Úc nên thách thức lãnh hải phi lý đảo nhân tạo Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông

28/05/2017 06:23
Hồng Thủy
(GDVN) - Úc không nên ngầm chấp nhận cái gọi là "tính hợp pháp" của đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch.

The Sydney Morning Herald ngày 28/5 đưa tin, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia ông Dennis Richardson cho biết, Úc nên thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải của riêng mình để chống lại các yêu sách hàng hải xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (trái phép) ở Biển Đông.

Richardson từng là nhân vật trung tâm trong cơ quan an ninh và đối ngoại Australia trong 2 thập kỷ qua.

Ông cho rằng, Úc không nên ngầm chấp nhận cái gọi là "tính hợp pháp" của đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch.

Khi được hỏi Australia có nên tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hay không, Dennis Richardson cho biết:

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Dennis Richardson, ảnh: Andrew Meares / SMH.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Dennis Richardson, ảnh: Andrew Meares / SMH.

"Tôi nghĩ rằng trong một thời điểm nào đó, chúng ta nên làm việc này. Là một công chức lâu năm, tôi cần phải đề đạt điều này với chính quyền.

Bạn không cần phải nói trước (với Bắc Kinh) bất cứ điều gì, mà chỉ cần làm điều đó nhưng không nhất thiết phải toàn thời gian. Quan trọng là thực hiện nó đúng cách.

Tôi nghĩ rằng làm chuyện này là hoàn toàn hợp lý.

Luật Biển (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982) là rất rõ ràng. Những đảo nhân tạo như vậy không thể tạo ra lãnh hải (tối đa) 12 hải lý xung quanh nó.

Và đối với việc Trung Quốc tạo ra các đảo nhân tạo cách bờ biển của họ hơn 1000 km rồi tuyên bố lãnh hải xung quanh chúng không phải là điều chúng ta có thể chấp nhận.".

The Sydney Morning Herald cho rằng, những phát biểu này có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì nó xuất phát từ một nhân vật an ninh quốc gia cao cấp vừa mới nghỉ hưu.

Ông Dennis Richardson từng là lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia Úc (ASIO) và Bộ Ngoại giao, đồng thời làm Đại sứ Australia tại Washington. Ông vừa nghỉ hưu cách đây hơn 1 tuần sau 48 năm phục vụ. [1]

Người viết cho rằng, phát biểu của ông Dennis Richardson là đáng tham khảo và cân nhắc nghiêm túc đối với Canberra, vì những lợi ích thiết thực và lâu dài trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.

Tuy nhiên do tính toán đến lợi ích kinh tế - thương mại với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã từng dùng đòn bẩy này để gây sức ép với các đối tác trong khu vực, ít khả năng Australia có thể thực hiện việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, dù với tư cách độc lập.

Đó cũng chính là nhận xét của một cựu quan chức tình báo khác của Australia, ông Alan Dupont hôm 25/5 trên The New York Times, khi tàu khu trục Mỹ USS Dewey vừa tuần tra bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn hôm 24/5.

Vị này cho rằng, chính phủ Australia không muốn tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, vì những hoạt động như vậy phải diễn ra bên trong 12 hải lý các đảo nhân tạo.

Canberra sợ rằng làm việc này có thể khiến Trung Quốc bất mãn, dù sao Bắc Kinh cũng đã bố trí các thiết bị quân sự ở đây. Australia tuần tra tự do hàng hải chỗ này chỉ phản tác dụng. [2]

Điều này phản ánh sự khác biệt trong nhận thức, đánh giá tình hình Biển Đông và cân nhắc các lợi ích chiến lược quốc gia với Australia cũng như các quốc gia khác có lợi ích trong khu vực này.

Điều đó cũng phản ánh sự toan tính sâu xa của Trung Quốc về các đòn bẩy kinh tế, thương mại với các nước có liên quan, trong thực hiện các ý đồ chiến lược nhằm từng bước biến Biển Đông thành ao nhà.

Biển Đông sẽ vẫn là một điểm nóng trong tương lai.

Theo Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, sẽ có khoảng 800 chiến hạm và tàu ngầm hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030. [3]

Bộ Quốc phòng Singapore đã mua thêm 2 tàu ngầm hiện đại để thay thế các tàu cũ, đồng thời cũng nhằm bắt kịp sự tăng trưởng của hải quân châu Á.

Hải quân Mỹ cũng đang tìm kiếm khả năng mở rộng lực lượng của mình. Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ John Richardson cho biết, họ phải đuổi kịp hoặc thậm chí phải vượt qua sự phát triển của các lực lượng hàng hải trong khu vực này. [3]

Theo cá nhân người viết, Trung Quốc đã bước đầu thành công trong việc tạo ra cái họ gọi là "trạng thái bình thường mới" trên Biển Đông bằng các đảo nhân tạo được quân sự hóa bất hợp pháp.

Và trong ngắn hạn, không có lý do hay động lực nào đủ lớn để Mỹ phải loại bỏ những cấu trúc này.

Tuy nhiên, sự hiện diện và bảo vệ luật pháp quốc tế, trật tự khu vực của hải quân Hoa Kỳ vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hoa Kỳ là lực lượng đối trọng duy nhất có thể cân bằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay. Nếu hải quân Hoa Kỳ vì lý do hay tính toán nào đó vắng mặt ở khu vực này, rất có thể Biển Đông sẽ bị biến thành ao tù Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.smh.com.au/federal-politics/political-news/australia-should-carry-out-naval-challenge-to-chinas-artificial-islands-retired-defence-boss-20170526-gwefds.html

[2]https://cn.nytimes.com/asia-pacific/20170525/south-china-sea-us-navy-warship-spratly-islands/

[3]http://www.straitstimes.com/politics/disputes-over-south-china-sea-still-a-concern

Hồng Thủy