Giảm thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp thực phẩm

20/03/2018 07:00
Lại Cường
(GDVN) - Nghị định 15/2018/NĐ-CP vừa chính thức có hiệu lực được đánh giá là làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm ở Việt Nam.

Chiều 19/3, tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về một số điểm mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 2/2/2018) của Chính phủ thay thế Nghị định 38 năm 2012 về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 15 đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm ở Việt Nam.

Nếu trước đây, việc quản lý tập trung kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm thì nay tập chung vào khâu hậu khiểm, quản lý theo nguy cơ, rủi ro. Giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhưng tăng cường trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm cũng tăng mức độ xử phạt. Theo đó cùng một hành vi trước đây việc xử lý sẽ tăng nặng hơn. Quyết liệt thực hiện luật hình sự sửa đổi trong đó có điều 317.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trong buổi gặp mặt báo chí (Ảnh: Lại Cường)
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trong buổi gặp mặt báo chí (Ảnh: Lại Cường)

Trong buổi gặp mặt, ông Phong cho biết, Nghị định 15 có 11 nội dung có sự thay đổi cơ bản so với Nghị định 38.

Trong đó, Nghị định mới đã quy định tất các các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có 2 hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại Nghị định mới đã quy định tất các các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có 2 hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trừ nhóm sản phẩm phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông là: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;  và phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Giảm thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp thực phẩm ảnh 2Doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm

Như vậy, có đến khoảng 90% sản phẩm được tự công bố. Quy định này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm. 

Một điểm mới khác được quy định trong Nghị định 15 là giảm thời gian, thủ tục công bố; Mở rộng việc miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Nghị định 15 cũng có thay đổi căn bản trong kiểm soát về an toàn thực phẩm đối thực phẩm nhập khẩu.

Đặc biệt, Nghị định 15 có thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm. Theo đó, Nghị định mới chỉ quy định các nhóm sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật quảng cáo) phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn do Ủy ban nhân dân tỉnh giao) trước khi quảng cáo.

Từ ngày 01/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt.

Bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hoá nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ.

Để tránh chồng chéo, bỏ sót trong phân công quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp, Nghị định đã quy định rõ chức năng quản lý của từng đơn vị. Trong đó cũng quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc triển khai riêng thủ tục công bố, kiểm tra chuyên ngành theo nghị định 15 tiết kiệm được hơn 7,7 triệu ngày công, cắt giảm chi phí được hơn 3.000 tỷ đồng.

Lại Cường