Lựa chọn ngôn ngữ - tầm nhìn vượt thời đại của Lý Quang Diệu

23/03/2016 07:28
Ngọc Việt
(GDVN) - Bản thân ông Lý Quang Diệu là người gốc Hoa nhưng quyết định lựa chọn tiếng Anh để đảm bảo tính độc lập cho thể chế chính trị mà ông xây dựng.

Ngày 23/3, người dân Singapore kỷ niệm một năm ngày mất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu - người có đóng góp rất lớn vào sự thành công kỳ diệu của đất nước Singapore ngày nay. Nhiều người ca ngợi công lao của ông, nhiều người ngưỡng mộ tài năng xuất chúng của ông trong quá trình xây dựng đảo quốc Singapore phồn thịnh.

Trong đó Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã nêu lên những vấn đề thể hiện tầm nhìn vượt thời gian của ông Lý Quang Diệu trong việc xây dựng một nhà nước Cộng hòa Singapore vững mạnh, phát triển một xã hội Singapore giàu mạnh, theo The Straits Times ngày 22/3.

Theo ông Kishore Mahbubani, việc xây dựng văn hóa trung thực trong làm việc của bộ máy công chức nhà nước, tổ chức hợp lý bộ máy nhà nước phù hợp với thứ tự ưu tiên trong xây dựng và phát triển đất nước đã đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của Singapore. Và qua đó thể hiện dấu ấn đặc biệt mang tên Lý Quang Diệu.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu – người công rất lớn giúp Singapore hóa rồng. Ảnh: The Straits Times.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu – người công rất lớn giúp Singapore hóa rồng. Ảnh: The Straits Times.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, người viết cho rằng có một việc làm thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của ông Lý Quang Diệu trong việc xây dựng một nền tảng xã hội thống nhất, ảnh hưởng quyết định đến những vấn đề khác trong quá trình xây dựng đất nước Singapore.

Đó chính là việc quyết định lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giao tiếp xã hội tại đảo quốc sư tử này.

Chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến để đảm bảo tính độc lập và bảo vệ nền độc lập

Khi tách ra khỏi Vương quốc Liên bang Malaysia để thành lập nên Cộng hòa Singapore, thành phần dân số tại đảo quốc nhỏ bé này phần lớn là người gốc Hoa và người Mã Lai. Do đó tiếng Hoa và tiếng Mã Lai là hai thứ ngôn ngữ thông dụng nhất tại đất nước này.

Lúc đó có lẽ ai cũng nghĩ rằng nhà lập quốc Lý Quang Diệu sẽ chọn một trong hai ngôn ngữ đó làm ngôn ngữ chính, hoặc chọn cả hai ngôn ngữ đó làm ngôn ngữ giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu cùng những nhà lãnh đạo đất nước lúc đó lại quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội và làm ngôn ngữ chính trong giáo dục tại quốc gia này.

Đây là một quyết định hết sức bất ngờ và chắc chắn gặp không ít khó khăn khi đưa nó vào áp dụng trọng quản lý và điều hành đất nước.

Cho dù từng là thuộc địa của Anh, là quốc gia nằm trong khối Thịnh vượng chung nhưng Singapore vốn là một thực thể chính trị nằm trong Liên bang Malaysia nên bị ảnh hưởng rất lớn bởi quốc gia này. Đặc biệt cộng đồng người Mã Lai, nói tiếng Mã Lai lại là một trong những thành phần dân cư lớn của Singapore thời lập quốc, theo The New York Times ngày 2/12/1990.

Việc chọn tiếng Mã Lai làm ngôn ngữ quốc gia cũng thể hiện sự ảnh hưởng của Mã Lai đối với đất nước Singapore. Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến, ngay từ ngôn ngữ sử dụng trong bộ máy công quyền đến ngôn ngữ chính trong hoạt động kinh doanh và thương mại, chứng tỏ ông muốn Singapore độc lập với Mã Lai.

Ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến tại Singapore, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại. Ảnh: The Strais Times.
Ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến tại Singapore, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại. Ảnh: The Strais Times.

