"Tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình đã kết thúc?

30/06/2017 15:04
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tuần trăng mật" có lẽ mới chỉ là "khúc dạo đầu" ném đá dò đường, chuẩn bị cho những cuộc tranh giành gay gắt giữa siêu cường toàn cầu và sức mạnh mới nổi.

The New York Times ngày 30/6 có bài phân tích: "Chính phủ Donald Trump phê chuẩn việc bán vũ khí cho Đài Loan, có phải tiếng chuông cảnh tỉnh Trung Quốc?". [1]

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày thứ Năm cho biết, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trị không ảnh hưởng gì đến chính sách của Mỹ về "một nước Trung Quốc".

Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không mới, nhưng có tính toán thời điểm

South China Morning Post ngày 30/1 lưu ý, việc công bố gói hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,4 tỉ USD được Mỹ đưa ra chỉ 1 tuần trước cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G-20 tại Hamburg, Đức vào tuần tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida, Hoa Kỳ. Ảnh: The Sydney Morning Herald.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida, Hoa Kỳ. Ảnh: The Sydney Morning Herald.

Gói hợp đồng này bao gồm 7 hạng mục, trong đó có hỗ trợ kỹ thuật cho các ra đa cảnh báo sớm, tên lửa chống bức xạ ra đa, ngư lôi và các thành phần cho tên lửa SM-2.

Quốc hội Mỹ đã được thông báo về thương vụ này.  Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm qua email:

"Thông báo hôm nay là phù hợp với Đạo luật Quan hệ với Đài Loan và sự hỗ trợ của chúng tôi với Đài Loan trong việc duy trì khả năng tự vệ đầy đủ.

Không có sự thay đổi nào trong chính sách lâu dài của chúng tôi về "một nước Trung Quốc" dựa trên 3 tuyên bố chung và Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.".

Một ngày trước đó, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật cho phép tàu hải quân Mỹ thường xuyên truy cập các cảng của Đài Loan như một phần của hoạt động quốc phòng hàng năm.

Đạo luật Quan hệ với Đài Loan đã được ký năm 1979 ngay sau khi Mỹ chuyển sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay vì Trung Hoa Dân quốc.

Luật này đảm bảo sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho đảo Đài Loan về khả năng tự vệ.

Mỗi đời Tổng thống Mỹ đều chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan kể từ khi đạo luật này có hiệu lực, bắt đầu từ Jimmy Carter trong năm cuối của nhiệm kỳ.

Lần gần đây nhất Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là 2015, với tổng trị giá 1,8 tỉ USD, bao gồm 1 tàu khu trục, tên lửa và xe tấn công đổ bộ.

Tất nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều phản ứng gay gắt trước động thái này của Hoa Kỳ.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, ảnh: Reuters.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải có vẻ mềm mỏng hơn:

"Chúng tôi luôn ý thức được rằng, có một số điều tiêu cực trong mối quan hệ giữa (hai nước) chúng tôi. 

Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo sự phát triển tích cực sẽ là xu thế áp đảo, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa để mối quan hệ phát triển đúng hướng.". [1]

"Tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình đã kết thúc?

The New York Times bình luận:

Vụ bán vũ khí cho Đài Loan là dấu hiệu rõ nhất cho thấy "tuần trăng mật" giữa Donald Trump với Tập Cận Bình đã kết thúc.

Trước đó, để đền đáp nỗ lực của ông Tập Cận Bình trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân, ông Donald Trump đã tạm gác vấn đề thương mại và một số vấn đề khu vực qua một bên.

Nhưng tuần trước ông chủ Nhà Trắng cho biết, nỗ lực của Trung Quốc không phát huy tác dụng. Nhiều quan chức tin rằng Donald Trump sẽ không "khách khí" với Trung Quốc nữa.

The New York Times cảnh báo, trong vài ngày tới có thể Chính phủ Tổng thống Donald Trump sẽ còn đưa ra kết luận điều tra, xem thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc vào Mỹ có làm tổn hại ngành sản xuất thép Hoa Kỳ hay không.

Ông Donald Trump đang chịu sức ép không nhỏ, kể cả từ chính giới lẫn các doanh nghiệp Hoa Kỳ về việc phải đánh thuế hàng thép xuất khẩu giá rẻ Trung Quốc, theo The Wall Street Journal. [3]

"Tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình đã kết thúc? ảnh 3

Hoàn Cầu muốn Trung Quốc độc quyền "làm con tốt cho Mỹ lợi dụng"?

