Trung Quốc thử vũ khí răn đe trợ uy Phạm Trường Long đàm phán với Mỹ

13/06/2015 09:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Thử nghiệm tên lửa siêu thanh Wu-14 có thể là một phản ứng trước hoạt động bay do thám của Mỹ sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, xây dựng (bất hợp pháp)
Hình minh họa. Ảnh: Washington Times
Hình minh họa. Ảnh: Washington Times

South China Morning Post ngày 13/6 đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm Thứ Sáu xác nhận họ đã thử nghiệm một loại vũ khí tối tân, tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ leo thang trên Biển Đông. Bắc Kinh chỉ trích Washington có "động cơ cực đoan" ở vùng biển này.

Wu - 14 là tên gọi loại vũ khí được Trung Quốc thử nghiệm suốt 18 tháng qua, gần nhất là hôm Chủ Nhật vừa rồi. Lầu Bát Nhất trả lời South China Morning Post rằng hoạt động thử nghiệm vũ khí trong lãnh thổ Trung Quốc là bình thường, không nhằm vào quốc gia nào. Nhưng giới quan sát quân sự tin rằng, tần suất thử nghiệm vũ khí của Bắc Kinh cho thấy Trung Nam Hải đang củng cố khả năng răn đe hạt nhân trước sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông.

Vụ thử nghiệm vũ khí diễn ra 1 ngày trước khi Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương lên đường sang thăm Hoa Kỳ. Lần thử nghiệm này đã được bố trí để hỗ trợ Phạm Trường Long phô trương thanh thế trước các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, đồng thời phản đối Washington can thiệp vào Biển Đông.

Antony Wong Dong, một nhà quan sát từ Macau nói với South China Morning Post: "Vụ thử nghiệm vũ khí là nhằm giúp Phạm Trường Long tăng khả năng thương lượng trên bàn đàm phán với người đồng nhiệm Mỹ". Ông Long đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm Thứ Năm, căng thẳng trên Biển Đông là trọng tâm cuộc họp của họ.

Thử nghiệm tên lửa siêu thanh Wu-14 có thể là một phản ứng trước hoạt động bay do thám của Mỹ sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), giáo sư He Qisong từ đại học Khoa học Chính trị và luật pháp Thượng Hải bình luận.

"Wu-14 được Bắc Kinh thiết kế để chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ, có nghĩa là quân đội Trung Quốc có khả năng bảo vệ yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của nước này. Một vụ thử nghiệm như vậy chỉ có thể là một hành động răn đe hạt nhân. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không muốn tuyên chiến trên Biển Đông".

Hồng Thủy