Mặt khác, khi tách khỏi Mã Lai thì có tới 75% dân số Singapore là người gốc Hoa, sử dụng tiếng Hoa để giao tiếp và làm ăn. Bởi vậy nếu Singapore chọn tiếng Hoa làm ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội cũng là một sự hợp lý và tạo ra sự thuận tiện cho cả nhà nước và người dân Singapore lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, với những khó khăn của đất nước mới giành quyền độc lập, nếu sử dụng tiếng Hoa, Singapore sẽ nhận được sự chia sẻ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay Trung Hoa Dân quốc. Và đặc biệt là cộng đồng người Hoa ở khắp thế giới sẽ hướng về Singapore nhằm giúp đỡ những người anh em vượt qua khó khăn.

Nghĩa là nếu chọn tiếng Hoa thì Singapore có nhiều thuận lợi, nhận được nhiều sự giúp đỡ của người Hoa trên thế giới. Nhưng ông Lý Quang Diệu lại chọn tiếng Anh, nên sự giúp đỡ của cộng đồng người Hoa đối với Singapore gần như không còn nữa.

Điều đó cho thấy Singapore chọn độc lập hẳn với “mẫu quốc” Trung Hoa.

Nếu việc Singapore chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến là thể hiện sự độc lập hoàn toàn với Malaysia, thì qua sự việc đó Singapore cũng tránh được sự đồng hóa của Trung Hoa, mà có thể khiến Singapore trở thành một thành phần của Trung Hoa tại hải ngoại. Điều đó sớm muộn cũng sẽ làm đảo quốc này cũng mất đi tính độc lập của riêng mình.

Quyết định ấy cũng phần nào được chứng minh khi mãi đến năm 1990 thì quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Singapore mới được chính thức thiết lập. Bản thân ông Lý Quang Diệu là người gốc Hoa nhưng quyết định lựa chọn tiếng Anh để đảm bảo tính độc lập cho thể chế chính trị mà ông xây dựng tại đảo quốc nhỏ bé với diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 719 km2.  

Lựa chọn ngôn ngữ - tầm nhìn vượt thời đại của Lý Quang Diệu ảnh 3

Tổ quốc là sức mạnh

(GDVN) - Trung thành với Tổ quốc sẽ không bị ràng buộc bởi đảng phái, phe cánh, sẽ không bị chi phối bởi những lợi ích nhỏ nhen hay những toan tính thấp hèn.

Và không chỉ đảm bảo tính độc lập, việc lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến tại Cộng hòa Singapore còn khiến nó trở thành công cụ bảo vệ nền độc lập của Singapore.

Thứ nhất, tiếng Anh là ngôn ngữ của luật pháp Singapore, một công cụ bảo vệ đất nước hữu hiệu nhất trong thế giới hiện đại. Bởi lẽ luật pháp là thứ duy nhất có thể không gặp trở ngại giữa các quốc gia khác nhau về chế độ chính trị.

Thứ hai, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội tại Singapore, từ đó hình thành nên nền văn hóa đặc thù của Singapore, không bị phụ thuộc hay lai căng.

Và ngày nay, văn hóa cũng là một công cụ bảo vệ nền độc lập của quốc gia rất hữu hiệu, nhất là những quốc gia nhỏ bé như Singapore không theo đuổi sức mạnh của quân đội và vũ khí.

Chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến để đảm bảo sự bình đẳng dân tộc, sự đoàn kết xã hội

Với thành phần dân cư là người Hoa, người Mã Lai, người Ấn Độ và một số cộng đồng người Á – Âu khác, khiến việc chọn ngôn ngữ của cộng đồng dân cư nào cũng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Từ đó sẽ hình thành mâu thuẫn giữa các dân tộc, hình thành mâu thuẫn xã hội, thậm chí có nguy cơ trở thành mầm mống của xung đột xã hội, theo The New York Times ngày 26/6/1994.

Có lẽ, ngoài việc nhìn nhận việc lựa chọn tiếng Anh đảm bảo nền độc lập cho đất nước, ông Lý Quang Diệu còn nhận thấy, việc lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến sẽ khiến cho đất nước ổn định, đảm bảo sự bình đẳng giữa các cộng đồng dân cư, từ đó hình thành nên cộng đồng dân tộc Singapore dựa trên nên tảng văn hóa đa sắc tộc.

Nếu chọn tiếng Mã Lai làm ngôn ngữ giao dịch chính thì chắc chắn cộng đồng người Hoa sẽ không phát huy hết khả năng và tâm huyết cho việc xây dựng đất nước Singapore cường thịnh. Vì họ có thể bị mặc cảm là cư dân hạng hai, sống trên đất khách.

