70 tuổi vẫn là khủng bố, xã hội đen, sao không tử hình?

17/06/2015 08:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Một số Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp dụng hình phạt tử hình với Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, người bị AIDS hoặc bị ung thư giai đoạn cuối.

Ngày 16/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Đa số các Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định không tử hình người phạm tội từ 70 tuổi trở lên.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nói thẳng, không đồng tình với quy định này, bởi trên thực tế cho thấy nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

“Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên, có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng trị, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Hơn nữa, quy định như vậy không có căn cứ và không thuyết phục, khó có khả thi. Tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định áp dụng hình phạt tử hình đối với người 70 tuổi trở lên theo từng loại tội danh”, bà Thúy nói.

Bị cáo Đoàn Công Hương (70 tuổi) từng bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”. ảnh: vtc.
Bị cáo Đoàn Công Hương (70 tuổi) từng bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”. ảnh: vtc.

Đồng quan điểm, Đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) đánh giá, quy định nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người đã đến độ tuổi thượng thọ, đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Song, trong thực tế cho thấy độ tuổi 70 sức sống hiện nay còn rất khỏe và có đủ điều kiện để hưởng thụ, là tấm gương để con cháu noi gương vậy mà họ phạm tội, xã hội thì cần lên án kịch liệt.

Họ phạm tội gây án thường đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội, do vậy tôi đề nghị phải áp dụng và thi hành án tử hình đối với đối tượng có độ tuổi 70 vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

70 tuổi vẫn là khủng bố, xã hội đen, sao không tử hình? ảnh 2

Ông Đỗ Văn Đương đề nghị tội phạm hóa hành vi… ăn quỵt

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) thì cho rằng, người 70 tuổi trở lên mà phạm tội thì tuổi cao là một tình tiết giảm nhẹ, song chỉ nên giảm nhẹ với một số tội ít nghiêm trọng có khung hình phạt từ 7 năm tù trở xuống; đồng thời không được miễn trách nhiệm hình sự đối với người từ 70 tuổi trở lên.

“Tuổi 70 ngày xưa là hiếm, song ngày nay cũng rất phổ biến, tôi không bình luận. Người 70 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí tuệ, sự chênh lệch so với tuổi thấp hơn nhưng không nhiều.

Thực tế, nhiều nước ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nước ta cũng thế. Họ còn có thể là những người cầm đầu các tổ chức tội phạm, xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền. Vì vậy, cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) thì đặt ra câu hỏi: “Thực tế hiện nay người già vi phạm các tội nghiêm trọng chiếm tỷ lệ nhất định. Điều tôi quan tâm là ban soạn thảo lấy tiêu chí nào để xác định người trên 70 tuổi áp dụng quy định này? Năng lực hành vi dân sự, hình sự của những người trên 70 tuổi có gì khác so với các lứa tuổi khác?”.

Trong khi đó Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) lại đề nghị sửa quy định trong dự thảo bỏ hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi thay bằng 75 tuổi trở lên.

Đồng thời bà Khá đề nghị miễn tử hình với những đôi tượng có công với cách mạng như Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Thương binh nặng.

Còn Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị bổ sung hình phạt không tử hình với một số trường hợp mà bị cáo là những người mắc bệnh AIDS, mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Đối với bị cáo sau khi phạm tội mất hoàn toàn năng lực hành vi. Ví dụ, điên hoặc bại liệt toàn thân vì những bệnh này trên thực tế cũng không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, cho nên không cần thiết phải đặt ra vấn đề án tử hình.

Ngọc Quang