The Jakarta Post ngày 22/6 đưa tin, Thứ Năm 23/6 Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ tới tỉnh Riau, quần đảo Natuna và kiểm tra một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia và bị lực lượng chức năng nước này bắt giữ.
Ông Joko Widodo muốn kiểm tra khả năng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý quần đảo Natuna (trước sự xâm nhập ngày càng liều lĩnh của tàu cá Trung Quốc).
Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ảnh: AP. |
S. Irawan, Tư lệnh Căn cứ hải quân Tanjung Pinang IV nói với báo giới rằng, ông Joko Widodo đến Natuna là để kiểm tra một chiếc tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ và tình hình tuần tra của các lực lượng chức năng nước này trên Biển Đông.
The Straits Times ngày 22/6 lưu ý, chuyến đi Natuna của Tổng thống Joko Widodo sẽ diễn ra ngay sau khi cấp phó của ông, Jusuf Kalla nói với Reuters rằng, Indonesia sẽ cứng rắn hơn, quyết đoán hơn trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của nước này ở quần đảo Natuna.
Thứ Sáu tuần trước, Hải quân Indonesia đã ngăn chặn và bắt giữ tàu cá Trung Quốc Yueandong Yu đánh bắt trái phép trong vùng biển Natuna. Đây là vụ bắt giữ thứ 3 liên quan đến tàu cá Trung Quốc từ tháng Ba năm nay.
The Straits Times cho hay, sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc xung quanh vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna thực ra là mưu mẹo của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, theo Tư lệnh Hạm đội Phương Tây của Hải quân Indonsia, Taufiq R.
Chuẩn Đô đốc Taufiq cũng phủ nhận cáo buộc của Bắc Kinh rằng tàu hải quân Indonesia đã bắn bị thương một ngư dân Trung Quốc.
"Ăn cắp cá của chúng tôi chỉ là một cái cớ. Thực sự nó là một động thái để thực hiện yêu sách của họ.Khi bạn yêu sách đối với một vùng biển, bạn phải có mặt ở đó. Theo cách của Trung Quốc là triển khai tàu cá", theo Taufiq.
Người viết cho rằng đây là một phản ứng khá kiên quyết, cứng rắn và kịp thời của Indonesia nhằm đáp trả các hành vi leo thang thực hiện yêu sách đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang thúc đẩy.
Tuy nhiên việc làm này của Indonesia sẽ ý nghĩa và hiệu quả hơn nếu Jakarta có thêm tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa hối thúc Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò và bảo vệ phán quyết ấy.
Bởi suy cho cùng, Indonesia vẫn nói họ không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng đường lưỡi bò đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quần đảo Natuna, tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đã vào sát bờ biển nước này cứ như chỗ không người, đã đến lúc Jakarta cần xem lại cách tiếp cận.
Bắc Kinh thì vẫn khăng khăng, một mặt khẳng định chuyện đương nhiên là không có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Natuna thuộc lãnh thổ Indonesia, mặt khác nói rằng một phần vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Natuna là "ngư trường truyền thống của Trung Quốc".