TAND Tối cao vừa có bản kiến nghị xử Giám đốc thẩm, hủy án tử hình đối với Hàn Đức Long, can phạm bị kết tội giết người, hiếp dâm trẻ em. Cùng với việc hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, TAND Tối cao cũng đề nghị giao cho VKS Nhân dân Tối cao điều tra lại theo thủ tục.
Bị cáo Hàn Đức Long. |
Trước kiến nghị này của TAND Tối cao, Luật sư Ngô Ngọc Trai (Công ty Luật TNHH Công Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội), người tình nguyện bào chữa miễn phí và cũng là luật sư theo đuổi việc kêu oan cho bị cáo này từ nhiều năm nay đã chỉ ra không ít chi tiết “vênh” trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào những phân tích của Luật sư Ngọc Trai, Báo Giáo dục Việt Nam xin thông tin chi tiết lại vụ án để bạn đọc có thể nắm rõ.
Công an phá án nhờ vào đơn tự thú?
Vụ án của Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) bắt nguồn từ việc cháu Nguyễn Thị Y. (SN 2000) bị chết dưới mương nước thuộc cánh đồng thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn vào chiều tối ngày 26/6/2005. Cơ quan điều tra (CQĐT) vào cuộc và xác định nạn nhân đã bị hiếp dâm và chết do ngạt nước.
Sau gần 4 tháng điều tra mà không tìm ra hung thủ, CQĐT công an tỉnh Bắc Giang đã “phát động nhân dân tố cáo tội phạm”. Đến tháng 10/2005 thì xuất hiện đơn tố cáo của hai mẹ con bà Khuyến (SN 1930) về việc từng bị Long hiếp dâm. Trong thời gian này, gia đình ông Long có mâu thuẫn với bà Khuyến vì tranh chấp đất đai.
Vụ án tù oan 10 năm của ông Chấn: Họ "cắp ô" hay cắp "lưỡi hái"?
(GDVN) - Hy vọng sau vụ xét xử hủy hai bản án của ông Chấn sẽ còn nhiều phiên tòa nữa liên quan đến những kẻ đang phủi tay chối tội, đang cố đùn đẩy sự vô lương tâm của mình cho người khác. Những con rùa rụt cổ, dù chết hay sống cũng phải được mang ra trước ánh sáng công lý.
Trong quá trình bị tạm giam, Long đã bất ngờ có “đơn tự thú” về hành vi hiếp dâm và giết cháu Y. Theo lời tự thú thì chiều 26/6/2005, Long chở thóc đến nhà anh Nam để xay xát. Khi Long đến, do có nhiều khách nên trong lúc chờ đến lượt, Long đi bộ sang quán bán hàng của vợ chồng nhà anh S., chị L. ở gần đó, bắt cháu Y. (con gái anh chị S, L.) đưa ra đồng hãm hiếp rồi thủ tiêu. Lúc sự việc xảy ra, vợ chồng anh S., chị L. đang nhổ lạc ngoài đồng.Bị công an triệu tập đến làm việc, Long đã nhận hiếp dâm hai mẹ con bà Khuyến nên đã bị công tỉnh Bắc Giang khởi tố, bắt tạm giam về tội “Hiếp dâm”.
Sự việc được Long miêu tả một cách tỉ mỉ trong bản tự thú: Khi đến quán nhà anh S, chị L. thì trời đã nhá nhem tối. Long thấy cháu Y. (con gái anh S, chị L) đang ngồi một mình ở bụi tre trước sân quán, Long hỏi cháu Y: ‘Bố mày đâu?”. Cháu Y. trả lời: “Bố cháu đi nhổ lạc”. Long hỏi: “Mày biết bán hàng không?”. Cháu Y. trả lời: “Không”. Long lại hỏi: “Mày biết bác không?”, cháu Y. lắc đầu. Theo nội dung trong bản khai nhận của Long, lúc này quan sát xung quanh vắng người, trời đã nhá nhem tối nên Long nảy sinh ý định bắt cháu Y. đưa ra cánh đồng hiếp dâm rồi thủ tiêu luôn vì nghĩ cháu Y. còn bé sẽ không ai biết việc làm của Long.
Đầu năm 2007, TAND tỉnh Bắc Giang đã xử phạt Long án “tử hình” về tội "Hiếp dâm trẻ em" và tù chung thân về tội "Giết người"; đồng thời tuyên bố Long không phạm tội "Hiếp dâm" (đối với hai mẹ con bà Khuyến).
Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND xử Giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu.
Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long. Tại các phiên xử, bị cáo Hàn Đức Long một mực kêu oan và cho biết đã bị ép cung, dùng nhục hình.
Tin chồng không phạm tội, bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Hàn Đức Long) gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu oan.
Mới đây, TAND Tối cao vừa có bản kiến nghị xử Giám đốc thẩm, hủy án tử hình đối với Hàn Đức Long. Cùng với việc hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, TAND Tối cao cũng đề nghị giao cho VKS Nhân dân Tối cao điều tra lại theo thủ tục.
Nhiều chi tiết vênh, nghi là được tạo ra từ trí tưởng tượng của công an?
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận định, có một nguyên lý nếu đúng bị cáo là thủ phạm thì mọi tình tiết, hành vi phạm tội, mọi căn cứ bằng chứng của vụ án sẽ có tính logic và phù hợp với nhau. Giống như những cạnh răng cưa ăn khớp vào với nhau.
Còn nếu bị cáo không phải là thủ phạm thì việc mô tả diễn biến hành vi phạm tội chắc chắn sẽ có những điểm vô lý, vênh nhau, khập khiễng, khiên cưỡng, gò ép.
