Hình ảnh được cho là ông Giang Trạch Dân (đội mũ) tới đảo Hải Nam du lịch mà không một tờ báo nhà nước nào của Trung Quốc đưa tin, các hình ảnh về chuyến đi này của ông trên internet cũng bị xóa, theo Đa Chiều. |
Đa Chiều ngày 9/1 bình luận, gia đình ông Giang Trạch Dân cựu Chủ tịch Trung Quốc đang ở trong "tâm bão dư luận", từ việc con trai cả của ông bỗng dưng phải rời ghế Viện trưởng Viện Khoa học Thượng Hải vì "tuổi tác" cho đến cháu vợ ông là Vương Vinh đang làm Bí thư Thâm Quyến bị điều động sang An Huy.
Còn vợ chồng nhà lãnh đạo này đi nghỉ ở đảo Hải Nam thì không một hãng truyền thông nhà nước nào của Trung Quốc đưa tin. Một số trang tin điện tử đề cập hay đăng ảnh vợ chồng Giang Trạch Dân du lịch Hải Nam đều bị xóa không một lời giải thích.
Đầu tiên là chuyện Giang Miên Hằng, trưởng nam sinh năm 1951 của ông Giang Trạch Dân vừa nhận quyết định bàn giao chức Viện trưởng Viện Khoa học Thượng Hải về nghỉ hưu "vì đến tuổi". Tuy nhiên, trong hệ thống các thành viên của Viện Khoa học Trung Quốc ở các địa phương khác như Bắc Kinh, Nam Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu, Thẩm Dương đều thấy các Viện trưởng có tuổi tại chức trên 60.
Điển hình như ông Lý Huân Ngự giữ chức Viện trưởng Khoa học Thẩm Dương đến năm 70 tuổi, Ngũ Hiến Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Vũ Hán 83 tuổi, Lý Đạt - Viện trưởng Viện Khoa học Quảng Châu tại chức đến năm 74 tuổi. So với những người này, Giang Miên Hằng phải về hưu ở tuổi 63 là còn khá trẻ.
Theo bình luận của truyền thông phương Tây, việc Giang Miên Hằng phải rời ghế Viện trưởng Viện Khoa học Thượng Hải ở tuổi 63 có thể vì đã dấy lên sóng gió chính trị. Một số quan điểm cho là ông Hằng có thể liên quan gì đó đến chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình nên buộc phải "hạ cánh an toàn". Đó là kết quả của một sự thỏa hiệp chính trị nào đó.
Giang Miên Hằng, trưởng nam của ông Giang Trạch Dân. |
Trong khi đó Giang Miên Hằng chưa bao giờ công khai bác bỏ hay xác nhận thông tin ông có cổ phần, cổ phiếu trong một loạt công ty. Ông Hằng được cho là sáng lập và đại diện pháp nhân công ty Đầu tư Liên Hợp Thượng Hải do chính quyền thành phố lập ra, 100% vốn nhà nước. Công ty này đã đầu tư vào những tập đoàn lớn trong lĩnh vực viễn thông, công nghiệp ô tô, sân bay Thượng Hải, tổ hợp truyền hình Phượng Hoàng Hồng Kông...
Cháu vợ Giang Trạch Dân, Vương Vinh điều chuyển từ Bí thư Thâm Quyến sang một vị trí lãnh đạo ở tỉnh An Huy, thông tin được tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông đưa ra hôm 8/1, nhưng Bắc Kinh hiện vẫn chưa có thông tin nào xác nhận hay bác bỏ chuyện này.
Sở dĩ sự thay đổi vị trí của con cháu Giang Trạch Dân trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, theo Đa Chiều là vì nó "na ná" mô hình Tập Cận Bình xử lý Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch: Xử lý tay chân thân tín, "hổ lớn" công khai xuất hiện hoặc viết bài đăng báo, truyền thông Trung Quốc úp mở về khả năng điều tra nhân vật cỡ bự nào đó, cuối cùng là Tân Hoa Xã công khai tuyên bố điều tra.
Mặt khác trong lúc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch đả hổ đập ruồi, có nguồn tin cho rằng Giang Trạch Dân đã tích cực ủng hộ. Ngày 26/11 năm ngoái, Tập Cận Bình tiếp các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu tại Bắc Kinh. Truyền thông Trung Quốc loan tin, các cựu quan chức lãnh đạo không chỉ "đánh giá cao" chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, mà còn tỏ ra kiên quyết ủng hộ.
Động thái này được Đa Chiều cho là ông Bình muốn cảnh báo cho các con hổ lớn, họ đã không còn chỗ dựa vững chắc từ các lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu. Trong khi truyền thông đưa tin Giang Trạch Dân ủng hộ Tập Cận Bình chống tham nhũng, thì các quan chức cỡ bự do chính ông đề bạt cất nhắc khi còn đương chức như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu lại lọt lưới Tập Cận Bình.
Động thái này cho thấy mục tiêu của ông chủ Trung Nam Hải chưa chắc đã dừng lại ở một cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Trưởng ban Chính pháp trung ương như Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên số phận gia tộc Giang Trạch Dân ra sao vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.