Triều Tiên làm lộ điểm yếu trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình

16/05/2017 14:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Thời ông Tập Cận Bình dường như Trung Quốc không còn là nước có vị trí thống trị ở Đông Bắc Á, trong khi lại tạo ra nhiều kẻ thù hơn là đối tác so với trước.

Đa Chiều ngày 15/4 đưa tin, đúng ngày Trung Quốc khai mạc Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì tại Bắc Kinh hôm 14/5, Triều Tiên phóng một quả tên lửa đạn đạo.

Trung Quốc bực mình

Dẫn bình luận tờ Независимая газета (Độc lập) của Nga hôm 15/5, Đa Chiều cho biết:

Bắc Kinh vô cùng phẫn nộ vì quả tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng phóng đúng lúc nhạy cảm. Nó chẳng khác gì một cái "bạt tai" với người Trung Quốc trong lúc nhà đang có "đại lễ".

Chuyên gia George Toloraya phát biểu trên báo Nga, chủ đề chính cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Vladimir Putin với Chủ tịch Tập Cận Bình sau phiên khai mạc Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường đã bị thay thế bởi vấn đề Triều Tiên phóng tên lửa.

Hội đàm xong, hai ông Putin và Tập Cận Bình lại đi bộ trao đổi cùng nhau trong khuôn viên Điếu Ngư Đài ở Trung Nam Hải.

Đúng lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường thì Triều Tiên phóng tên lửa, ảnh: CNN.
Đúng lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường thì Triều Tiên phóng tên lửa, ảnh: CNN.

Chiến lược Một vành đai, một con đường của Trung Quốc đang gặp khó khăn khi thúc đẩy sang Nga.

Dự án tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow với Kazan nằm trong khuôn khổ chiến lược Một vành đai, một con đường đã không được hai bên nhắc tới.

Truyền thông Nga cho biết, khác biệt giữa 2 bên về dự án này rất lớn khi Bắc Kinh yêu cầu sử dụng toàn bộ thiết bị và công nghệ Trung Quốc, nhân công Trung Quốc để xây dựng tuyến đường này.

Đồng thời Trung Quốc yêu cầu, nếu tuyến đường này vận hành thua lỗ thì chính phủ Nga sẽ phải gánh thiệt hại kinh tế. [1]

Đúng lúc Bắc Kinh muốn tập trung thúc đẩy Moscow thực hiện dự án này thì bị quả tên lửa của Triều Tiên hôm 14/5 choán hết tâm trí cả chủ lẫn khách.

Cùng bình luận về sự kiện Triều Tiên bắn tên lửa, South China Morning Post, Hồng Kông ngày 16/5 cho hay, Trung Quốc có thể ủng hộ một lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc chống lại Bình Nhưỡng. [2]

Trước khi ông Tập Cận Bình khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Triều Tiên ở Trung Quốc Ji Jae-ryong tổ chức họp báo tại Bắc Kinh tuyên bố:

Vụ bắn thử tên lửa đạn đạo là một phần nỗ lực của quốc gia này để phát triển các biện pháp tự vệ, theo lệnh ông Kim Jong-un. Đa Chiều cho rằng, cuộc họp báo này là "quá khích, vuốt mặt không nể mũi".

Theo yêu cầu của Hoa Kỳ và Nhật Bản, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày hôm nay để thảo luận các phản ứng.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi áp dụng các chế tài cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng thì Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói vụ thử tên lửa này là "nguy hiểm", nhưng ông Putin giải thích thêm: Bình Nhưỡng đang bị đe dọa.

Triều Tiên làm lộ điểm yếu trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình  ảnh 2

Trung - Mỹ dàn xếp chuyện Triều Tiên, Bình Nhưỡng quyết làm chủ vận mệnh

Giáo sư Xu Hao từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: "Triều Tiên phải chịu trách nhiệm và phải bị trả giá.

Đây cũng có thể là cơ hội cho Trung Quốc thể hiện rằng, họ sẽ bắt đầu một số kế hoạch hợp lý để giải quyết vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ cộng đồng quốc tế.".

Còn theo bình luận của học giả người Hoa hải ngoại Bo Zhiyue trên Channel News Asia, Singapore hôm 15/5, Bình Nhưỡng đang trở thành một vấn đề nhức nhối với Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình. [3]

Triều Tiên làm lộ điểm yếu trong chính sách đối ngoại Tập Cận Bình

Chuyên gia Bo Zhiyue tin rằng, những vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên tục của Triều Tiên đã đẩy ông Tập Cận Bình vào thế bí.

Nhà lãnh đạo vốn được xem như một chính khách toàn cầu rất mạnh mẽ, đặc biệt là khi so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, nhưng dường như ông quản lý không hiệu quả vấn đề Triều Tiên bằng người tiền nhiệm.

Thời ông Hồ Cẩm Đào còn làm Chủ tịch Trung Quốc, ông đã cố gắng đưa 6 bên ngồi vào bàn đàm phán.

5 tháng sau khi ông Đào nhậm chức, vòng đàm phán 6 bên đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh. Trung Quốc đã thúc đẩy tổng cộng 6 vòng đàm phán như vậy từ 2003 đến 2009.

