để đối phó với (tham vọng bành trướng lãnh thổ của) Trung Quốc vốn có ưu thế hơn hẳn về quân sự.
Việt Nam khởi kiện Trung Quốc theo UNCLOS sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ và rất nhiều nước khác, Zachary Keck bình luận. Chính vì vậy, Trung Quốc đã chủ động lu loa và đưa ra "tuyên bố chủ quyền" với Hoàng Sa ra Liên Hợp Quốc, một thủ đoạn cố gắng ngăn cản Việt Nam khởi kiện, tách vụ giàn khoan 981 vi phạm trắng trợn UNCLOS khỏi phạm vi của UNCLOS.
Keck bình luận, đây là một canh bạc nguy hiểm, bởi trong khi "dựa vào luật pháp quốc tế" (thực tế là đánh tráo khái niệm, bóp méo luật pháp quốc tế - PV) trong vụ giàn khoan 981 để chiếm ưu thế với Việt Nam ở Hoàng Sa (thực tế giàn khoan 981 đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam theo đúng quy định của UNCLOS, không phải cái gọi là "vùng biển Hoàng Sa" như một số phương tiện truyền thông đưa tin. Hoàng Sa không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo UNCLOS), thì đường lưỡi bò của Bắc Kinh về cơ bản lại mâu thuẫn với luật pháp quốc tế.
Do đó, Trung Quốc có thể thiết lập một tiền lệ nguy hiểm bẻ cong luật pháp quốc tế. Điều thú vị là khi phát biểu tại cuộc họp kỷ niệm 20 năm UNCLOS có hiệu lực hôm Thứ Hai vừa rồi, Vương Dân không trực tiếp nhắc đến Việt Nam hay căng thẳng Biển Đông, thay vào đó ông Dân ca ngợi UNCLOS và nói, Trung Quốc tuân thủ đầy đủ UNCLOS (?!), giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Và cũng chính trong bài phát biểu này, Vương Dân nhấn mạnh, Bắc Kinh tin rằng cách hiệu quả nhất giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải là "đàm phán, tham vấn giữa các bên trực tiếp liên quan", trên cơ sở tôn trọng "sự thật lịch sử" và luật pháp quốc tế. Phát biểu của Vương Dân là minh chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc không hề thay đổi quan điểm của họ về tranh chấp hàng hải, vẫn đòi đàm phán tay đôi (và bẻ cong luật pháp quốc tế, ngăn chặn ra tòa - PV).