Ai có thể trở thành nội gián cho cướp biển?

20/01/2015 06:47
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Quan chức Quốc hội cho rằng nếu đặt giả thiết như tướng Đạm thì ai cũng có thể trở thành nội gián cho cướp biển lộng hành ở châu Á.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về xu hướng lan rộng của nạn cướp biển ở châu Á, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cho rằng, hiện chưa thể khẳng định được có hay không lực lượng đứng sau hỗ trợ, ủng hộ một cách trực tiếp hay gián tiếp cho cướp biển. "Nhưng có những dấu hiệu ở một số tàu bị cướp, sau khi xem lại, chúng tôi đánh giá có hiện tượng nội gián...", Tướng Đạm nói.

“Tức là khi công ty hoặc thuyền trưởng của tàu chở dầu đó đi thuê người đã không tính toán, tìm hiểu kỹ lịch sử, lai lịch của người được thuê nên đã thuê phải những người có mối quan hệ với cướp biển. Chính những người đó đã cung cấp hành trình, tạo điều kiện để cướp biển tấn công tàu chở dầu”, Tướng Đạm nhấn mạnh.

Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)
Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Bình luận về quan điểm này, trao đổi với phóng viên, ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội nói: “Tôi cho rằng đó chỉ là giả thiết. Đúng là chúng ta không có được thông tin chính xác như người ta đã thuê thuyền viên ở đâu, họ là người thế nào…, nhưng nói như tướng Đạm cũng chỉ là một sự phỏng đoán còn để kết luận chính xác phải có căn cứ. Nếu đưa ra thông tin chưa được kiểm chứng, không cẩn thận sẽ dễ làm cho những người trong cuộc cảm thấy bị chạm tới lòng tự trọng của người ta”.

 

Ai có thể trở thành nội gián cho cướp biển? ảnh 2

Tướng Đạm: Có dấu hiệu “nội gián” cho cướp biển lộng hành ở châu Á

(GDVN) - Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cho biết như trên, sau khi điều tra các vụ cướp biển thời gian qua, nhất là năm 2014.

 Để bảo vệ quan điểm của mình, ông Trường phân tích, khi một tàu đã vào cảng của Singapore, lấy đủ nhiên liệu và kéo còi ra khơi thì bất cứ ai có mặt ở cảng, ở trên bờ cũng có thể biết tàu mang quốc tịch nước nào, hành trình của con tàu ấy ra sao – ra khơi hay cập cảng vào lúc nào chứ không cứ thuyền viên trên tàu. Họ hoàn toàn có thể goị điện thoại hoặc mail cho nhau biết tin.

“Đó là chuyện hết sức bình thường chứ không khó khăn để có thông tin như 15 – 20 năm về trước. Do vậy, mọi phỏng đoán theo tôi phải hết sức thận trọng. Nói như tướng Đạm, ai cũng có thể trở thành nội gián cho cướp biển?!”, ông Trường nói thêm.

2 vụ cướp tàu Việt Nam: Không bình thường?

Tàu Sunrise 689 đang neo ở cảng Vũng Tàu phục vụ công tác điều tra (Ảnh: LĐ)
Tàu Sunrise 689 đang neo ở cảng Vũng Tàu phục vụ công tác điều tra (Ảnh: LĐ)

Cũng theo ông Trường, cướp biển không phải là vấn đề mới, nhưng trong thời gian gần đây Việt Nam đã có ít nhất 2 vụ tàu bị cướp biển tấn công. Đó là dấu hiệu không bình thường, gây lo lắng cho những người làm công tác vận tải biển đường dài, nhất là những gia đình có người thân làm trên các phương tiện vận tải hàng hải. Đây cũng là một mối quan tâm chung của toàn xã hội.

“Sở dĩ tôi nói có dấu hiệu không bình thường bởi trong thời gian ngắn đã xảy ra 2 vụ cướp tàu chở dầu của ta. Trong khi vụ trước chúng ta còn đang giao cho cơ quan chức năng điều tra xem có dấu hiệu nào khác không thì đã xảy ra vụ cướp tiếp theo.

Ở vụ cướp thứ nhất, theo thông tin từ các thuyền viên, thông tin chung thì tàu đó bị cướp, nhưng cũng có người này, người khác đặt nghi vấn nọ kia nên các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra trước khi đi tới kết luận. Không lâu sau đó, xảy ra vụ cướp thứ hai. Rõ ràng, tần suất đã tăng lên”, ông Trường nêu quan điểm.

Nói về nguyên nhân khiến số vụ cướp tàu chở dầu cỡ nhỏ ngày càng tăng, ông Trường cho hay, cướp biển thường nhắm vào các tàu chở dầu cỡ nhỏ vì ngay cả khi cướp được các tàu cỡ lớn, chúng cũng không thể nào lấy hết được. Do vậy, những tàu chở dầu cỡ nhỏ với khối lượng vừa phải sẽ phù hợp với nhu cầu của họ hơn. Hơn nữa, với tàu nhỏ, lượng thuyền viên trên tàu cũng ít hơn nên khả năng kháng cự cũng thấp hơn.

“Ở những khu vực giáp ranh, khả năng quản trị, tuần tra, kiểm soát không thể chặt chẽ giống như các khu vực khác nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Bên cạnh đó, khi truy đuổi, các lực lượng chức năng không thể xâm phạm vùng biển của nước khác nên cướp biển chỉ cần chạy sang khu vực vùng biển của nước khác là có cơ hội để tẩu thoát. Các nước phải phối hợp với nhau rất chặt chẽ mới có thể dẹp nạn cướp biển này.

Theo phán đoán của tôi, dầu mỏ là thứ dễ tiêu thụ hơn cả. Người ta có thể bán lại cho nhau ngay trên biển chứ không cần phải vào tới đất liền. Tôi cho rằng, lực lượng cướp biển chắc chắn phải là người của một quốc gia nào đó. Có thể thấy ở các quốc gia mà cướp biển có quốc tịch ở đó, việc đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật như thế chưa thật nghiêm khắc.

Thậm chí, có thể nói khả năng, năng lực quản trị của Chính phủ nước đó yếu kém bởi họ đã không kiểm soát được tình hình. Chính điều đó đã tạo thuận lợi cho cướp biển lộng hành. Ngoài ra, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết có những tên cướp biển sống ngoài chính phủ tức là không có sự quản lý của chính phủ”, quan chức quốc hội này cho biết thêm.

Ông Trường cũng cho rằng, nếu các nước không nhìn thẳng vào sự thật, không có sự phối hợp, hợp tác đấu tranh chống lại chúng một cách hữu hiệu thì trong thời gian tới số vụ cướp biển sẽ lại tăng lên.

PHONG NGUYÊN