Tất nhiên Trung Quốc luôn dẫn đầu các vòng đàm phán 6 bên này. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc có quan hệ tốt với cả 5 bên còn lại.

Quan hệ Trung - Triều thời Hồ Cẩm Đào là tốt nhất kể từ năm 1992.

Cha ông Kim Jong-un, cố Chủ tịch Kim Jong-il thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền đã từng 5 lần thăm Trung Quốc từ 2004 đến 2011, trong khi ông Hồ Cẩm Đào cũng đặt chân đến Bình Nhưỡng tháng 10/1995.

Sau chuyến thăm Triều Tiên, ông Hồ Cẩm Đào thăm Hàn Quốc và Seoul chính thức công nhận tình trạng "kinh tế thị trường" cho Trung Quốc.

Quan hệ Trung - Nhật thời Hồ Cẩm Đào cũng rất tốt.

2 ngày sau khi ông Đào thăm Nhật Bản vào tháng 5/2008 thì xảy ra trận động đất Tứ Xuyên, đội cứu hộ Nhật Bản là lực lượng cứu hộ nước ngoài đầu tiên được phép vào khu vực thiên tai.

Thời Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Mỹ George W. Bush muốn đến Bắc Kinh trong kỳ Olympic hơn là gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Washington DC năm 2008.

Quan hệ Nga - Trung thời kỳ này cũng rất ổn định.

Ông Lưu Vân Sơn, một ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển lá thư của ông Tập Cận Bình gửi ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 10/2015. Ảnh: sbs.com.au.
Ông Lưu Vân Sơn, một ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển lá thư của ông Tập Cận Bình gửi ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 10/2015. Ảnh: sbs.com.au.

Ngược lại, dưới thời ông Tập Cận Bình dường như Trung Quốc không còn là nước có vị trí thống trị ở Đông Bắc Á, trong khi lại tạo ra nhiều kẻ thù hơn là đối tác so với trước đây.

Quan hệ Trung - Triều thời ông Bình đã rơi xuống thấp nhất kể từ năm 1992.

Quan hệ Trung - Nhật còn tồi tệ hơn nhiều khi Tập Cận Bình và Shinzo Abe luôn trong tình trạng cơm không lành, canh không ngọt.

Mặc dù ông Tập Cận Bình xây dựng được quan hệ cá nhân khá tốt với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, quan hệ Trung - Hàn đã chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ nhất từ tháng 7/2016 khi Seoul quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ.

Cho dù Hàn Quốc chính thức ca ngợi Trung Quốc là "đối tác mẫu mực" sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Seoul tháng Năm 2014, gần đây chính phủ Trung Quốc vẫn thực hiện hơn 40 hành động trả đũa Hàn Quốc vì THAAD.

Nó bao gồm việc trục xuất các nhà truyền giáo Hàn Quốc khỏi Trung Quốc, hủy bỏ các buổi biểu diễn của nghệ sĩ Hàn.

Dân chúng Trung Quốc được huy động tham gia các hình thức biểu tình khác nhau chống Hàn Quốc, bao gồm tẩy chay các sản phẩm Hàn...

Quan hệ song phương Trung - Nga có ấm hơn một chút dưới thời ông Tập Cận Bình, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin không xử lý vấn đề Triều Tiên theo cách tương tự như Trung Nam Hải.

Trong khi Trung Quốc đang dàn dựng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Bình Nhưỡng cùng với Mỹ, Nga lại triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Triều Tiên.

Rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phối hợp chặt chẽ hơn với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, nhưng ông cộng tác với Chủ tịch Tập Cận Bình dựa trên các điều khoản của Mỹ.

Một mặt ông Trump gửi tín hiệu rõ ràng đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng, Mỹ dưới thời Trump đang cân nhắc nghiêm túc một giải pháp quân sự. 

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, hệ thống THAAD cuối cùng đã bắt đầu hoạt động tại Hàn Quốc. Cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson đang trên đường tới vùng biển Nhật Bản, ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Nhưng mặt khác ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẵn sàng nói chuyện mặt đối mặt với ông Kim Jong-un.

Trump khen nhà lãnh đạo trẻ từ Bình Nhưỡng là "khá thông minh" và ông coi cuộc gặp ông Kim Jong-un khi điều kiện thích hợp là một vinh dự.

Mong đợi Triều Tiên tự bỏ vũ khí hạt nhân thông qua các cuộc đàm phán không phải là điều thực tế.

Tuy nhiên một cách tiếp cận hòa giải hơn của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể hỗ trợ việc giảm căng thẳng dễ dàng hơn giữa Triều Tiên và Mỹ.

So với một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra ở Đông Bắc Á, hòa bình, ổn định và thịnh vượng chắc chắn là mong muốn nhiều hơn của tất cả các bên. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://global.dwnews.com/news/2017-05-15/59815198.html

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2094443/china-may-back-new-un-sanctions-over-north-korean

[3]http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/commentary-why-north-korea-is-turning-into-a-headache-for-china-8847292

[4]http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/commentary-why-north-korea-is-turning-into-a-headache-for-china-8847292

Hồng Thủy