Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa làm nóng diễn đàn ARF

03/08/2015 14:14
Hồng Thủy
(GDVN) - ARF là một cơ hội cho ASEAN và các bên trực tiếp bày tỏ quan ngại của mình đến Trung Quốc. ASEAN đang ngày càng mất kiên nhẫn, trong khi Bắc Kinh vẫn ...
Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tham dự ARF. Ảnh: AP.
Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tham dự ARF. Ảnh: AP.

South China Morning Post ngày 3/8 cho biết, Bắc Kinh đang phải đối mặt với áp lực tại Diễn đàn An ninh Đông Á tuần này vì việc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo gây tranh cãi ở Biển Đông. Các nhà ngoại giao hàng đầu từ ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... sẽ tham dự diễn đàn này tại Malaysia.

Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng các bãi đá ngầm, nửa nổi nửa chìm (mà nước này xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988) ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo để củng cố yêu sách chủ quyền gây tranh cãi (vô lý, phi pháp) đối với vùng biển chiến lược, gây ra lo ngại có thể thổi bùng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, vấn đề an ninh hàng hải sẽ trở thành "trung tâm" trong 3 ngày nhóm họp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia diễn đàn bắt đầu từ ngày mai 4/8. "Các nước ASEAN cũng giống như chúng tôi, lo ngại về quy mô, phạm vi, tốc độ và tác động của việc bồi lấp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành", quan chức Mỹ cho biết.

Diễn đàn An ninh Đông Á ARF là một cơ hội cho ASEAN và các bên trực tiếp bày tỏ quan ngại của mình đến Trung Quốc. ASEAN đang ngày càng mất kiên nhẫn, trong khi Bắc Kinh vẫn khăng khăng bác bỏ những lo ngại của khu vực, khăng khăng cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi" ở Biển Đông.

Washington đã cảnh báo những căng thẳng có thể cản trở tự do hàng hải, hàng không trên tuyến đường biển huyết mạch toàn cầu qua Biển Đông. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói với các phóng viên tuần trước rằng đã có "tiến bộ quan trọng" trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc "hướng tới COC". Tuy nhiên tuyên bố của ông mâu thuẫn với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario và giới quan sát.

Từ lâu Bắc Kinh đã tìm mọi cách né tránh và làm hỏng tiến trình đàm phán COC trong khi ra sức đẩy mạnh sự hiện diện (bất hợp pháp) của họ trên Biển Đông. "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không ký COC, hoặc nếu có ký họ cũng chẳng tuân theo. COC có hiệu lực mà thực hiện nghiêm túc sẽ hạn chế Trung Quốc muốn làm gì thì làm", Donald Emmerson, một chuyên gia về Đông Nam Á đại học Standford cho biết.

Hồng Thủy