GS Nguyễn Lân Dũng có dám "bốc thuốc" trị bệnh hèn nhát, vô cảm?

15/05/2013 06:46
Thùy Liễu (th)
(GDVN) - “Tôi đồng tình với ý kiến của Giáo sư nêu lên về tính cách của số đông người Việt hiện nay. Nhưng tôi chưa thấy Giáo sư đưa ra các nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tính xấu mà giáo sư đã nêu...", độc giả Phan Hà bày tỏ.
Những phân tích, nhận định sâu sắc của GS-NGND Nguyễn Lân Dũng qua bài viết “Rất nhiều người Việt Nam ham tiền, vô cảm, hèn nhát” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về 5 tính xấu của không ít người Việt đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của rất nhiều độc giả. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều độc giả bày tỏ liệu GS Nguyễn Lân Dũng có thể "bốc thuốc" để chữa được “căn bệnh” mà đại đa số người Việt đang mắc phải ấy không?Căn nguyên của “bệnh” ham tiền, hèn nhát, vô cảm
Đi tìm nguyên nhân, động cơ khiến một bộ phận không nhỏ người Việt ngày càng trở nên thờ ơ, vô cảm, độc giả Phan Bảo cho rằng: “Vô cảm, hèn nhát của người Việt bắt nguồn từ việc sợ liên lụy. Ví dụ, việc cứu người tai nạn giao thông có thể bị lây nhiễm HIV, bị đánh nhầm và nguy hơn nữa là được các chú công an lấy lời khai, làm chứng trước tòa....”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cũng đồng tình với nhận xét của GS Nguyễn Lân Dũng, độc giả LuongBTC bày tỏ: “Rất nhiều người Việt vô cảm, hèn nhát, hám danh lợi là hoàn toàn đúng trong giai đoạn hiện nay. Nhưng tôi muốn sửa lại nhận định này cho đúng theo nguyên nhân của nó: "Vì sao làm cho người Việt vô cảm, hèn nhát, hám danh lợi". Vì sao? Những năm kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ, toàn dân cực khổ, nhưng con người sống với nhau rất tử tế, không có nạn cướp giật dù đi đêm khuya, các cơ quan hành chính lập pháp làm việc vô cùng nghiêm túc.
Chỉ từ khi có cơ chế thị trường, lúc đó những "cái xấu" bắt đầu sinh sôi nảy nở như "nấm trong rừng", khoảng cách giàu và nghèo tăng lên nhanh chóng, xuất hiện ngày càng nhiều những quan chức giàu có. Theo quy luật sinh tồn, người Việt cũng phải tìm mọi cách để sống, từ bà bán nước chè đến các vị cấp cao, không loại trừ một ai.  Xã hội nào cũng vậy thôi. Nhưng đáng tiếc ở Việt Nam, quy luật sinh tồn này lại đẩy người Việt đến những cái xấu, danh và lợi đi liền nhau, nên họ tìm mọi cách để có "ghế", và rồi phải vô cảm và hèn nhát để giữ cái "ghế" đó.  Ngay như thông tin gần đây, báo chí nêu vụ việc xâm phạm đất rừng Sóc Sơn nghiêm trọng, đã từng bị thanh tra chính phủ kết luận từ năm 2006 mà không hề bị xử lý. Tại sao vậy? Vì nó liên quan đến quá nhiều người. Sai phạm rõ như ban ngày, vậy mà chính quyền vẫn "lúng túng". Vậy "trên" có bảo, nhưng "dưới" chưa nghe, và rồi chắc lại "phạt cho tồn tại", để rồi lại tiếp tay cho những kẻ khác tiếp tục coi thường luật pháp”.Giáo sư có dám “bốc thuốc” trị bệnh hèn nhát, vô cảm?Độc giả Lê Thái mong muốn: “Đồng ý với giáo sư, song đó là phần đông người Việt hiện nay. Dân tộc Việt Nam thì không vậy. Mong giáo sư chịu khó phân tích tiếp nguyên nhân của hiện tượng này. Mong tòa soạn tổ chức diễn đàn công khai và dân chủ thảo luận vấn đề này. Mong từng cá nhân chúng ta hãy tự soi vào chính mình xem có giống "Người Việt" trong bài báo không?” Cùng chung quan điểm trên, độc giả Phan Hà đóng góp ý kiến: “Tôi đồng tình với ý kiến của Giáo sư nêu lên về tính cách của số đông người Việt hiện nay. Nhưng tôi chưa thấy Giáo sư đưa ra các nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tính xấu mà giáo sư đã nêu. Tôi nhận thấy người dân trong Nam có nhiều đức tính tốt hơn nhiếu người ngoài Bắc, người nông thôn, người ít được học có nhiều đức tính tốt hơn người học nhiều. Nguyên nhân thế nào tôi ngờ giáo sư biết nhưng giáo sư chưa dám nói lên sự thật?” “Chúng ta lên nhìn nhận và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, dân tộc. Để xã hội như hiện nay trách nhiệm thuộc về ai? Từ đó, khắc phục sửa chữa, tìm lối thoát cho dân tộc. Lịch sử đất nước ta hào hùng cũng lắm mà oan trái cũng nhiều. Vậy lý do là vì đâu?  Theo tôi, ta phải tổ chức xã hội làm sao để rút ngắn cái chu kỳ xã hội "xấu", càng ngắn càng tốt thông qua dân chủ và tiến bộ văn minh. Nếu không hoàn thành được sứ mệnh hiện tại thì dũng cảm mà trao lại cho sứ mệnh cao cả cho nhân dân. Như vậy mới mong đáp ứng lòng mong mỏi của Bác "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn", độc giả Nguyễn Ba chia sẻ ý kiến.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Thùy Liễu (th)