Lúc đó dù chính phủ có bao nhiêu chính sách ưu đãi cho cộng đồng người Hoa thì cũng không thể bù đắp được sự phân biệt đối xử qua lựa chọn ngôn ngữ.

Còn những cộng đồng dân cư khác sẽ co cụm với tâm lý là cư dân hạng ba, hạng tư trong xã hội Singapore. Điều đó khiến cho sức mạnh của đất nước Singapore bị phân tán, cộng đồng dân tộc Singapore sẽ khó được hình thành, tứ đây làm cho chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc trở nên khác biệt, xã hội chia rẽ và luôn chứa dựng bất ổn.

Ngược lại, nếu chọn tiếng tiếng Hoa thì chắc chắn đất nước Singapore sẽ dậy sóng, bởi dù không chiếm số đông nhưng cộng đồng người Mã Lai lại là cộng đống đóng vai trò quyết định trong việc định hình nên nền tảng của chủ quyền quốc gia, bởi Singapore tách ra từ Liên bang Malaysia.

Chắc chắn đất nước sẽ bất ổn nếu người Mã Lai đứng sau người Hoa trong sự ưu tiên lựa chọn sử dụng ngôn ngữ.

Lựa chọn ngôn ngữ - tầm nhìn vượt thời đại của Lý Quang Diệu ảnh 4

Không lãng phí nhân tài

(GDVN) - Ông Lý Quang Diệu đã biết trước xã hội Singapore sẽ hình thành lực lượng đối lập trong chính trị dù đất nước có phát triển và đạt được nhiều thành công.

Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải phát huy sức mạnh của đoàn kết xã hội cho xây dựng đất nước nhưng điều ấy chỉ có được khi các cộng đồng dân cư sống bình đẳng và chan hòa.

Đó có thể là yếu tố khiến ông Lý Quang Diệu và những nhà lãnh đạo buổi đầu lập quốc quyết định chọn tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội tại Singapore.

Ngày nay, ai cũng nhận ra trong đất nước Singapore có cộng đồng dân cư chiếm đa số, có cộng đồng dân cư thiểu số, có bất đồng chính kiến, có phe phái, đảng phái chính trị đối lập, nhưng không thấy mâu thuẫn về lợi ích chính trị giữa các cộng đồng dân cư tại đảo quốc này.

Người viết cho rằng, điều đó bắt nguồn từ sự bình đẳng được tạo ra bởi việc lựa chọn ngôn ngữ của chính phủ Singapore thời lập quốc.   

Việc kết nối cộng đồng dân cư, những nét riêng biệt của văn hóa các dân tộc thông qua một ngôn ngữ phổ biến không bị chi phối bởi lợi ích cục bộ của các thành phần dân cư trong cộng đồng dân tộc Singapore là một quyết định cực kỳ sáng suốt của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Và có thể khẳng định đây là một trong những yếu tố quyết định nhất tạo nên sự thành công của Singapore. Đó là tạo ra sự ổn định xã hội tại đảo quốc này trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến giúp Singapore khai thác tốt nhất tài nguyên con người

Singapore là một quốc gia có diện tích hết sức nhỏ bé và tài nguyên thiên nhiên cũng hết sức nghèo nàn, nếu không muốn nói là không có gì đáng kể, ngay cả đất đai cũng là “của hiếm” tại đảo quốc này. Vì vậy, tài nguyên duy nhất mà Singapore có được để khai thác phục vụ cho việc phát triển đất nước chỉ là tài nguyên con người.

Nhưng ngay cả tài nguyên con người của Singapore cũng không phải là nhiều nên việc khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất thứ nguyên khí quốc gia này là một bài toán đặt ra với người lèo lái Singapore trong thời kỳ đầu sau khi giành độc lập. Và đồng thuận trong suy nghĩ, thống nhất trong hành động luôn là cách khai thác hiệu quả nhất sức mạnh của tập thể, cộng đồng.

Khai thác tài nguyên con người hiệu quả là một trong những nguyên nhân tạo nên thành công của Singapore. Ảnh: The Straits Times.
Khai thác tài nguyên con người hiệu quả là một trong những nguyên nhân tạo nên thành công của Singapore. Ảnh: The Straits Times.