Luật sư Ngô Ngọc Trai |
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng, trong vụ án của Hàn Đức Long, cơ quan điều tra có thể đã cố gắng chứng minh cho sự logic phù hợp của các tình tiết, mài mòn đi những chỗ vênh, nhưng sự thật chỉ có một và không thể nào che dấu đi hết được dấu vết của sự khiên cưỡng.
Ví dụ trong vụ án này, việc cơ quan điều tra bỏ ra ngoài hồ sơ 49 bút lục tài liệu là nhằm che dấu đi sự vô lý trong luận điểm kết tội. 49 bút lục đó cho thấy có mâu thuẫn gia đình giữa Long và gia đình bà Khuyến, chị Năm (người vu cáo Long hiếp dâm từ đó Long bị bắt và lòi ra vụ giết hiếp cháu bé 5 tuổi).
Luật sư Ngô Ngọc Trai nhấn mạnh 3 điểm vênh trong hồ sơ vụ án:
Thứ nhất: Cơ quan giám định pháp y cho kết quả cháu bé chết sau bữa ăn cuối cùng từ 4 đến 6 giờ. Cơ quan điều tra đã hỏi bố mẹ cháu và xác định cháu ăn bữa cuối lúc 12 giờ trưa, vậy thời điểm cháu bé chết nằm trong khoảng từ 4 đến 6 giờ chiều.
Nhưng vấn đề là ngày xảy ra vụ án 26/6/2005, đó là ngày mùa hè. Thời điểm này ruộng vừa mới cấy không gian thông thoáng. Vậy lúc 4 đến 6 giờ chiều trời còn sáng, liệu tội phạm có dám đưa cháu bé ra cánh đồng hiếp rồi giết không?
“Nhiều khả năng là sự việc đã xảy ra ở nơi khác hoặc theo một diễn biến cách thức khác không đúng với mô tả trong hồ sơ. Đây là điểm vô lý chứng tỏ cơ quan điều tra đã sai và không thể khắc phục được” - Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận định.
Thứ hai: Khi mổ tử thi cháu bé thấy trong phổi và khí phế quản cháu có nhiều dị vật lẫn bùn đất, chứng tỏ cháu phải bị dìm cho chết sặc. Nhưng cơ quan điều tra lại xác định, Long ôm cháu bé ra chỗ bờ mương đất, đặt cháu bé ngồi trên bờ rồi đẩy cháu ngã xuống nước rồi bỏ chạy về. Không có hành vi dìm chết cháu bé.
Khi khám nghiệm hiện trường cho thấy, mực nước mương là 35cm, tức là chỉ hơn một gang tay, trong khi cháu bé cao 1,07m. Mực nước đó thì không thể làm chết cháu bé có chiều cao như vậy được, mực nước chỉ đến đầu gối cháu bé.
Điểm này chứng tỏ cơ quan điều tra mô tả diễn biến hành vi phạm tội sai, không đúng với thực tế khách quan. Đây cũng là điểm vô lý mà cơ quan điều tra không thể lý giải được.
Thứ ba: Một loạt sự bất hợp lý trong mô tả hành vi của bị cáo khi bế cháu bé ra cánh đồng, đặt ngồi ở đoạn bờ mương bê tông và thực hiện các thao tác hành động.
Hồ sơ điều tra mô tả, khi bị cáo bế cháu bé ra cánh đồng tới đoạn mương bê tông: “…Long đặt cháu Y. ngồi trên bờ mương bên trái, hai chân buông thõng xuống lòng mương. Long ngồi bờ mương đối diện, hai chân đặt dưới lòng mương. Lúc này cháu Y. đã bất tỉnh nên tay phải Long giữ vai cháu, tay trái tụt quần cháu Y. và ném xuôi theo dòng nước...”.
Tài liệu điều tra không làm rõ cháu Y. bị bất tỉnh ở thời điểm nào, vì lí do gì mà chỉ nêu rằng lúc này cháu Y. bị bất tỉnh?. Trước đó, Long chỉ bế cháu Y. mà không có hành vi đánh đập nên việc cháu Y. bị bất tỉnh là không có cơ sở. Phải chăng điều này để khỏi tránh những điểm vô lí sau:
Bởi lẽ nếu không bất tỉnh thì khi bị đau đớn, cháu bé sẽ kêu la, sẽ rất nguy hiểm vì cánh đồng khi đó trống trải, ruộng mới cấy, không gian thông thoáng, thời tiết mùa hè ngày 26/6 khi đó lúc 6, 7 giờ thì trời vẫn còn sáng.
Thêm nữa, trong trường hợp cháu Y. ngất thật thì tại sao Long lại để cháu ngồi mà không đặt cháu nằm ra bờ mương cho dễ thực hiện các thao tác?
Chỉ một đoạn ngắn mô tả hành vi phạm tội đã cho thấy một loạt điểm bất hợp lí, không logic, thiếu khách quan. Điều nay cho thấy khả năng tội phạm được thực hiện theo một tư thế diễn biến cách thức khác, có thể ở một địa điểm khác.
Một điểm nữa cũng rất đáng lưu ý là trong quá trình điều tra lại vụ án, ông Dương Khương Duy (Cán bộ điều tra chính vụ án đã đột tử chết – ông Duy từng là cán bộ điều tra vụ trộm cổ vật tại Bắc Giang làm 8 người bị oan, trong đó 1 người bị chết trong trại sau đó được thông báo chết vì bệnh (?).