Luật sư Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines. |
GMA News ngày 1/8 đưa tin, mặc dù một báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về tương quan lực lượng các bên yêu sách ở Biển Đông mới được công bố vừa qua cho thấy Philippines tụt hậu về khả năng quân sự trong khu vực, nhưng quân đội nước này vẫn đủ tự tin bảo vệ mình nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông.
Đại tá Noel Detoyato, người phát ngôn quân đội Philippines nói với GMA News: "Giữa lúc căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, lực lượng vũ trang Philippines vẫn có thể bảo vệ đất nước khi cần. Vâng, chúng tôi có thể. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi".
Phát biểu của ông Detoyato được đưa ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố báo cáo về những hoạt động (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo cơ quan này, năng lực hải quân, không quân của Philippines tụt hậu nhiều so với Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Philippines chỉ có 80 chiến hạm trong khi Trung Quốc có 892 chiếc, Malaysia có 208 chiếc và Việt Nam có 94 chiếc. Trong số 4 nước này, Philippines là bên duy nhất không có tàu ngầm. Về không quân, Trung Quốc có 2582 máy bay, Philippines có 26 chiếc, Việt Nam có 97 chiếc và Malaysia có 71 chiếc.
Một người phát ngôn khác của quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla cảm ơn chính phủ Nhật Bản đã dành sự quan tâm đặc biệt với những diễn biến trên Biển Đông. Ông hy vọng việc nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến Biển Đông đến một mức độ nào đó có thể dẫn đến khởi kiện tập thể để bảo vệ tự do, an toàn và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trong một động thái có liên quan, ngày 2/8 Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, luật sư Antonio Carpio nói với các quan chức quân sự nước này tại Trại Aguinaldo: "Philippines không thể hy vọng ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng cách dựa vào các lực lượng bên ngoài Philippines".
Theo ông, hiệp ước quốc phòng mở rộng giữa Philippines và Hoa Kỳ không bao gồm việc bảo vệ Philippines nếu bị tấn công ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Do đó giải pháp hiệu quả đối với Philippines để bảo vệ yêu sách của mình (trước sự bành trướng của Trung Quốc) là thông qua con đường tài phán quốc tế.
Mặc dù Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) không giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng các tranh chấp về áp dụng và giải thích UNCLOS ở Biển Đông mà Philippines đang theo đuổi trong vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc có thể giảm đáng kể nguy cơ xung đột nếu Philippines thắng kiện.
Luật sư Carpio cho rằng, nếu không thể áp dụng UNCLOS giải quyết vấn đề Biển Đông thì bản "hiến pháp của đại dương", thành quả của nhân loại cũng không thể áp dụng cho bất kỳ tranh chấp hàng hải nào trong phần còn lại của thế giới và nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của Công ước.
Một khi để điều này xảy ra, sự cai trị của vũ khí hải quân sẽ chiếm ưu thế trên các vùng biển và đại dương, kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước ven biển. "Chỉ cần tưởng tượng, nếu tòa án nói rằng họ không có thẩm quyền xét xử, cách duy nhất chúng ta có thể bảo vệ mình là trang bị thật nhiều tàu chiến, máy bay, tên lửa cho tới giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội có thể phục vụ nhiệm vụ quốc phòng", ông Carpio nói.
"Và nếu Hội đồng Trọng tài nói họ không có thẩm quyền, có nghĩa là đường lưỡi bò thắng thế thì không còn UNCLOS nữa, mỗi quốc gia phải tự vũ trang cho bản thân, nhưng điều đó chưa đủ để giải quyết tranh chấp mà chỉ làm trầm trọng thêm. Các thẩm phán sẽ thất nghiệp và không quốc gia nào phải tuân theo UNCLOS nữa", luật sư Carpio kết luận.