Có lẽ, ông Lý Quang Diệu đã nhìn ra rào cản, làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc khai thác tài nguyên con người của Singapore, đó là ngôn ngữ.

Thứ nhất, bất đồng ngôn ngữ thường gây ra tình trạng “ông nói gà bà nói vịt”, từ đó làm giảm sự cộng hưởng trong tập thể, cộng đồng, thậm chí có thể triệt tiêu sức mạnh từ sự cộng sinh bởi sự lệch pha trong giao thoa ngôn ngữ tạo ra.

Thứ hai, bất đồng ngôn ngữ sẽ khiến hình thành nên lợi ích cục bộ trong cộng đồng dân cư, bởi sự ưu tiên trong sử dụng ngôn ngữ sẽ phụ thuộc vào số người sử dụng ngôn ngữ, từ đó gây nên chia rẽ trong cộng đồng dân tộc, mâu thuẫn trong xã hội. Điều đó làm cho lợi ích dân tộc bị ảnh hưởng bởi lợi ích của vùng, miền, phe phái.

Bên cạnh đó, những ngôn ngữ của các cộng đồng dân cư tại Singapore thời kỳ này đều không phải là những ngôn ngữ thông dụng trong hoạt động thông thương và giao lưu quốc tế. Trong khi đó lại là những hoạt động được xem là nền tảng cho phát triển kinh tế, xây dựng đất nước mà nhà nước Cộng hòa Singapore đã xác định.

Trước những yêu cầu đặt ra cho một chính phủ Singapore non trẻ, có lẽ ông Lý Quang Diệu nhận thấy việc lựa chon ngôn ngữ thống nhất cho Singapore là một phương cách tốt nhất trong việc phát huy sức mạnh của quốc gia kết hợp với sức mạnh của thời đại. Và đó cũng là cách đưa Singapore ra khỏi khó khăn nhanh nhất, bền vững nhất.

Cũng nên nhắc lại rằng, trong giao dịch và thông thương quốc tế, nhất là sau Thế chiến thứ Hai, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ phổ biến nhất. Trong khi Singapore vốn là thuộc địa của Anh nên việc người dân học tập và sử dụng tiếng Anh có nhiều thuận lợi.

Thậm chí việc học tiếng Anh còn là một lợi thế của Singapore với các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á, theo U.S. Library of Congress.

Lựa chọn ngôn ngữ - tầm nhìn vượt thời đại của Lý Quang Diệu ảnh 6

Khi cả thế giới lao vào "cứu" kinh tế Trung Quốc, Việt Nam nên tương kế tựu kế

(GDVN) - Khai thác những cơ hội được tạo ra bởi kinh tế Trung Quốc vừa làm lợi cho người dân, cho doanh nghiệp Việt Nam, vừa làm giảm tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực.

Và tiếng Anh đã được chính phủ của ông Lý Quang Diệu lựa chọn là ngôn ngữ phổ biến trong giao dịch xã hội tại Singapore. Ông Lý Quang Diệu đã sử dụng tiếng Anh để tạo ra lợi thế tuyệt đối của Singapore so với các quốc gia trong khu vực. Qua đó giúp cho Singapore tận dụng tốt nhất những gì trong hoạt động thương mai – dịch vụ, phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước.

Như vậy, có thế thấy rằng nếu tiếng Anh không phải là ngôn ngữ phổ biến tại Singapore thì đảo quốc này sẽ không thể có được sự thịnh vượng như ngày hôm nay.

Từ những khó khăn mang tính đặc thù của đất nước Singapore, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có nhiều quyết định mang tính đặc biệt cho quốc gia này, trong đó có việc lựa chọn tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong giao dịch xã hội.

Ngày nay, người dân Singapore có một cuộc sống phồn vinh, đất nước Singapore trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là thành quả của một quá trình xây dựng và phát triển của Singapore, trong đó có sự góp công rất lớn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu với những suy nghĩ và hành động thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của ông.

Ông Lý Quang Diệu đã giúp cho đất nước Singapore giàu mạnh và từ sự giàu mạnh của Singapore, ông Lý Quang Diệu đã bước vào ngôi nhà của những huyền thoại chính trị thế giới với sự ngưỡng mộ của nhiều người trước tài năng xuất chúng của mình.

Ngọc Việt