Thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 16/6, Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.HCM) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, phải tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhiều nhà đất, nhiều đô la nhưng không chứng minh được. Đồng thời, tội phạm hóa hành vi ăn quỵt.
“Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi rửa tiền, nhiều người cho rằng có nhiều người có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều đô la nhưng không chứng minh được nguồn gốc, tôi cũng đề nghị tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Như vậy, khi xảy ra có cơ sở pháp lý để đấu tranh xử lý đồng thời chí ít ra quy định trong bộ luật này thì cũng răn đe phòng ngừa”, ông Đương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Đương cũng đề nghị tội phạm hóa hai loại hành vi: Thứ nhất là hành vi gây lãng phí nghiêm trọng như nhiều dự án bỏ hoang gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước và cũng đề ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn có tham nhũng.
Thứ hai là hành vi ăn quỵt, ví dụ vào nhà hàng ăn mất mấy chục triệu đồng nhưng không trả; vay nợ hàng trăm tỷ đồng không trả. Nếu bảo lạm dụng tín nhiệm thì lại sợ hình sự hóa quan hệ dân sự cho nên một là oan, hai là lọt.
“Tôi đề nghị cho rõ thì nên bổ sung tội bội tín hay tội ăn quỵt để đỡ tranh chấp về tội danh. Lấy của người ta hàng tỷ đồng mà bảo không nguy hiểm làm sao được, nhiều người tan cửa nát nhà vì đám này”, ông Đương nhấn mạnh
Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị tội phạm hóa hành vi ăn quỵt. ảnh: TTBC Quốc hội. |
Ngoài ra, ông Đương cũng ủng hộ dự thảo không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về tham nhũng, nhưng cần phân hóa, chỉ áp dụng đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Đương nói: “Râu có dài đến rốn, ông có chốn vẫn phải bắt về quy án và tịch thu tài sản. Nhưng những tham nhũng vặt, vài triệu đồng thì nên áp dụng thời hiệu, mới đồng bộ với các loại tội phạm khác, ít nghiêm trọng khác”.
"Bỏ tử hình tham nhũng, xã hội sẽ loạn, nhân dân sẽ không tha cho chúng ta" |
Theo ông Đương, hình phạt là giá người phạm tội phải trả, là hậu quả pháp lý phải gánh chịu, do thực hiện hành vi tội ác.
Hình phạt không chỉ trừng trị để hoán cải tội nhân, điều quan trọng nhất hình phạt đặt ra để răn đe người khác đang có ý định phạm tội, răn đe đừng có phạm tội.
“Nếu một chính sách hình sự thể hiện trọng tâm hình phạt quá nhẹ, ví tựa như mặt nước hiền dịu sẽ làm cho nhiều người chết vì nước.
Trong điều kiện nước ta hiện nay vẫn cần một chính sách hình sự cứng rắn để giảm bớt tội phạm, xã hội được yên vui. Đó là tư tưởng nhân văn và nhân đạo.
Chính vì vậy, đề cập đến dự thảo tôi ủng hộ việc tăng cường áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù đối với những người đúng nhóm tội, phạm tội vì tiền, dùng tiền làm phương tiện phạm tội thì nên áp dụng hình phạt tiền.
Nhưng tôi không tán thành việc áp dụng hình phạt tiền với những tội cố ý chiếm đoạt như lừa đảo, trộm cắp. Loại tội này phạt tiền thì chết xã hội, nó đi cắp rồi nộp phạt, nguy hiểm.
Chính vì vậy, tôi đề nghị mở rộng áp dụng hình phạt tiền đối với loại tội trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.
Đối với tội tội phá hủy công trình quan trọng, ông Đương cho rằng phải xử phạt nghiêm minh ở mức cao nhất.
“Cách đây 15 năm ở Hòa Bình một đối tượng phá hủy một cột điện 500 kv làm mất rất nhiều tỷ đồng, tê liệt sản xuất phải tử hình”, ông Đương nói.