Cũng trong ngày hôm qua, ngay trước tiệc chiêu đãi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang có mặt tại Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ tuyên bố:

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương với 1 ngân hàng, 2 cá nhân và 1 doanh nghiệp Trung Quốc vì giúp Triều Tiên "rửa tiền".

South China Morning Post ngày 30/6 cho hay, Bộ Tài chính Mỹ xác định, Ngân hàng Đan Đông là một tổ chức tài chính đóng vai trò "rửa tiền", cửa ngõ cho Bắc Triều Tiên truy cập hệ thống tài chính Mỹ và thế giới.

Qua ngả đường này, Bình Nhưỡng đã có hàng triệu USD để phục vụ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân. 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chịu sức ép lớn từ các nhà lập pháp về hiệu quả các cách kiềm chế chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Cá nhân người viết cho rằng, "tuần trăng mật" mà The New York Times nhắc đến là để ám chỉ giai đoạn quan hệ Mỹ - Trung khi Tổng thống Donald Trump vừa bước vào Nhà Trắng đến hội nghị thượng đỉnh tại Mar-a-Lago trong tháng Tư vừa qua.

Nhưng thực chất, đây chỉ là bước ném đá dò đường của cả hai bên.

South China Morning Post cũng đã thống kê, từ khi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan có hiệu lực, đời Tổng thống nào của Mỹ cũng bán vũ khí cho Đài Loan.

Do đó việc này không có gì lạ, vấn đề còn lại chỉ là thời điểm Mỹ bán sao cho có lợi nhất mà thôi.

Mục đích thứ nhất của động thái này, Washington vừa muốn tiếp tục gây thêm sức ép lên Bắc Kinh về Triều Tiên, vừa muốn giảm áp lực cho nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Tháng này Đài Loan vừa mất thêm một đồng minh, sau khi Trung Quốc thiết lập được quan hệ ngoại giao với Panama, 1 đồng minh suốt mấy chục năm qua của hòn đảo này ở Nam Mỹ. [5]

Thứ hai, Washington không muốn để Đài Bắc mất lòng tin và có cảm giác "bị bán đứng" sau những động thái ông Donald Trump nhanh chóng thỏa hiệp với ông Tập Cận Bình khi mới điện đàm với Tiến sĩ Thái Anh Văn, đe dọa xem lại nguyên tắc "một Trung Quốc".

Thứ ba, chính quyền Tiến sĩ Thái Anh Văn đang chịu sức ép rất lớn về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao từ bên kia eo biển khi bà không chấp nhận "nhận thức chung 1992 về nguyên tắc 1 Trung Quốc, tùy cách hiểu mỗi bên".

Thậm chí Đài Loan đã phải chủ động phát triển lực lượng tàu ngầm của mình thay vì ngồi chờ nguồn cung từ Hoa Kỳ. Động thái này sẽ mang nhiều ý nghĩa với nữ lãnh đạo đảo Đài Loan.

Nước nhỏ phải biết lựa

Những biến động trong quan hệ Mỹ - Trung và chính sách của hai siêu cường này có thể ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến an ninh các nước nhỏ ở Đông Á.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ảnh: Reuters.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ảnh: Reuters.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc đang là nước chịu sức ép nặng nề nhất từ 2 gã khổng lồ, một đồng minh quân sự và một đối tác hàng đầu về kinh tế.

Ngay trong chuyến thăm hôm qua tới Mỹ của Tổng thống Moon Jae-in, ông chủ Nhà Trắng cũng đang tìm cách ép Seoul phải giảm thiểu việc mất cân bằng thương mại Hàn - Mỹ, nhất là xe hơi và thép. [6]

Ông Donald Trump đã tỏ ra rất gay gắt về sự mất cân bằng thương mại của Mỹ với Hàn Quốc, đe dọa hủy bỏ một thỏa thuận thương mại với quốc gia này.

Yoon Young-chan, Thư ký báo chí của Tổng thống Moon Jae-in tiết lộ với báo giới về hội nghị thượng đỉnh:

"Trong suốt cuộc họp, đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra nghiêm túc và thẳng thắn, thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm bán đảo Triều Tiên.

Cuộc nói chuyện tuy hơi căng thẳng lúc đầu, nhưng sau đó dần trở nên thân thiện hơn.". [7]

Chúng tôi nhận thấy đòn gây sức ép trước đàm phán của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo đồng minh Hàn Quốc này cũng không khác gì với lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Việc ông Donald Trump tiếp tục ép Bắc Kinh tác động lên Bình Nhưỡng và đi kèm thông báo "cập nhật" các biện pháp quân sự và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không phải cách duy nhất, có lẽ là một lời cảnh báo cứng rắn đến với Triều Tiên.

"Tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình đã kết thúc? ảnh 5

Triều Tiên đang đổi thay và ẩn ý của Tổng thống Mỹ

Sức ép trong nước có lẽ sẽ tạo thêm động lực để ông Donald Trump đưa ra những quyết sách bất ngờ, một khi Triều Tiên thử hạt nhân lần nữa.

Tiết lộ của Thư ký báo chí Tổng thống Hàn Quốc cho thấy, không khí căng thẳng lúc bắt đầu cuộc họp thể hiện sự xung đột trong quan điểm của hai nhà lãnh đạo.

Từ khi lên nắm quyền, ông Moon Jae-in theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập hơn, mong muốn chủ động đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên chứ không phải thông qua Mỹ hay Trung Quốc.

Hôm nay, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng lên tiếng về một số hãng thông tấn quốc tế đưa tin sai sự thật, gây hiểu lầm và căng thẳng không đáng có giữa 2 miền bán đảo.

Thứ Hai tuần này, báo Asahi Shimbun, Nhật Bản đưa tin, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi cầm quyền đã từng cố gắng thay đổi chế độ tại miền Bắc, bao gồm âm mưu ám sát lãnh đạo tối cao nước này.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng bác bỏ thông tin của Asahi Shimbun, trong khi Triều Tiên đòi Seoul giao bà Park Geun-hye cho Bình Nhưỡng.

Tổng thống Moon Jae-in cũng có nhiều cử chỉ bày tỏ thiện chí mong muốn đối thoại với Bình Nhưỡng.

Chúng tôi thiết nghĩ, đây là cơ hội tốt để đối thoại hòa bình, hòa giải tiến tới hòa hợp dân tộc trên bán đảo Triều Tiên.

Không ai có thể làm thay Seoul và Bình Nhưỡng điều này.

Và nếu muốn tránh lặp lại cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt năm xưa, thì hãy gác lại mọi sự khác biệt để nói chuyện.

Tất nhiên sẽ có những rào cản không nhỏ từ 2 đồng minh Hoa Kỳ của miền Nam và Trung Quốc của miền Bắc.

Nhưng chúng tôi cho rằng, lực cản đó sẽ không đáng kể khi hai miền vượt qua những định kiến trong nhận thức về nhau và về tương lai chung của dân tộc.

Các nước khác ở Đông Á cũng phải hết sức cảnh giác và tỉnh táo, khéo léo mềm dẻo nhưng cương quyết trong những vấn đề mang tính nguyên tắc sống còn.

Chỉ có như vậy mới hy vọng giữ được độc lập tự chủ giữa vòng xoáy cạnh tranh quyền lực ngày càng dữ dội giữa 2 siêu cường Trung - Mỹ.

Ông Donald Trump tập trung chú ý vào Đông Bắc Á thì ông Tập Cận Bình sẽ “tranh thủ” ở Đông Nam Á và ngược lại.

Câu chuyện trên bán đảo Triều Tiên hay eo biển Đài Loan cũng có thể lập tức ảnh hưởng đến các vùng biển tranh chấp phía Nam.

"Tuần trăng mật" có lẽ mới chỉ là "khúc dạo đầu" ném đá dò đường, chuẩn bị cho những cuộc tranh giành gay gắt giữa siêu cường toàn cầu và sức mạnh mới nổi.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://cn.nytimes.com/usa/20170630/trump-china-weapons-taiwan/

[2]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2100657/us-approves-first-arms-sales-taiwan-under-trump-us14

[3]http://cn.wsj.com/gb/20170630/bgh100957.asp

[4]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2100653/us-blacklists-chinese-bank-company-and-2-individuals

[5]https://www.nytimes.com/2017/06/13/world/asia/taiwan-panama-china-diplomatic-recognition.html

[6]http://indianexpress.com/article/world/us-president-donald-trump-south-korean-president-moon-jae-in-meet-trade-differences-north-korea-on-agenda-4728644/

[7]http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20170630000641

Hồng Thủy